Gạo bị cho là thực phẩm dễ bị nhiễm thạch tín - Ảnh USA Today
Từ 10 năm nay, FDA đã quan tâm đến vấn đề này do gạo là thực phẩm dễ nhiễm thạch tín. Tổ chức này đang đo lường hàm lượng thạch tín trong khoảng 1.200 mẫu sản phẩm từ gạo như gạo tròn, gạo dài, gạo chứa trong bột ngũ cốc cho trẻ em và người lớn, thức uống từ gạo và bánh bột gạo.
Bước đầu, FDA hôm 19-9 đã công bố 200/1.200 mẫu sản phẩm đang được xét nghiệm sau khi tạp chí Consumers Report công bố nghiên cứu riêng về 223 sản phẩm của mình.
FDA đưa ra hàm lượng từ 3,5 - 6,7 microgram thạch tín vô cơ ở mỗi sản phẩm trong khi Consumer Reports đưa hàm lượng trung bình lên tới 8,7 microgram. Con số này tương đương với 1 g thạch tín trong 115.000 sản phẩm .
Consumer Reports thúc giục FDA định tiêu chuẩn an toàn cho gạo đồng thời so sánh với mức tiêu chuẩn nước uống được đặt ra tại bang New Jersey (5 microgram thạch tín /1 lít nước được xem là an toàn).
Đến thời điểm này, chưa có bằng chứng cho thấy gạo trên thị trường không an toàn. Tuy nhiên, gạo dễ chứa hàm lượng thạch tín hơn các loại thực phẩm khác do trồng trên đất ngập nước nên hóa chất này có điều kiện tốt để thẩm thấu vào gạo. Hiện FDA chưa có tiêu chuẩn xác định mức độ an toàn về hàm lượng thạch tín trong thực phẩm là bao nhiêu.
Thạch tín là hóa chất tự nhiên hiện hữu trong nước, không khí, đất và thực phẩm ở cả hai dạng hữu cơ và vô cơ. Theo FDA, thạch tín hữu cơ đi vào cơ thể nhanh và hầu như vô hại trong khi thạch tín vô cơ (dạng thường thấy ở thuốc trừ sâu và bệnh cho thực vật) có thể là chất độc gây ung thư nếu tiêu thụ hàm lượng cao và lâu dài.
L.Nguyễn (Theo AP)