Theo bà Bích, đầu năm 2014, bà dự định ra nước ngoài du lịch nên có ký hợp đồng với Trung tâm viễn thông Cái Nước - Phú Tân (lập ngày 15/1/2014) với các nội dung: Bà Bích đăng ký sử dụng thuê bao di động trả sau và ký gửi số tiền 5 triệu đồng.
Số điện thoại của bà Bích kèm theo dịch vụ gọi cước quốc tế và International roaming, có chuyển tiếp cuộc gọi tắt là CF (call roaming)...
Bà Bích sử dụng thuê bao trên đến sáng 18/1 thì giao lại cho người em sử dụng. Nguyên nhân vì khi đi du lịch bà Bích không có hộ chiếu nên kẹt lại trong nước. Khi sang Lào du lịch, em bà Bích phát hiện mất máy điện thoại và cả sim (khoảng 22h ngày 18/1/2014).
Đến sáng hôm sau, em bà Bích nhờ số điện thoại của người bạn bên Lào gọi về cho nhân viên giao dịch báo máy và sim bị mất, yêu cầu nhà mạng khóa.
Khi nhân viên viễn thông gửi giấy báo tiền cước tháng 1/2014 thì bà Bích tá hỏa: Tổng cộng số tiền là 1.146.784.446 đồng. Còn danh sách cuộc gọi thì lên đến 5.939 cuộc. Xem qua bảng kê cuộc gọi có nhiều chi tiết bà Bích không thể hiểu.
Cụ thể như số điện thoại của bà cùng một thời điểm (cùng giây, cùng phút, cùng giờ) có thể thực hiện đến 9 cuộc gọi và đều bị tính phí, nhiều lúc chỉ trong 1 phút có thể thực hiện đến 49 cuộc gọi...
Nhân viên viễn thông nhiều lần đến nhà bà Bích thu tiền cước điện thoại nhưng thu không được. Tháng 6/2014, Viễn thông Cà Mau (đơn vị quản lý Trung tâm viễn thông Cái Nước - Phú Tân) kiện khách hàng ra TAND huyện Phú Tân, yêu cầu bà Bích có nghĩa vụ thanh toán cước phí điện thoại.
Khi TAND huyện Phú Tân đưa vụ án ra hòa giải, bà Bích chỉ đồng ý thanh toán nợ cước theo những cuộc gọi phát sinh bà và em bà thực hiện. Còn những cuộc gọi khác bà không đồng ý thanh toán.
Còn đại diện Viễn thông Cà Mau vẫn giữ quan điểm yêu cầu bà Bích thanh toán toàn bộ số tiền nợ cước 1,14 tỷ đồng.
Thẩm phán Nguyễn Thành Phước cho biết, khi tiếp nhận vụ án này thấy có nhiều tình tiết “lạ” nên chưa xử. “Nhìn vào danh sách cuộc gọi chúng tôi thấy một dọc số rất dài, các số này toàn ở nước ngoài và có cả ở Somalia”, thẩm phán Phước nói.
Trước tính chất phức tạp của vụ án, TAND huyện Phú Tân có công văn gửi các cơ quan chuyên môn để làm rõ chi tiết “lạ” trong vụ án. Trong các công văn phúc đáp có công văn trả lời của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông).
Theo Cục Viễn thông, do số thuê bao của bà Bích đăng ký sử dụng dịch vụ gọi quốc tế và kèm theo dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi, nên việc phát sinh cuộc gọi và việc tính cước như nội dung bảng kê chi tiết cước viễn thông là có khả năng xảy ra, nếu thuê bao này chuyển tiếp cuộc gọi tới một tổng đài như tổng đài trả lời tự động, các dịch vụ tư vấn thoại.
Tuy nhiên, Cục Viễn thông cũng cho rằng, số thuê bao này thực hiện chuyển tiếp cuộc gọi như nêu trên thì nhìn vào bảng kê chi tiết cước viễn thông vẫn không thể khẳng định được cuộc gọi trùng.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, chánh án TAND huyện Phú Tân, hiện đã đình chỉ vụ án và tiếp tục có văn bản gửi các cơ quan chuyên môn. Khi làm rõ các chi tiết phức tạp trong vụ án thì TAND huyện Phú Tân mới đưa ra xét xử.
Tác giả bài viết: Tan Thai
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...