Dịch bệnh khiến nền kinh tế chao đảo, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, người lao động phải nghỉ việc, nguồn nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng, giao thương xuất nhập khẩu bị đình trệ.
Nhưng ta đã bao giờ thử nghĩ thấu đáo về cái khái niệm kinh tế phát triển? Bản chất của nó là việc tăng cường mua bán và tiêu thụ, để phục vụ cho nhu cầu vật chất vốn dĩ đã được kích hoạt bằng sự hưởng thụ không có giới hạn của con người. Xã hội càng trở nên cái gọi là văn minh, thực ra là một xã hội tràn ngập vật chất, nó trở thành thước đo của sự tiến bộ. Thành phố càng to thì siêu thị càng lớn. Đó là biểu hiện bề ngoài của một quốc gia phát triển. Nó vận hành bằng cách khai thác cạn kiệt tài nguyên, phá huỷ môi trường, trái đất. Các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường, bụi mịn, thuỷ ngân, các dòng sông nhiễm mặn, kiệt quệ đến chết.
Xã hội được điều khiển không phải bởi Chúa Trời mà bởi các nhà quảng cáo, họ mới là người quyết định ta sống bằng gì, như thế nào cộng với một hệ thống được xây dựng để củng cố cho niềm tin đó, rằng mua bán tạo ra tăng trưởng kinh tế cùng với những hình ảnh những người thành đạt sành điệu… nó vận hành một bộ máy kinh tế và tiêu dùng khổng lồ để thoả mãn các nhu cầu liên tục thay đổi.
Chúng ta sống trong một thế giới thừa mứa, gia đình nào cũng có ít nhất một nửa số đồ đạc không được dùng đến, chỉ chất đống trong kho, tủ. Sự dư thừa hàng hóa quá mức này vừa làm tiêu tốn nguyên vật liệu để sản xuất, cạn kiệt tài nguyên, vừa làm bội phát chi phí xử lý rác thải môi trường.
Kinh tế học đã chuyển trọng tâm từ quản trị khan hiếm ban đầu sang quản trị dư thừa. ‘Kích cầu’ – bản chất của nó là kích thích ham muốn sở hữu vô giới hạn – trở thành chiến lược thúc đẩy kinh tế. Kích thích tiêu dùng được cổ vũ, mua sắm nhiều là yêu nước và cái giá phải trả đương nhiên là những tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ này.
Khi có tin dịch bệnh xảy ra, người ta đổ xô đi mua đồ tích trữ trong hoảng loạn. Bởi vì vốn dĩ sự cần dùng của con người đã được bồi đắp qua bao lâu nay trong xã hội hiện đại mà ta gọi là phát triển kinh tế. Khi người ta sử dụng và phụ thuộc quá nhiều vào hàng hoá thì đến lúc có biến, phải cuống cuồng đi mua sắm tích trữ, không thiếu thứ gì.
Quảng cáo mang lại lượng thông tin khổng lồ về những thứ vô nghĩa và thừa thãi, đã làm tê liệt nền văn hóa của chúng ta. Nó thúc đẩy tiêu dùng dư thừa qua việc biến các sản phẩm bình thường thành thứ khát khao được có. Những nhà sản xuất và quảng cáo với các ‘kế hoạch lỗi thời có tính toán’ – trụ cột trong chiến lược kinh doanh, để tung ra những sản phẩm có tuổi thọ ngắn hơn và mẫu mã liên tục ‘đổi mới, nâng cấp tính năng’, để tăng vòng quay vốn và doanh thu, tối đa hóa lợi nhuận.
Tất cả những gì người ta quan tâm đến sự phát triển là chỉ số GDP, nhưng GDP – tổng sản phẩm nội địa là chỉ số cho phép chúng ta đo lường những gì có thể tính được bằng tiền. Chỉ số đó không quan tâm đến chất lượng cuộc sống, không liên quan đến các điều kiện giải trí, giáo dục, y tế môi trường .v.v.
Để phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp thừa mứa đó, nguồn vốn đầu tư tập trung chủ yếu và thành phố và các khu công nghiệp, một mặt tàn phá tài nguyên đất đai, đồng thời thu hút lao động giá rẻ, đã kéo theo một làn sóng nông dân từ bỏ quê hương ra thành phố.
Thêm nữa 90% lượng hàng hóa tiêu dùng chất lượng thấp nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiều năm đã làm đình trệ nghiêm trọng nền kinh tế địa phương và tạo ra một lượng lớn người thất nghiệp. Bởi vì sản phẩm địa phương không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, được nhập khẩu ồ ạt tràn lan.
Một cuộc di dân khổng lồ khi hàng ngàn người lao động tỉnh lẻ tháo chạy khỏi Sài Gòn trong xót xa và cay đắng làm nhói tim biết bao người. Cuộc hồi hương đầy gian nan ấy lý giải vì sao nông thôn ngày nay không còn nông dân, thanh niên, tri thức đều chọn ly tán khỏi quê hương.
John Kenneth Galbraith – kinh tế gia người Mỹ đã chỉ ra rằng: trong khủng hoảng kinh tế chẳng ai quan tâm đến khối lượng hàng hóa suy giảm, không ai thấy khó khăn vì lượng xe hơi sản xuất ít đi. Người ta chỉ than phiền là việc làm bị cắt giảm. Con người thà sản xuất dư thừa hàng hóa chứ không chịu mất việc làm, dẫn đến ngành công nghiệp thái quá, bởi luôn phải tăng trưởng liên tục bất kể môi trường ngày càng không chịu nổi núi hàng hóa thừa mứa lãng phí và gây hại.
Ai cũng cần làm việc nhưng vấn đề việc làm của người dân đã bị dịch chuyển từ nông thôn ra thành phố để phục vụ cho cuộc phát triển công nghiệp. Đó là lý nguyên nhân sâu xa đằng sau cuộc hồi hương thế kỷ vừa diễn ra khi hàng trăm ngàn người lao động tỉnh lẻ ở phía Nam rùng rùng tháo chạy về quê tạo nên một cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử. Nó nhắc người ta nhớ lại lý do vì sao họ ra đi.
Một đất nước nông nghiệp với cảnh làng quê trù phú đã chỉ còn là ký ức xa đến nỗi khó mà hình dung nổi, giờ đây chỉ còn lại những vùng quê heo hút, ảm đạm, nghèo nàn kiệt quệ sau những đợt cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, đất đai luôn là mục tiêu của những cuộc chuyển đổi, biến hóa chuyển quyền sở hữu mà người nông dân luôn yếu thế và dễ bị tước đoạt quyền lợi nhất. Nền tảng văn hóa đạo đức của một xã hội nông nghiệp truyền thống cũng biến mất, người dân quê trở thành đối tượng của đủ thứ tệ nạn. Không có cơ hội phát triển, ở quê thì hoặc bán đất ăn dần, hoặc ly tán ra thành phố mưu sinh đắp đổi qua ngày.
Người dân rời bỏ làng quê ồ ạt ra thành phố mưu sinh, chen chúc nhau trong những khu chung cư cao tầng, những nhà trọ bé tí, những con đường tắc nghẹt. Diện tích nội đô trên tổng diện tích quốc gia chỉ chiếm khoảng 4.4% nhưng lại có dân số chiếm đến hơn 60% và GDP 70% cả nước. Hơn 90% diện tích còn lại với một nhúm người heo hắt không biết làm gì để an sinh trên chính mảnh đất quê hương.
Đó là cái bức tranh về thực chất của cái gọi là phát triển kinh tế. Một nền kinh tế phi lý và phi nhân. Nó khiến thân phận người dân dù ở đô thị hay nông thôn cũng thê thảm như nhau. Trong cơn nguy khốn của thành phố, hàng triệu người lao động đã từng đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố này, hiện ra là những dân cư yếu ớt nhất, dễ tổn thương nhất.
Đại dịch tạo ra cuộc hồi hương dữ dội nhất trong lịch sử, nhưng cách nào đó, nó đưa mọi thứ trở nên đúng vị trí của nó, đưa người nông dân trở lại làng quê. Dường như Thượng đế đang muốn thông qua con virus, sắp đặt lại trật tự, khi con người đã đi quá xa khỏi những lời răn.
Có thời ta đã coi sản xuất công nghiệp là văn minh tiến bộ. Giờ đây, bất cứ cái gì cần ta đều phải đi mua bằng tiền, và chen chúc tranh giành ở chợ hay siêu thị, vì chúng ta đã chê chán cái nền nông nghiệp tự túc là lạc hậu. Tất nhiên khi không thể tự cấp thì ta phải cần rất nhiều tiền để đi mua, và bởi vậy lại phải quay cuồng đi kiếm tiền, cuốn mình trong cái vòng xoáy kiếm tiền: sản xuất – khai thác – phá huỷ tự nhiên – tiêu tiền – kiếm tiền… không bao giờ ngừng lại.
Nền văn hóa tiêu thụ vật chất đã phình to đến mức khổng lồ và con virus vô hình lại đang có khả năng thay đổi mạnh mẽ mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới khác biệt. Nếu như con người không thể tự mình kiểm soát được cám dỗ vật chất thì cách ly là biện pháp cưỡng chế của virus để con người ‘cai nghiện’. Nó khiến chúng ta đang bước vào một thời kỳ cách ly tiêu dùng, để chúng ta sẽ học cách hài lòng với những thứ ít ỏi, giản đơn.
Đến giờ liệu chúng ta đã hiểu ra rằng: sống ít nhu cầu mới đúng là cách sống thuận theo tự nhiên; rằng: nhiều thực phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp dựa trên hoá chất và các thứ biến đổi gene sẽ tàn phá tự nhiên, khiến ta phải dùng nhiều thuốc hơn, nó không làm ta khỏe lên, chỉ thôi thúc ta phải kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu, và để chữa đủ loại bệnh kỳ quái do các thứ đột biến mà chính ta muốn thêm vào đời sống tự nhiên của mình.
Ông tổ y học thế giới Hyppocrates đã nói rằng: “Thức ăn của bạn phải là thuốc cho bạn và thuốc men của bạn phải là thức ăn”. Thực phẩm từ tự nhiên chính là thảo dược tốt nhất mang lại sức đề kháng bền vững cho cơ thể.
Sự trở về với nông nghiệp tự nhiên sẽ giải thoát con người ra khỏi sự lệ thuộc vào các sản phẩm hóa chất do các chiến dịch quảng cáo tạo ra, tiêu diệt niềm tin của con người vào các sản phẩm từ tự nhiên, thay vào đó khiến con người chỉ tin và dùng những thứ được bào chế ra từ phòng thí nghiệm, dược phẩm – ngành công nghiệp khai thác lợi nhuận từ sức khỏe con người này.
Đại dịch khiến chúng ta phải tái định hướng và xây dựng một nền kinh tế mới với sự thấu suốt những giá trị bền vững, dựa trên sự tôn trọng sức lao động và điều kiện sống của con người. Rất nhiều các công ty có thể giải thể trong quá trình hãm phanh này nhưng mặt khác nó cho chúng ta một khởi đầu mới, mang tới các khả năng mới cho nền sản xuất địa phương.
Virus buộc chúng ta phải làm điều đãng lẽ chúng ta phải làm từ đầu. Xây dựng một hệ thống kinh tế phù hợp với văn hóa và điều kiện tự nhiên, với bản sắc và giá trị riêng có của từng quốc gia, những giá trị và kỹ năng thủ công đầy tính nghệ thuật bản địa của người lao động được tôn vinh hơn là chạy theo nền sản xuất công nghiệp với những sản phẩm đại trà thừa mứa và xấu xí. Khả năng ứng biến và sáng tạo sẽ là những tài sản quý giá nhất. Một nền sản xuất và phát triển kinh tế lấy con người chứ không phải máy móc làm trung tâm sẽ chiếm vị trí chủ đạo.
Nhiều người trẻ đã nhìn ra và đã đang dần trở về với nông nghiệp, bằng tất cả tình yêu với tự nhiên, mặc dù họ đều có thể thành công trong các lĩnh vực tri thức công nghiệp. Và họ đã cho thấy sản phẩm nông nghiệp không bao giờ là lạc hậu, nó giá trị ở mọi phương diện.
Einstein từng nói: “Con người luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu phàm tục là tài sản, sự phù phiếm, cuộc sống xa hoa, điều này làm tôi cảm thấy đáng thương”.
Cuộc sống chạy theo văn minh công nghiệp đã đủ khiến ta thấy mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng bên trong? Con người dường như đã đi quá xa trong mức độ tiêu thụ tràn lan. Và đại dịch như một sự thức tỉnh, giúp ta hiểu giá trị của một nền kinh tế tự cấp tự túc, với đời sống giản dị, cân bằng với tự nhiên, không còn những bon chen chạy đua vô nghĩa phức tạp, cuộc sống ấy giảm đi rất nhiều sự phiền hà, tránh được rất nhiều thứ mặt trái của xã hội hiện đại, dẫu đạm bạc hơn nhưng không bao giờ lo thiếu thốn gì ngay trên mảnh đất nhỏ của mình.
Đó chính là cách con người sống hài hoà với thiên nhiên, trong một vòng tuần hoàn, thiên nhiên nuôi sống con người, và con người sống bằng tình yêu và lòng biết ơn, giữ gìn tài nguyên của của Đất Mẹ. Cuộc sống hài hòa và ý nghĩa ấy vốn dĩ ta đã có từ xưa. Chỉ là ta đã đánh mất và chối bỏ nó để tìm kiếm thứ gì đó hào nhoáng của xã hội hiện đại. Nhưng đến lúc ta hiểu rằng, hiện đại không phải điều tốt đẹp như ta tưởng, và truyền thống luôn quý giá trong vẻ đẹp vĩnh cửu của nó.
Khi mọi thứ bất ổn, hoang mang và không có lối thoát, trong lòng mỗi người đều chỉ có một mong muốn duy nhất giản dị: trở về nhà… Hai tiếng “quê nhà” có sức mạnh âm thầm, kỳ lạ, đủ để yên lòng tha nhân giữa cơn biến động khôn lường thế sự.
Virus chuyển dịch dòng người trở về mảnh đất quê hương, nơi thuộc về mỗi con người trong sự an bài của số phận. Đó là sự trở về tự nhiên và tương lai, có thể chúng ta sẽ lại khôi phục được một nền nông nghiệp giàu có, phong phú sản vật tự nhiên như những món quà mà đất Mẹ muốn dành cho loài người, những đứa con dại dột trên Trái Đất. Vắng đi những nhà máy nhưng sẽ lại hồi sinh những mảnh ruộng vườn xanh ngắt hoa trái và cây cỏ. Chẳng phải chúng ta đã bắt đầu nhận ra sự quý giá của những màu xanh đó rồi sao.
Nền nông nghiệp dựa trên nền tảng của truyền thống và tình nghĩa gắn bó sẻ chia giữa người với người, tạo nên một công đồng đầy tính nhân văn. Ta sẽ hiểu rằng không cần phải đi đâu xa, hạnh phúc là sự đủ đầy trong chính mình, trong ngôi nhà, mảnh vườn, những người thân yêu mà ở đó ta không cần sự đề phòng, không nhìn nhau như những người máy xa lạ không chút tình cảm. Ta sẽ tìm thấy niềm vui, không phải trong thế giới công nghệ, vốn cũng chẳng cần quá nhiều, để hoà mình trong thế giới tự nhiên, cảm nhận hạnh phúc bền vững và đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần. Đó mới chính là cuộc sống ta nên thuộc về.
Cổ nhân có câu: “Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nếu nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy).
Trái đất đã đến giới hạn chịu đựng của nó, cũng như con người vậy. Con người chỉ là một sinh mệnh nhỏ như hạt cát trong sinh mệnh lớn Trái Đất. Thượng đế dường như thông qua con virus để chúng ta nhận ra những sai trái của loài người, mọi thứ cần trở về với vị trí đúng của nó, an bài tối cao không thuộc về con người. Con người chỉ có thể thức tỉnh và thuận theo Thiên Lý mới có thể đảm bảo cho sự an toàn của mình.
Đan Thư
Tác giả bài viết: Minh Phát Đak Lak xin kíng chúc Nhà Nhà bội thu.
Nguồn tin: Sưu Tầm Internet:
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...