Mới đây, tại TP.HCM đã diễn ra một buổi trò chuyện trực tuyến giữa truyền thông và Tiến sĩ Lorinda Hern cùng bác sĩ C-harles Van Niekerk trong dự án Giải Cứu Tê Giác mà những người này đang thực hiện tại Nam Phi.
Hình ảnh những con tê giác bị giết không còn xa lạ tại Nam Phi
Tại buổi trò chuyện, Tiến sĩ Lorinda Hern cho biết, hơn 1.200 con tê giác đã bị chết do nạn săn bắt tại Nam Phi trong năm 2014. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc là lớn nhất. Trước tình trạng này, nếu không có biện pháp kịp thời thì sự tuyệt chủng của tê giác sẽ không còn xa.
Tiến sĩ Lorinda và cộng sự đang tiêm thuốc độc vào sừng tê giác
Vào năm 2010, dự án Giải Cứu Tê Giác (Rhino Rescue Project) đã được thành lập. Đây là tổ chức do Tiến sĩ Lorinda và các cộng sự thành lập để tiêm chất độc vào sừng tê giác. Theo đó, để làm giảm giá trị sừng tê giác, họ đã tiêm vào sừng một hợp chất ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu sẽ làm nhiễm và bẩn sừng tê giác, khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí.
Tiến sĩ Lorinda nói, chất này sẽ vô hại với tê giác cũng như những động vật sinh sống cùng chúng trong hệ sinh thái, nhưng lại có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Khi sử dụng sừng tê giác bị tiêm độc tố, người tiêu dùng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau đầu, co giật và các triệu chứng khác. Còn với những người đang điều trị bệnh, việc sử dụng sừng tê giác bị tiêm chất độc sẽ làm cho bệnh trở nên nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Cận cảnh quá trình tiệm thuốc độc vào sừng tê giác
Tiến sĩ Lorinda cho biết: “Đây là dự án nhằm giải cứu tê giác chứ không có ý định đầu độc con người. Tôi tin chắc chắn rằng, công chúng Việt Nam sẽ “choáng” khi nghe tin sừng tê giác không có giá trị, mà còn gây nguy hiểm cao cho sức khỏe của họ. Tôi nghĩ rằng không một ai sẽ nhẫn tâm giết hại tàn bạo hàng ngàn con vật như tê giác, nếu họ thực sự biết những hệ lụy kéo theo”.
Tiến sĩ Lorinda cũng cho biết thêm, những sừng tê giác bị tiêm chất độc chứa rất nhiều kim loại nặng và khó có thể qua khỏi sự kiểm soát của các máy quét tại sân bay. Từ đó, sẽ cản trở bọn buôn lậu vận chuyển sừng tê ra nước ngoài. Lúc đó, những kẻ săn trộm tê giác sẽ dần từ bỏ việc săn tê giác.
Hình ảnh hiếm hoi hai mẹ con tê giác tại Nam Phi
Đối với tiến sĩ Lorinda tê giác là gia đình
Hiện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã lên tiếng kêu gọi người dân tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, không sử dụng sừng tê giác vì nó hoàn toàn không có tác dụng có lợi đối với sức khỏe con người. “Một khi người mua sừng tê giác nhận thức mối nguy hiểm tiềm tàng sẽ không còn ai mua nữa. Không còn người mua thì không còn bọn săn trộm, không còn kẻ bán”, Tiến sĩ Lorinda nói.
Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao