Thay đổi tư duy sản xuất từ sự liên kết “4 nhà”

Thứ bảy - 13/04/2013 09:46

Máy đào xới đa năng

Máy đào xới đa năng
Theo các nhà chuyên môn, cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các loại máy móc vận hành trên đồng ruộng thay thế sức lao động của con người trong nhiều khâu... Trong chuỗi mắt xích ấy, mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) là thực sự cần thiết để tiến tới nền nông nghiệp hiện đại.
Nhà nước kích cầu
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2010/QĐ/TTg về “Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản”. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu mua các loại máy móc, thiết bị làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch đối với các loại nông sản và các máy móc, thiết bị sản xuất giống, cải tạo ao hồ, làm đông lạnh... đối với thủy sản; từ năm thứ 3, Chính phủ hỗ trợ 50% lãi suất. Trước đó, năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1304/2009/QĐ-UBND tỉnh về “cơ chế, chính sách xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2009-2013”, trong đó tập trung khâu làm đất, thu hoạch bằng máy.

Theo quyết định này, tỉnh hỗ trợ 20% giá trị mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Một số địa phương đã hỗ trợ thêm 10% giá trị mua máy hoặc tạo điều kiện thực hiện các khâu đổi diền, dồn thửa, xây dựng giao thông, kênh mương nội đồng... giúp nông dân đưa máy móc vào sản xuất thuận lợi. Bên cạnh đó, Nhà nước còn tạo điều kiện cho ngân hàng, doanh nghiệp, nhà chế tạo máy móc cơ khí phát triển. Thực hiện những quyết định trên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thanh Hóa đã xét cho một số hộ dân các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa... được vay vốn mua máy, nâng tổng số máy GĐLH toàn tỉnh lên 300 máy. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được ông Lê Văn Nền, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (đối tượng được hỗ trợ vay vốn mua máy GĐLH trị giá 200 triệu đồng), cho biết: “Ngay khi địa phương triển khai chủ trương hỗ trợ, gia đình tôi đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục và được vay vốn mua máy GĐLH. Chỉ sau một vụ đưa máy GĐLH vào sản xuất, gia đình tôi đã thu được một khoản để trả nợ. Nếu Nhà nước không có chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất thì nông dân có mức thu nhập trung bình như chúng tôi khó có khả năng sở hữu các loại máy móc hiện đại này để làm giàu cho gia đình và cho xã hội”. Những tâm tư của ông Nền cũng là nguyện vọng của khá nhiều hộ dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi. Theo họ, cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp thực sự cần thiết, nhưng để đầu tư vốn mua máy móc thì đa phần nông dân không có khả năng và rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Việc thực hiện các chính sách trên đã tạo luồng gió mới, có tác dụng kích cầu trên diện rộng, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong tư duy, nhận thức của người nông dân, khuyến khích những người có vốn mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp - nông thôn, mở rộng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại. 

Doanh nghiệp là “bà đỡ”
Một trong những người bạn đồng hành với nông dân nhiều năm nay đưa máy móc, chuyển giao công nghệ, ứng dụng CGH nông nghiệp vào sản xuất là Công ty CP Công nông nghiệp Việt Mỹ, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông... Trong quá trình “hợp tác” cùng nông dân, các doanh nghiệp trên đã liên tục đưa các loại máy móc đồng bộ vào các khâu: làm đất, cấy, thu hoạch, cung ứng phân bón và tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ nhằm đúc rút kinh nghiệm, giúp nông dân thấy được hiệu quả của việc đưa CGH vào sản xuất. Đáng chú ý việc mạnh dạn triển khai kế hoạch cung ứng các loại máy móc cho nông dân theo hình thức trả góp, được coi là “chiêu” kinh doanh táo bạo của doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh thị trường đang có nhiều khó khăn. Đến nay, cả hai công ty trên đã cung ứng hơn 700 máy cơ giới các loại (chủ yếu là máy GĐLH) cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cùng một lúc “gánh” trên vai hai vai trò: vừa kinh doanh sinh lợi nhuận, vừa là “bà đỡ”, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Anh Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Trung tâm Máy nông nghiệp Tiến Nông (Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông), chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm CGH nông nghiệp không nhiều, vì mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp chưa cao. Hiện tại hầu hết máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta nói riêng, trong nước nói chung chủ yếu nhập từ nước ngoài, số ít máy còn lại chủ yếu của KUBOTA – Nhật Bản lắp ráp tại Việt Nam và của cơ sở tư nhân chế tạo), trong khi đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều thiếu vốn, khách hàng mua sản phẩm phần lớn “nợ” hoặc trả góp...” nên việc đầu tư của doanh nghiệp đôi khi không mạnh dạn, thiếu tự tin.
 
Khoa học dẫn đường
 
Trong sự đổi mới và phát triển, khoa học luôn đóng vai trò là “người dẫn đường”. Đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN), đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã và đang trở thành nhu cầu tự thân và sống còn của sự phát triển. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là một ví dụ. Theo thông tin từ Sở KH&CN, 60% nhiệm vụ KHCN ngay sau kết thúc nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Kết quả từ ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật là không thể phủ nhận, điều đó cho thấy, khoa học – kỹ thuật có vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, hiện nay các công trình nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chưa đồng bộ, mới tập trung chủ yếu về mặt kỹ thuật nâng cao chất lượng giống, phương pháp chăm sóc..., chưa có nhiều nghiên cứu, ứng dụng cơ khí máy móc nông nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của các đơn vị nghiên cứu về sản phẩm khoa học kỹ thuật - công nghệ; đầu tư ngân sách Nhà nước cho KHCN còn hạn chế (chi hoạt động KHCN chỉ đạt 0,27% so với tổng chi ngân sách tỉnh) (trong khi Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII yêu cầu mức đầu tư tối thiểu là 2%). Điều rất dễ nhận thấy là sản xuất nông nghiệp vốn bị chi phối nhiều bởi điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng, tập quán sản xuất... trong khi nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật - công nghệ tỉnh ta còn thiếu và yếu lại chưa được quan tâm đúng mức đang là khó khăn khiến mối liên hệ giữa 4 nhà chưa thật sự bền chặt. Để khoa học thực sự đóng vai trò dẫn đường, tỉnh đã và đang có cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực gắn với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước về KHCN... nhằm từng bước tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
 
Nông dân cần mạnh dạn
Trong bối cảnh yêu cầu trình độ thâm canh trong nông nghiệp ngày một cao, lao động từ nông thôn dịch chuyển ra thành phố và các khu công nghiệp ngày một nhiều, tạo nên sự thiếu hụt lao động ở nông thôn, thì CGH nông nghiệp là nhu cầu thiết yếu và tất yếu. Vậy tại sao việc thực hiện CGH nông nghiệp lại diễn ra chưa như mong muốn?. Theo chúng tôi, mặc dù những năm gần đây nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhưng số lượng chưa nhiều. Vấn đề cơ bản là người nông dân thiếu vốn, vốn vay ưu đãi không đáp ứng nhu cầu. Việc đổi điền, dồn thửa chưa hoàn chỉnh nên đất đai quy mô nhỏ hẹp; máy móc khó vận hành. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp thường bị rủi ro cao nên không ít ngân hàng không mấy “mặn mà” khiến nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ thế, việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc cũng chỉ mới tập trung ở lĩnh vực nông sản, vùng trọng điểm lúa chất lượng cao của tỉnh,v.v... Để tháo gỡ những vướng mắc, cùng với việc triển khai chiến lược đầu tư chiều sâu và đồng bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành các huyện, thị xã phải thật sự vào cuộc phải tìm mọi giải pháp để khơi thông được nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, tín dụng và từ các doanh nghiệp giúp nông dân có vốn đầu tư CGH. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi về vốn để doanh nghiệp tiếp cận với nông dân, đưa CGH vào sản xuất. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo các hộ dân có ruộng liền kề, liên kết để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất; chính quyền cơ sở cần tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nông dân cải tạo, nâng cao chất lượng hệ thống tưới tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng để đưa CGH đồng bộ vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả CGH nông nghiệp đồng bộ. Trong điều kiện hiện nay, việc thành lập các HTX dịch vụ làm nhiệm vụ CGH cũng là giải pháp đang được khuyến khích nhằm hỗ trợ người dân đưa máy móc vào sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nỗ lực tìm giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn...
Theo BTH

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây