Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao.
Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái sum suê. Đặc biệt, những chuôi trái của những cây tiêu này có độ dài gấp 2,5 lần và hạt nào cũng to gấp 1,5 lần so với giống tiêu Vĩnh Linh đang trồng phổ biến trong vùng. Qua kiểm tra, mỗi chuôi tiêu có độ dài từ 20-25cm, trái phủ kín chuôi chứ không hề bị răng cưa như những loại tiêu khác.
Ông Hiệu cho biết: “3 năm về trước, tôi đi mua các giống tiêu ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh về trồng được khoảng 300 trụ. Tuy nhiên, trong vườn đã xuất hiện một số cây tiêu lạ, khác biệt so với toàn vườn. Cái “lạ” của giống tiêu này là dây ra tới đâu thì cho trái tới đấy, năm thứ 2 đã bắt đầu ra bói và hiện cho thu hoạch với năng suất rất cao. Trong khi đó, tất cả các trụ tiêu khác trong vườn (giống tiêu Vĩnh Linh) trồng cùng thời điểm đã phủ kín trụ thì mới bắt đầu ra bói”.
Theo ông Hiệu, ngoài những điểm “lạ” trên thì cái khác nữa của giống tiêu này là đọt tiêu trắng như đọt rau muống chứ không đỏ như tiêu Vĩnh Linh. Lá cũng to, xanh đậm hơn và cũng giàu sức sống hơn, trong khi chế độ chăm sóc cũng ít hơn. Tính trung bình mỗi trụ tiêu “lạ” này cho năng suất cao gấp 3 lần tiêu Vĩnh Linh. Cụ thể, những trụ tiêu “lạ” 3 năm tuổi (3 dây trong 1 trụ) cho thu hoạch từ 25-30 kg/trụ.
Chuyện lạ đồn xa, nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh liên tục kéo đến tham quan vườn tiêu. Thậm chí, có cả đoàn người trồng tiêu ở huyện Chư Sê, Gia Lai, nơi được xem là vựa tiêu nổi tiếng của cả nước cũng kéo đến xem.
Ông Dương Quốc Phong, một người dân ở huyện Krông Nô đến xem ngạc nhiên nói: “Nhà tôi đã trồng tiêu nhiều năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cây tiêu nào khi ra trái lại có chuôi dài và trái to như của gia đình ông Hiệu. Tôi đến xem và mong muốn kiếm được giống tiêu này về trồng thử. Nếu mà nhân rộng được giống tiêu cho năng suất cao như thế này thì nông dân sẽ thắng lớn vì hiệu quả kinh tế vượt trội”.
Ông Hiệu khẳng định: “Hiện nay, có rất nhiều người đặt vấn đề với gia đình tôi về việc đặt mua dây tiêu hoặc chờ khi tiêu chín thì mua trái để ươm giống. Thậm chí, có người còn sẵn sàng đặt giá 1 dây tiêu giống hơn 200.000 đồng hoặc 1kg tiêu chín với giá 400.000 đồng, nhưng tôi chưa nhận lời. Riêng gia đình tôi đã nhân giống được 50 trụ giống tiêu “lạ” này. Những người tới xem cho rằng đây là giống tiêu Ấn Độ, rồi Camphuchia… nhưng tôi chưa có câu trả lời chính xác đây là giống nào”.
Ông Hiệu vui mừng khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hạnh chia sẻ: “Giống tiêu lạ của nhà ông Hiệu đúng là cho năng suất vượt trội, gấp đôi, gấp ba so với tiêu bình thường. Tuy nhiên, chủ vườn mua giống tiêu từ nhiều nơi về trồng nên cũng chưa ai khẳng định được đây là giống tiêu gì”.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đăk Song thì đơn vị cũng đã nắm thông tin ở xã Thuận Hạnh xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất cao và cũng cử cán bộ khuyến nông xuống khảo sát xem đây là giống tiêu gì. Dự kiến kết quả về giống tiêu “lạ” này sẽ có trong thời gian tới. Nếu như giống tiêu này hiệu quả, huyện sẽ phối hợp với chủ vườn tìm cách nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho nông dân.