Trung Quốc có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ngay trong năm 2015, chỉ chưa đầy một tháng sau khi IMF và WB xếp nước này lên vị trí nền kinh tế số một thế giới. Sự phát triển chóng mặt đã đưa nền kinh tế Trung Quốc lên đỉnh cao đang trở thành nguyên nhân khiến nước này tụt dốc nhanh hơn bao giờ hết.
Bất kể những dự báo về sự tăng trưởng chậm lại một cách thận trọng liên quan đến mô hình tăng trưởng bền vững, mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng sự nhắc đến vài tháng gần đây, hầu hết các nhà phân tích vẫn cho rằng triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá tươi sáng trong tương lai gần. Cảnh báo xuất hiện ngày càng nhiều
Hầu như chưa xuất hiện dấu hiệu nghiêm trọng nào có thể đe dọa nền kinh tế Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến hệ thống tài chính hay việc mô hình tăng trưởng cũ sắp đến điểm giới hạn có thể khiến kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Nhưng những cảnh báo về một sự sụp đổ nghiêm trọng ngay trong năm 2015 của kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện. Đã có những dự báo về việc Trung Quốc thay vì đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% như giới lãnh đạo nước này đặt ra trong năm tới, họ sẽ chỉ đạt được khoảng 4 hoặc 5%, nói cách khác là một cú sốc về suy thoái vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
Gần đây nhất là những dự báo của Larry Summers và Marc Faber về sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm tới .
Những dự báo của Larry Summers hay Marc Faber bắt nguồn từ những rủi ro đang tiềm ẩn đầy rẫy trong hệ thống kinh tế tài chính của Trung Quốc. Đã có những dự đoán về việc Trung Quốc sẽ không thể đạt mức tăng trưởng 7,5% mà Bắc Kinh đề ra trong năm nay, được các cơ quan thống kê của nước này xử lý bằng cách đề ra những thay đổi trong phương pháp tính toán để đạt cho được mức tăng trưởng này.
Hầu hết giới phân tích từ giữa tháng 6 năm nay đã dự đoán Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với mọi năm, nhưng cũng sẽ không thấp hơn con số 7,5%.
Nhưng giờ đây, khi mà kịch bản Trung Quốc không thể đạt được chỉ số tăng trưởng này một cách minh bạch cũng đồng nghĩa với những nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế nước này cũng lớn hơn mức dự đoán của hầu hết giới phân tích.
Hệ thống tài chính "bự" nhưng chưa đủ "tầm vóc"
Một trong những điểm đáng chú ý hàng đầu là hệ thống tài chính của Trung Quốc, dù đã là nền kinh tế số 2 thế giới trong một khoảng thời gian tương đối dài và mới đây đã leo lên vị trí số một, nhưng đang bị đánh giá là chưa đủ tầm vóc để làm chỗ dựa cho nền kinh tế.
Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn bị đánh giá là quá khép kín và thiếu minh bạch, đặc biệt trong vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh. Với sự bảo lãnh từ phía nhà nước, hầu hết các ngân hàng này được phép giấu những khoản nợ khó đòi của mình, đồng nghĩa với việc những rủi ro đe dọa nền kinh tế đang âm thầm tích tụ một cách thiếu kiểm soát.
Biểu hiện của những điểm yếu của hệ thống là việc nước này đang ngày càng giống Mỹ và Nhật Bản trong giai đoạn họ chuẩn bị rơi vào khủng hoảng. Với Mỹ là sự đổ vỡ hệ thống tài chính từ bất động sản, còn với Nhật là những bong bóng kinh tế ảo trên thị trường chứng khoán.
Bất kể nền kinh tế đang có mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm qua, chứng khoán Trung Quốc vẫn đang tăng với tốc độ đáng ngạc nhiên, trong khi đó những rắc rối liên quan đến sự ế ẩm của thị trường địa ốc và nhà ở chưa có dấu hiệu được giải quyết.
Trong bối cảnh như vậy, một cú sốc về kinh tế là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chính phủ nhiều khả năng sẽ cắt giảm đầu tư và nâng lãi suất một khi quan sát thấy những tín hiệu xấu liên quan đến thị trường tài chính và bất động sản nổ ra, đồng nghĩa với việc một lượng lớn doanh nghiệp sẽ phải sa thải bớt nhân công, giảm mức sản xuất và cả nước sẽ phải thắt lưng buộc bụng.
Khi đó một tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 4-5% là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở Trung Quốc ngay trong năm tới, một điều tương đương với một cuộc khủng hoảng thực sự đòi hỏi một quãng thời gian lên tới vài năm để giới chức nước này giải quyết tình hình.
Có vẻ như đã đến lúc Trung Quốc phải trả giá cho 3 thập kỷ phát triển nóng với tốc độ chóng mặt.
(theo Bloomberg)