Vườn tiêu của ông Thái Ngô Hùng-xã Chư Pơng-đang phát triển xanh tốt sau hơn 10 tháng trồng thử nghiệm. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tiêu bản địa “lép vế”
Về phía đơn vị cung ứng giống, hiện tại có nhiều người đã tự nhân, ghép thành công và có thể cung cấp với số lượng lớn cho nông dân, trong đó có ông Nguyễn Bá Phú, thị trấn Chư Sê. Trao đổi với P.V, ông Phú cho biết: Đây là giống tiêu có gốc ghép từ cây dại Amazon (Nam Mỹ) với dây tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị). Sau khi tìm hiểu thông tin qua internet cũng như qua thực tế tại một số vườn tiêu đã trồng ở tỉnh Đồng Nai-nơi đầu tiên nhập gốc dại-ông Phú cho rằng cây tiêu ghép gốc dại là một sáng kiến mới của người nông dân vì cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng tại Việt Nam. Giá bán hiện tại của "tiêu rừng Amazon" trên địa bàn huyện Chư Sê là 15 ngàn đồng/dây.
Theo một số chủ vườn tiêu, giống tiêu mới hiện đã ghép được, sống được và phát triển tốt, chưa phát hiện sâu bệnh nên cứ trồng thử nghiệm, may ra sau 2 năm lại thu được lãi lớn từ giống tiêu ghép gốc dại này. Chính vì vậy, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn đã tìm mua và trồng thử giống tiêu này. Ông Thái Ngô Hùng-xã Chư Pơng, huyện Chư Sê-cho biết: Trước đây vườn tiêu của ông trồng phát triển rất tốt, tuy nhiên sau nhiều năm thu hoạch vườn tiêu này trở nên già cỗi, cây tiêu bị nấm bệnh nên chết dần. Từ 1.100 trụ tiêu đã trồng ban đầu nay chỉ còn lưa thưa vài trụ.
Vì vậy, ông Hùng đã tìm mua dây tiêu ghép trồng 200 trụ trên rẫy của mình. "Sau 10 tháng trồng, tôi thấy giống tiêu mới này phát triển rất tốt, thân ghép phát triển mạnh, lá xanh. Riêng về gốc ghép thì phần rễ phát triển mạnh, rễ ra rất nhiều, không chết do úng nước, cũng chưa thấy bị nhiễm nấm hay bị bệnh chết nhanh, chết chậm"-ông Hùng nói. Theo ông Hùng, nếu cây phát triển mạnh, năng suất ổn định thì ông sẽ tiến hành nhân rộng vườn tiêu với giống ghép gốc lạ này. Theo ghi nhận của P.V, tại vườn tiêu của ông Hùng, 200 trụ tiêu được trồng trong 10 tháng đang phát triển rất tốt, thân cây mập mạp, khỏe mạnh, lá xanh um hơn hẳn so với giống tiêu địa phương đang trồng cùng thời điểm ngay bên cạnh.
Gốc ghép có phần rễ phát triển mạnh, rễ nhiều, chịu được ngập úng. Ảnh: Nguyễn Giác |
Sau khi nhận được khuyến cáo các ngành chức năng, một số người dân đã cảnh giác và bắt đầu có nhiều quan ngại về giống tiêu mới này. Tuy vậy, theo quan điểm của ông Nguyễn Bá Phú, "qua việc trồng, quan sát tôi thấy cây phát triển tốt hơn hẳn giống tiêu địa phương. Mặt khác, nếu cho rằng cây tiêu ghép của tôi là gốc lạ nhưng dây tiêu vẫn là dây tiêu được lấy từ giống tiêu Vĩnh Linh, không những vậy dây tiêu còn phát triển và tươi tốt hơn so với giống cây địa phương trồng cùng thời điểm. Theo tôi, giống tiêu mới có gốc ngoại lai nhưng giống này thích ứng với giống ghép bản địa và phát triển tốt, ít công chăm bón, cây ít dịch bệnh… Do vậy, ngành chức năng, Hiệp hội Hồ tiêu cần nghiên cứu để nông dân có thể nhân rộng giống tiêu này trong thời gian tới"- ông Phú bày tỏ.
"Người dân cần thận trọng"
Trước việc nhiều hộ nông dân tại nhiều tỉnh thành trong cả nước tìm mua và nhân giống, trồng ồ ạt giống tiêu ghép trên gốc tiêu dại không rõ nguồn gốc, ngày 27-5-2014, Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 901/TT-CCN gửi các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đak Lak, Gia Lai, Đak Nông. Nội dung công văn nêu rõ: Giống tiêu dại có nguồn gốc từ rừng Amazon ở vùng Nam Mỹ, có tên khoa học là Piper colubrinum link, dạng thân bụi, lá to, dây, màu xanh đậm, cây sinh trưởng khỏe, nẩy chồi mạnh, phát triển tốt trong môi trường đầy đủ nước, kém chịu hạn. Đến nay, các hộ trồng giống mới này được từ 1 đến 3 năm, chưa có kết quả về năng suất, chất lượng và chưa được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá đầy đủ…
Trái ngược với tiêu bản địa, giống tiêu lạ phát triển nhanh và mạnh hơn gấp nhiều lần. Ảnh: Nguyễn Giác |
Trước tình hình đó, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trồng hồ tiêu và các đơn vị liên quan thực hiện khuyến cáo với người trồng hồ tiêu thận trọng khi đưa giống tiêu ghép trên gốc tiêu dại vào sản xuất do chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật, qua đó giảm rủi ro cho người sản xuất. Bên cạnh đó cần kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống hồ tiêu đảm bảo đúng quy định Nhà nước; Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục theo dõi, đánh giá về giống tiêu ghép trên gốc tiêu dại và báo cáo về Cục Trồng trọt…
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã thành lập đoàn thanh tra tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Ngày 18-6-2014, qua kiểm tra tại hộ kinh doanh Nguyễn Bá Phú, thị trấn Chư Sê, đoàn kiểm tra ghi nhận cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề. Mặc dù vậy, cơ sở này lại không cung cấp được các loại hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến giống tiêu ghép, không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, không nhân giống từ nguồn giống được công nhận; không có quy trình kỹ thuật; không có người kiểm định giống; nhân giống không có hồ sơ chứng minh cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng (cây tiêu)…
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở cung cấp đầy đủ các loại hồ sơ liên quan, đồng thời đình chỉ sản xuất và kinh doanh giống tiêu ghép từ ngày lập biên bản. Trước đó, năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cũng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu cơ sở trả lại toàn bộ số bầu tiêu ghép về nơi sản xuất; ngừng kinh doanh cây tiêu ghép và chịu trách nhiệm về toàn bộ về số lượng 2.150 cây giống đã nhập và bán ra thị trường.
Phản ánh về việc kiểm tra, đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ sở, ông Phú cho biết sẽ thực hiện theo yêu cầu của ngành chức năng, nhưng theo ông: "Điều tôi quan tâm ở đây là việc chính người nông dân chân lấm, tay bùn tìm tòi, phát hiện và tạo ra một giống tiêu ghép mới, có nhiều yếu tố phù hợp để nhân rộng sao lại không cho phát triển? Bản thân tôi khi bán cho một số vườn tiêu cũng có hợp đồng cung ứng, đảm bảo chất lượng cây giống, chất lượng hạt tiêu so với dây tiêu gốc... đến nay hầu hết các vườn cây phát triển rất tốt, cây không xảy ra tình trạng chết nhanh, chết chậm"-ông Phú phân trần.
Trong khi đó, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho rằng: Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều hộ đã mua và trồng giống tiêu ghép gốc ngoại lai, nhưng từ khi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo thì không còn ai mua, trồng giống tiêu này. Ông Bính lý giải: Mặc dù giống tiêu ghép này khắc phục được bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng giống này lại là nơi ưa thích của các loại mối, sùng đất tấn công, phá hoại. Gốc tiêu dại là giống chịu ngập úng nhưng không chịu được hạn, còn đa phần vườn tiêu tại huyện Chư Sê, Chư Pưh đều nằm ở vùng đất cao. Đây là giống mới chưa được đánh giá khoa học nên người dân muốn trồng thử nghiệm cũng tốt, nhưng việc trồng đại trà là không nên. Hiện tại, Hiệp hội đang phối hợp với một số công ty tiến hành thử nghiệm cách cải tạo vườn tiêu cũng như tìm biện pháp mới diệt loại nấm gây hại cho cây hồ tiêu.
Nguồn tin: Baáo Gia Lai
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...