Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu cà phê thứ hai trên thế giới chỉ sau Brazil. Cà phê cũng là một trong 10 mặt hàng chủ lực của xuất khẩu doanh thu hàng tỷ đô mỗi năm, giúp tạo việc làm nuôi sống hơn 2,5 triệu nông dân chủ yếu là người dân tộc.
Việt Nam hiện có 5 vùng sản xuất cà phê chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Tổng diện tích trồng cà phê của cả nước đến cuối năm 2014 khoảng 641.000 ha.
Nhưng riêng Tây Nguyên có hơn 450.000 ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Như vậy về cơ bản có thể nói cà phê Việt Nam chủ yếu xuất xứ từ Tây Nguyên. Thống kê cho biết ngành cà phê đã tạo việc làm cho khoảng nửa triệu hộ với 2,6 triệu nông dân, chủ yếu là người dân tộc ở Tây Nguyên.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, niên vụ 2014 – 2015 xuất khẩu cà phê nước ta giảm mạnh về sản lượng và giá trị, với tổng sản lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tương đương 22 triệu bao (mỗi bao nặng 60kg), kim ngạch 2,6 tỷ USD, giảm 20% về lượng và 13% giá trị so với năm 2014 do giá cà phê giảm mạnh.
Nếu so sánh với diện tích, lượng người tham gia, lượng nước tiêu thụ để trồng lúa và các loại cây công nghiệp xuất khẩu khác, thì ngành cà phê vẫn mang lại lợi thế cạnh tranh hơn so các ngành nông nghiệp khác. Giá trị xuất khẩu cà phê cũng tương đương giá trị xuất gạo hàng năm, mang về giá trị ngoại tệ lớn cho đất nước.
Một điều khó tin là phần lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ vay nặng lãi từ tín dụng đen với lãi suất lên tới 50-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu là trồng cà phê. Đây là thực trạng rất đáng báo động được nêu trong báo cáo tại Hội thảo “Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của một số tộc người thiểu số ở Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 9/12/2015, tại Hà Nội.
Báo cáo cho thấy một tỉ lệ rất lớn, 86% hộ nông dân dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ từ 50 – 240 triệu. Đáng chú ý, tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, 7 – 8% là để trả các khoản nợ đã có (đảo nợ). Khoảng 90% số hộ được hỏi cho biết họ cảm thấy gánh nặng nợ là nghiêm trọng cho tới rất nghiêm trọng. Phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50-60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp hơn.
Tại sao người dân phải vay nặng lãi? Bởi vì họ luôn trong cảnh thiếu thốn, ngay từ đầu vụ đã phải bán “non” bằng cách vay ở chủ vựa thu mua cà phê, hoặc các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu để có tiền đầu tư tái canh cây cà phê, thậm chí để chi tiêu khi ốm đau, bệnh tật…
Họ không vay được từ các ngân hàng vì không có tài sản thế chấp để vay, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, trong khi đó vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn, chỉ có lãi suất cao hơn gấp mấy lần ngân hàng.
Tín dụng đen đang len lỏi đến khắp nơi, đến vùng sâu, vùng xa, với lãi suất lên đến 60%/năm, sẽ làm cho giá thành sản phẩm nông nghiệp đắt lên nhiều, nhưng nguy hiểm hơn là nó sẽ hút hết lợi nhuận còm cõi của người nông dân, thậm chí sẽ lấy hết tài sản, đẩy cuộc sống người dân thiểu số vào cùng cực. Cần cứu nông dân thoát khỏi nạn tín dụng đen này.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 35,3% dân số và có số lượng các dân tộc thiểu số cao (Kon Tum 41/54 dân tộc, Gia Lai 37/54 dân tộc, Đắk Lắk 46/54 dân tộc, Đắk Nông 39/54 dân tộc, Lâm Đồng 42/54 dân tộc).
Theo số liệu năm 2014, tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn 158.486 hộ nghèo (chiếm 12,56%) và 87.497 hộ cận nghèo (chiếm 6,93%), tức là 20% hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 133.700 hộ, chiếm 27,36%.
Báo chí đã nói nhiều về cuộc sống khó khăn của các tộc người dân tộc Tây Nguyên, nhưng khó mà phản ảnh được hết sự thật, nếu đến Tây Nguyên bạn sẽ thấy cuộc sống người dân tộc, những người đã trồng ra hạt cà phê thực sự như thế nào, mặc dù họ rất chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống của người dân tộc Tây Nguyên rất đói khổ, cùng cực, cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ mặc, nhiều nơi chưa có điện, sóng điện thoại, sóng vô tuyến không đến, có nơi cuộc sống còn hoang sơ giữa đại ngàn.
Hàng triệu nông dân Việt Nam đổ mồ hôi trên rẫy cà phê mà vẫn không thực sự đủ ăn nếu chỉ chăm chút vào vườn cà phê của mình, bởi vì giá cả chưa bao giờ ổn định, tùy thuộc vào người thu mua và từng mùa vụ.
Giá cà phê hoàn toàn tùy thuộc vào thương lái tư nhân, bị chi phối bởi thương gia nước ngoài đến mua cà phê Việt Nam. Nói như vậy để thấu hiểu rằng người nông dân trồng cà phê tại Việt Nam ở tầng cuối cùng của hoạt động mua bán không công bằng, sự ép giá hết sức phổ biến trong hoạt động thương mại theo cơ chế thị trường tự do.
Năm 2014, kênh truyền hình BBC của Anh đã có một phóng sự về cà phê Việt Nam, cho biết lượng cà phê tiêu thụ tại Anh có nguồn gốc từ Việt Nam và đang đứng đầu thị trường này.
Nhưng đằng sau những thông tin đó là một sự thật còn đắng hơn cả cà phê. Đó là khi tiêu thụ tại Anh thì cà phê Việt Nam đã được pha chế qua bàn tay của các nhà sản xuất Brazil. Nghĩa là nó đã khoác một cái vỏ bọc là cà phê Brazil và hầu hết người uống cà phê ở Anh vẫn tin đó là cà phê Brazil.
Đoàn làm phim của BBC đã đến tận các vườn cà phê ở Việt Nam, gặp gỡ nông dân, chuyên gia. Những hình ảnh tương phản được đặt cạnh nhau đã nói lên tất cả sự cay đắng này.
Một bên là những người nông dân lam lũ trên rẫy cà phê, nhặt từng hạt cà phê bán với giá rẻ như bèo, chưa chắc đã đủ mua gạo ăn qua ngày. Một bên là “ông vua cà phê” khoe có 10 chiếc Ferrari, năm chiếc Bentley và tuyên bố là sẽ mua trực thăng…
Nhưng còn đắng hơn là cà phê Việt bị các công ty nước ngoài mua lại, chế biến để trở thành cà phê hàng đầu thế giới? Điều này nói lên rằng không chỉ nông dân bị thua thiệt mà chính các doanh nghiệp Việt cũng thua thiệt khi không tham gia chế biến mà chủ yếu xuất khẩu hạt thô. Đây cũng là nỗi buồn không chỉ của cà phê mà là của hầu hết những mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.
Còn nhớ câu chuyện mới đây với mẩu quảng cáo chiếc áo thun T-shirt giá rẻ chỉ 2 euro được bán ở những quầy tự động tại châu Âu. Trước khi lấy áo, người mua được xem một clip về nạn bóc lột lao động phụ nữ và trẻ em ở Nam Á, để biết số tiền ít ỏi đến kinh khủng từ 2 euro đó được trả cho người lao động.
Điều đó có nghĩa là khi bạn mua một món hàng gì đó với giá hời, đâu đó trong những đất nước là công xưởng của thế giới, có một phụ nữ hay trẻ em đang bị bóc lột với giá rẻ mạt, sau khi xem clip, tất cả đều xúc động mạnh và họ để lại 2 euro cho hoạt động từ thiện chống bóc lột lao động.
Trở lại với vị đắng cà phê Việt Nam, chúng ta tự hào là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, vậy cần làm gì để tạo ra sự công bằng với người nông dân đã vất vả tạo ra hạt cà phê, tạo ra sự giàu có cho đất nước, mà chính họ lại quá đói nghèo? Đây là câu hỏi đặt ra cho nhà cầm quyền, cho các doanh nhân liên quan và cho toàn thể xã hội.
Thành Tâm
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...