KỸ THUẬT KÍCH CÂY ĂN QUẢ RA HOA BẰNG PHƯƠNG PHÁP CƠ HỌC CỔ TRUYỀN

Thứ bảy - 13/06/2015 21:04

Minh Hoạ

Minh Hoạ
Xông khói để kích thích xoài ra hoa là một kỹ thuật được Gonzales thực hiện từ năm 1923 ở Philippines, mặc dù có ghi nhận là Galang đã thực hiện sớm hơn. Dutcher (1972) cho rằng việc xông khói thật sự kích thích xoài ra hoa hơn là đơn giản chỉ gây ra sự phát triển của mầm hoa đã hình thành trước đó.
XÔNG KHÓI :
Tác động của biện pháp xông khói lên sự ra hoa xoài được giải thích do tác động của nhiệt gây ra bởi việc hun khói (Gonzalez, 1923), do tác động của khí CO và CO2 cùng với nhiệt (Galang và Agati, 1936). Việc áp dụng thành công biện pháp xông khói để kích thích ra hoa xoài ở Philippines cũng được thực hiện bởi Alcata và San Pedro (1935, trích dẫn bởi Shu và Sheen, 1987). Việc xông khói được tiến hành hàng ngày liên tục trong hai tuần. Mầm hoa bắt đầu phân hoá sau 5-15 ngày sau khi xông khói liên tục (Dutcher, 1972). Cây không có khả năng ra hoa nếu không xuất hiện mầm hoa sau thời gian kích thích nầy (Gonzalez, 1923). Biện pháp xông khói thường được thực hiện trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12 nhưng hiệu quả nhất là trong tháng Giêng (Borja và Bautista, 1932, trích dẫn bởi Bondad, 1989). Tuy nhiên, biện pháp nầy không được áp dụng phổ biến vì tốn nhiều công lao động, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nhưng kết quả không đáng tin cậy.

CẮT RỄ

Tổng quan về tình hình áp dụng biện pháp cắt rễ trên ngành trồng cây ăn trái ở một số nơi trên thế giới, Khan và ctv. (1998) cho biết cắt rễ là một kỹ thuật có thể làm giảm sự sinh trưởng trên cây táo (Maggs, 1964, 1965; Geisler và Ferree, 1984; Schupp và Ferree, 1990). Biện pháp cắt rễ còn được áp dụng rộng rãi trong nghề làm vườn ở Châu Âu nhằm làm giảm kích thước tán cây và kích thích sự tượng mầm hoa và đậu trái (River, 1866). Phương pháp nầy cũng được sử dụng có hiệu quả trong sản xuất táo ở miền đông nước Mỹ trong những năm đầu thập niên 1990 (Schupp, 1992).

Nhằm làm giảm sự sinh trưởng của cây táo trồng ở mật độ 20.000 cây/ha (khoảng cách 1,0 m x 0,5 m), Khan và ctv. (1998) đã khảo sát biện pháp cắt rễ ở hai bên hàng, cách gốc cây từ 20-30 cm, sâu 30 cm. Kết quả cho thấy các đặc tính sinh trưởng như chiều cao cây, đường kính tán, chiều dài và đường kính cành đều giảm từ 11-16% ở năm thứ hai, số hoa/mầm, số mầm hoa/thân và tỉ lệ đậu trái tăng so với đối chứng, năng suất của nghiệm thức cắt rễ ở khoảng cách 30 cm giảm không khác biệt so với đối chứng trong năm thứ hai. Tuy nhiên, tác giả cho rằng do sự giảm kích thước tán có thể làm giảm nguồn cung cấp các chất carbohydrate nên làm kích thước trái của biện pháp cắt rễ giảm 15,6% trong năm thứ hai. Đối với giống xoài có đặc tính sinh trưởng mạnh như xoài Kensington Pride, sự sinh trưởng quá mạnh của cây xoài trong mùa mưa sẽ làm tăng kích thước tán cây và sẽ làm giảm hiệu quả cho năng suất của cây. Do đó, kỹ thuật cắt rễ nhằm làm giảm sự phát triển của tán cây, thúc đẩy sự ra hoa và đậu trái. Nhằm cải thiện năng suất của giống xoài nầy, Kulkarni và Hamilton (2001) đã nghiên cứu biện pháp cắt rễ nhằm tăng năng suất cho giống xoài nầy. Rễ cây xoài được cắt xung quanh tán cây, cách gốc 60 cm và sâu 60 cm. Thí nghiệm được thực hiện trên cây xoài 5 năm tuổi gồm có 4 nghiệm thức gồm đối chứng không cắt rễ, cắt rễ hai lần và bốn lần vào tháng 12 (đầu mùa mưa) và tháng Tư (cuối mùa mưa). Kết quả cho thấy rằng việc cắt rễ càng nhiều lần sẽ làm giảm sự sinh trưởng càng nhiều. Số đợt sinh trưởng của nghiệm thức đối chứng nhiều gấp bốn lần so với nghiệm thức cắt rễ bốn lần trong tháng 12. Tỉ lệ quang hợp của nghiệm thức cắt rễ bốn lần trong tháng 12 và tháng 4 đều giảm gần 50% so với đối chứng, trong khi nghiệm thức cắt rễ hai lần tỉ lệ quang hợp giảm từ 15% (tháng 12) đến 23% (tháng 4). Tuy nhiên, năng suất của nghiệm thức cắt rễ hai lần cao gấp 3,5 lần và cắt rễ bốn lần cao gấp 1,4 lần so với đối chứng. Nghiệm thức cắt rễ hai lần cho năng suất cao hơn nghiệm thức cắt rễ bốn lần nhưng không có sự khác biệt ở thời điểm cắt vào tháng 12 hay tháng 4. Như vậy, việc cắt rễ đã có hiệu quả ngăn cản sự tích luỹ ở mức độ cao các chất carbohydrate, làm giảm sự sinh trưởng của cây xoài và làm cho cây đạt năng suất cao hơn so với đối chứng. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá cũng được ghi nhận. Chất đạm trong trong lá tương tự nhau ở tất cả các nghiệm thức và cao hơn mức độ tiêu chuẩn, chất kali, magnesium và Bore nằm trong mức độ tiêu chuẩn nhưng lân và canxi thì thấp hơn mức độ tiêu chuẩn. Kulkarni (2002) cho rằng việc cắt rễ góp phần làm giảm sự trao đổi chất ức chế sự ra hoa mà chủ yếu là Gibberellin và gián tiếp làm giảm nguồn cung cấp Cytokinin.

KHẤC THÂN HAY KHOANH CÀNH

Việc khoanh hay khấc thân (cành) gây ra sự tích luỹ những sản phẩm trao đổi chất được tạo ra trên chồi (carbohydrate, ABA và auxin) ở phần trên vết khoanh nhưng đồng thời những chất dinh dưỡng hoặc những chất đồng hoá (Cytokinin, Gibberellin và đạm) được cung cấp bởi rễ cũng được tích luỹ ở phần dưới vết khoanh (Meilan, 1997) và những sản phẩm nầy có thể ảnh hưởng đến sự ra hoa (Zimmerman và ctv., 1985; Hackett, 1985). Việc khoanh thân đã làm phá vỡ tế bào mô libe nên trực tiếp ảnh hưởng đến sự vận chuyển các sản phẩm đồng hoá (Noel, 1970; Goldschmidt và ctv., 1985; Menzel và ctv., 1995). Khi tổng hợp các nghiên cứu về biện pháp khấc thân, Davenport và Núnẽz-Elisea (1997) đã làm sáng tỏ sự đáp ứng của biện pháp khấc thân bao gồm việc làm giảm sự cung cấp các sản phẩm đồng hoá và Auxin tới rễ và tác động nầy đã làm giảm hoạt động của rễ, một sự giảm nguồn cung cấp Cytokinin cho chồi. Khấc thân làm giảm sự sinh trưởng dinh dưỡng và kích thích sự ra hoa trên cây vải ở Florida và Hawaii mặc dù kết quả không ổn định (Menzel, 1983). Khi nghiên cứu tác động của biện pháp khấc cành lên sự biến đổi các chất carbohydrate trên cây quýt Ponkan ở những thời điểm khác nhau trong năm, Mataa và ctv. (1998) nhận thấy rằng hàm lượng đường sucrose và đường khử (Glucose và fructose) trong lá không bị ảnh hưởng bởi việc khấc cành nhưng biện pháp khấc cành trong tháng 9 thì có hàm lượng tinh bột cao nhất vào tháng 2, khác biệt có ý nghĩa so với biện pháp khấc từ tháng 5-7. Sự giảm trong khả năng trao đổi khí trên lá và sự sinh trưởng do tác động bởi biện pháp khấc cành cũng được ghi nhận trên nhiều loại cây trồng (Schaper và Chacko, 1993; Simmons và ctv. 1998; Myers và ctv. 1999).

Sự khoanh cành trên cây quýt Satsuma (C. Unshiu Mars.) làm tăng tỉ lệ số hoa không lá (88,6% so với 46%) và số hoa/lóng (2,4 so với 1,2) (Koshita và ctv. 1999). Ở Ấn Độ, Rameshwar (1988) kích thích ra hoa trên hai giống xoài Banganapally và Romani bằng cách khoanh cành rộng 2 cm vào cuối tháng 10 kết quả cho thấy tỉ lệ số chồi ra hoa lần lượt là 52% và 46% so với đối chứng không xử lý là 30% và 15%. Ở Úc, khấc thân cây xoài là một kỹ thuật đã có từ lâu nhằm kiểm soát sự sinh trưởng, sự ra hoa và phát triển trái xoài trong suốt mùa mùa xoài (Noel, 1970), và cũng nhằm làm tăng sự ra hoa (Malik, 1951; Rath và Das, 1979). Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp khoanh cành thường không đoán trước và làm giảm sự sinh trưởng nếu lập lại nhiều lần ở những năm tiếp theo (Winston và Wright, 1986). Nhằm khắc phục tình trạng cho trái không ổn định trên cây xoài Kensington Pride ở vùng Darwin, thuộc miền Bắc nước Úc (khí hậu nhiệt đới), Leonardi và ctv. (1999) áp dụng biện pháp khấc thân kết hợp với tẩm Morphactin vào vết khấc.

Nhằm xác định hiệu quả của biện pháp khấc thân cây (girdling) lên sự ra hoa và sự sản xuất của giống xoài Tommy Atkins ở Brazil, José (1997) đã tiến hành khấc thân cây xoài ở giai đoạn từ 30-90 ngày trước khi phun Nitrate kali, kết quả cho thấy khấc thân 60-75 ngày trước khi phun Nitrat kali sẽ làm tăng tỉ lệ ra hoa và thu hoạch sớm hơn cây đối chứng 23 ngày nhưng sự sinh trưởng dinh dưỡng của cây bị khấc kém hơn so với đối chứng. Rath và Das (1979) cho biết trên giống xoài Langra ở Ấn Độ, khấc cành trong năm nghịch (off-year) cây xoài ra hoa sau 122 ngày với tỉ lệ 42%, cao hơn so với đối chứng (8%) nhưng thấp hơn khi khấc cành có kết hợp với phun chất ức chế tăng trưởng Cycocel ở nồng độ 3.000 mg/L (62,3%).

Biện pháp khấc thân hay khoanh cành còn có tác dụng làm tăng sự đậu trái trên cây có múi do đặc tính tự bất dung hợp (self-incompatibility) hoặc thiếu hạt phấn có sức sống. Việc khấc thân hay khoanh cành chỉ là vết cắt của dao hay sứa chứ không lột cả lớp da như biện pháp “khứa cổ, lột da” để kích thích ra hoa trên cây nhãn tiêu da Bò. Furr và ctv. (1945) cho biết rằng cây hấp thu các chất dinh dưỡng bình thường trở lại sau khi khấc 2 tuần. Ở Tây Ban Nha, Gonzales-Sicilia (1963) cho biết biện pháp khấc trên cành chính cũng được áp dụng thành công để làm tăng sự đậu trái trên cây quýt Clementine. Việc khấc cành nhằm làm tăng sự đậu trái được thực hiện ngay sau khi hoa nở rộ. Krezdorn (1961) khi nghiên cứu thời điểm khấc cành ảnh hưởng lên sự đậu trái để nhận thấy khấc cành khi hoa nở rộ, rụng cánh 2/3, rụng cánh hoàn toàn, sau 2 hay 3 tuần đều có sự đáp ứng tương tự, tuy nhiên thời điểm hoa rụng cánh hoàn toàn là thời điểm thích hợp nhất. Shamel (1932) đạt được kết quả tốt nhất khi khấc ở cuối thời kỳ nở hoa. Hiệu quả làm tăng đậu trái của biện pháp khấc cành ở năm thứ nhất hầu như rất rõ ràng nhưng ảnh hưởng của biện pháp nầy lên năng suất của những năm tiếp theo cũng là điều đáng quan tâm. Allwright (1936) cho biết trên cây cam Washington navel 14 năm tuổi khi khấc cành thì năng suất tăng 14% trong năm đầu tiên, năm tiếp theo tăng 4%, năm thứ ba tăng 2,5% và năm thứ tư giảm 5% năng suất. Ngoài ra, việc khấc thân ở gần mặt mặt đất cũng có thể tạo điều kiện cho nấm gây bệnh thối gốc (xì mủ) tấn công. Giải thích về các kết quả nầy, nhiều tác giả cho rằng mạch libe không liền hoàn toàn sau khi khấc đã làm giảm từ từ khả năng vận chuyển các chất đồng hoá của cây.

HÌNH ẢNH MINH HỌA :

h1 : Xới gốc bón phân cho Bưởi trước khi xiết nước

h2 : Khấc thân kích thích Xoài ra hoa

h3 : Khấc thân cho cây xoài

h4 : Khấc thân cho cây nho

h5 : Khấc thân cho cây nhãn da bò


Tác giả bài viết: Trần Ai.

Nguồn tin: facebook

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây