Cơ giới hóa sản xuất chè

Thứ tư - 05/09/2012 22:29

Minh Họa

Minh Họa
Gấp cả trăm lần thủ công Mô hình tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong SX chè được triển khai tại huyện vùng cao Định Hóa (Thái Nguyên) đã thu hút sự quan tâm cũng như mong muốn lựa chọn thay đổi phương thức làm chè của nhiều nông hộ.

 

Dự án khuyến nông xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong SX chè" được Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa triển khai trên địa bàn xã Sơn Phú với 12 hộ tham gia. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hộ dân đã được tập huấn kỹ thuật và trang bị 3 loại máy làm chè (máy đốn, máy hái và máy phun thuốc).

Ông Nguyễn Tiến Hành, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX chè xã Sơn Phú cho biết, với vài chục triệu đồng đầu tư để mua một bộ máy cơ giới hóa thì không phải gia đình nông hộ nào ở Sơn Phú cũng dám tham gia dự án. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm đưa các máy cơ giới đi khắp các nương chè từ xã đến huyện rồi ra cả các huyện khác của tỉnh, thậm chí sang cả Tuyên Quang trình diễn và làm thuê, được tăng thu nhập thì bà con khắp nơi đều muốn tậu 1 bộ máy như của ông.

Ông Hành hạch toán, đối với máy hái chè thì cứ mỗi giờ chỉ cần hái nhẹ nhàng 1 tạ chè tươi, nhân với giá 3.000 đ/kg thì ông đã có mức thu nhập 300.000 đ/giờ. Vậy là, chỉ sau vài tháng đưa các máy đi hái, đốn và phun thuốc thuê, đã thu hồi đủ tiền đầu tư mua máy. Ông nói vui, trước kia cứ làm việc hết giờ hành chính ở Hội Cựu chiến binh là ông lại tất tả về nhà để “tập thể thao” cùng vợ trên nương chè. Từ ngày có máy, ông được chơi cầu lông ở xã, cả  mẫu chè của gia đình đều do một mình vợ ông quán xuyến mà cũng không thấy kêu vất vả như trước.

Đánh giá về năng suất của các máy cơ giới nhỏ, ông Vũ Văn Quang (xóm Vũ Quý, xã Sơn Phú) so sánh, gia đình ông có 6 sào chè. Khi chưa có máy thì ông phải thuê khoảng 20 người hái trong 3 ngày. Có máy thì chỉ 2 vợ chồng ông hái trong nửa ngày đã xong. Đáng nói là việc thuê người hái thì phải chi trả khoảng gần 2 triệu đồng cho mỗi lứa chè. Ngược lại, đối với việc hái máy thì vợ chồng ông chỉ phải bỏ ra vỏn vẹn ½ lít xăng trong nửa ngày chạy máy, tương đương hơn 10.000 đồng.

Tương tự, đối với máy đốn chè, nếu đốn thủ công tạo tán thì một người sẽ đốn được khoảng ½ sào/ngày, trong khi đó, máy cơ giới nhỏ đốn chè sẽ đốn được khoảng 1 mẫu/ngày. Máy trừ sâu cũng cho năng suất lao động rất cao. Có thể nói, hiệu suất công việc của các máy cơ giới hóa sẽ gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với lao động thủ công.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên:

Từ hiệu quả của dự án cũng như nhu cầu thực tế tại các địa phương, trung tâm đã đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần thu hút và thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân theo hướng ứng dụng tiến TBKT vào SX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa.

 

Ông Hà Quang Bắc, thành viên của Tổ hợp tác cho biết, so sánh đơn thuần về năng suất lao động là như vậy, song điều quan trọng hơn là làm bằng máy thì người SX chè đầu tư ít hơn rất nhiều so với làm thủ công. Ví dụ, 1 mẫu chè nếu thuê hái tay như trước đây thì phải mất 3 triệu đồng. Nếu 2 người sử dụng 1 máy hái thì cộng cả công lao động lẫn tiền xăng chạy máy chỉ 200.000 đồng. Tính ưu việt khi áp dụng máy cơ giới nhỏ làm chè còn giúp bà con nông dân chủ động trong điều tiết cơ cấu thời vụ, đảm bảo thu hoạch, chăm sóc và chế biến chè đúng kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.

Ông Hà Quang Chì, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, giờ đây, cả một đồi chè rộng hàng héc ta được hái, đốn và phun thuốc trừ sâu chỉ trong 1 ngày, vì thế nương chè lên búp đều chằn chặn. Việc sử dụng máy cơ giới nhỏ trong làm chè cũng đòi hỏi người nông dân phải tạo ra một quy trình chuẩn trong SX chè nguyên liệu. Đó là việc tuân thủ quy trình về thiết kế nương chè, kỹ thuật trồng, chăm sóc… sao cho đến khi thu hoạch phải tạo được sự đồng đều búp trên tán chè của cả nương chè. Có vậy, máy cơ giới mới làm việc được.

Ông Phó chủ tịch xã vui vẻ nói, chỉ sau hơn một năm qua, kể từ khi áp dụng cơ giới tổng hợp vào SX, các nương chè của xã đã thay hình đổi dạng. Chè nguyên liệu của Sơn Phú làm ra đến đâu được đặt mua hết luôn đến đó. So với làm lúa thì người dân 7 xóm làm chè đều có kinh tế khá giả hơn hẳn so với 21 xóm còn lại của xã.
Theo BNNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây