Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Chăm sóc vườn tiêu cơ bản

Chăm sóc vườn tiêu cơ bản
Bạn Đỗ Trường Sơn ở Bù Đăng,Bình Phước vốn tính cần cù ,chịu khó,ham học hỏi,qua nhiều năm đã rút được khá nhiều kinh nghiệm tạo lập vườn tiêu của mình xanh tốt. Nay muốn chia sẻ đến bà con những kinh nghiệm của mình.

Thân chào bà con và các bạn !

Hồ tiêu là một loại cây nắng không ưa không chịu,thích ẩm nhưng sợ úng , nhiều dịch bệnh. Tuy khó chăm nhưng khi ta hiểu đặc tính của nó rồi thi trồng cũng không khó lắm.
Bản thân tôi cũng là người nông dân một nắng hai sương như bà con thôi, nhờ ham học hỏi và may mắn quen được mấy anh làm hồ tiêu giỏi ở Đồng Nai, Đăk Lăk, Gia Lai …. Nên tôi cũng đúc kết được chút kinh nghiệm cho riêng mình.

Trong tâm tình yêu thương chia sẻ với bà con chưa biết trồng hoặc đã trồng vài lần nhưng năng xuất và tuổi thọ không cao, nay tôi gởi đến bà con chút kinh nghiệm nhỏ bé này, mong bà con làm thành công, mang thịnh vượng đến cho gia đình mình, làm ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho bà con nghèo, góp phần xây dựng quê hương đất nước là tôi vô cùng hạnh phúc.

I GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT CƠ BẢN

CHỌN ĐẤT :

Cây hồ tiêu trồng được trên nhiều loại đất như đất đỏ, đất đen, đất sỏi đá. Có độ dốc thoai thoải. Không được trồng trên đất úng, đất không thoát nước, đất có độ dốc cao. Nên đào mương thoát nước, đào mương ngăn nước không để nước mưa chày tràn từ vườn nọ sang vườn kia.

CHỌN GIỐNG :

Hiện bà con đang trồng nhiều loại giống tiêu như : Tiêu Ấn Độ , tiêu Sẻ , tiêu Trâu …… Nhưng theo tôi thì tiêu Vĩnh Linh là nhiều ưu điểm hơn, năng xuất cao, kháng bệnh, chịu hạn, nên được bà con trồng nhiều ở Gia Lai, Đồng Nai , Đăk Lăk ….

Trồng dây ác trực tiếp hoặc trồng bằng dây lươn ươm trong bầu đều được , nhưng theo tôi và nhiều anh em làm tiêu giỏi thì tiêu lươn và tiêu ác, từ ngày trồng đến khi thu bói bằng nhau, năng xuất như nhau , nhưng trồng bằng tiêu lươn tuổi thọ cao hơn, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng cây giống , thổ nhượng ở mỗi nơi và kỹ thuật chăm sóc của mỗi người. . Bà con có thể tự ươm, hoặc mua giống, nhưng phải lấy hom hay mua giống từ những vườn tiêu sạch bệnh . Ươm sớm trồng sớm tốt cho tiêu hơn . Trong bài viết này tôi chỉ chia sẻ kinh nghiêm trồng bằng tiêu lươn .

CHỌN TRỤ :

-Trụ chết : Trụ gỗ , trụ betong khoảng cách 2,2 x2,5 m, trồng tốt nhưng tuổi thọ không cao bằng ta trồng trên trụ sống . Bà con lưu ý không nên xây trụ gạch vì nhiều nơi làm đã thất bại, gây lãng phí cho bà con rất nhiều .

Trụ sống : Lòng mức , gòn , anh đào , keo , những loại cây rừng khoảng cách 3x3m …..Đều trồng rất tốt, nhưng trồng trên trụ điều thì ít chi phí đầu tư hơn , tuy không tốt bằng trồng trên những cây trụ sống khác nhưng lại rất phù hợp với những hộ bà con còn khó khăn , vừa thu điều và cho tiêu leo luôn , đầu tư thấp , tiết kiệm , tận dụng để vươn lên .

- Bà con có thể trồng xen 1 hàng trụ sống và 1 hàng trụ chết thì sẽ đạt năng xuất và tuổi thọ tối ưu nhất .

CÁCH TRỒNG :

-Đào hố : Cách gốc, trụ, 10cm bà con đào 1 hố 50x50x50cm trước khi trồng khoảng 1-2 tháng để phơi ải đất . Trước khi trồng 20 ngày – 1 tháng , tùy điều kiện bà con có thể trộn theo một trong những cách sau :

- 5 kg phân chuồng hoai mục +1 nắm Tricho nhân sinh khối như anh Phan Phat hướng dẫn hoặc những loại tương đương.

Ta lấp đất đã đào xuống hố và trộn đều một trong những loại trên sao cho bằng mặt đất , đợi đến khi có mưa đều thì tiến hành trồng.

-Kỹ thuật trồng : Tuy đào hố sâu nhưng bà con chỉ trồng cạn , trồng mặt bầu bằng mặt đất , vun cho đất trong gốc cao hơn mặt đất ngoài 4-5cm tránh để nước mưa đọng lại trong gốc tiêu . Trồng cách trụ 10cm , hơi nghiêng đầu về phía trụ , một gốc trồng 2 bầu chung 1 hố , từ 2 -5 dây . Dùng lưới hoặc cành cây che nắng cho tiêu tơ khoảng 1 tháng .

CHĂM SÓC :

-Bón phân : Sau khi trồng khoảng 15 ngày , bà con nên phun ướt trên lá và tưới gốc phân cá hoặc amino + Pseudomonas. , tăng dần những lần phun sau, phun vào lúc chiều mát , phải rửa sạch dụng cụ phun (bình xịt , máy xịt , dây ống ) trước khi xử dụng , lưu ý : Chỉ phun khi đủ độ ẩm khoảng 70% , nghĩa là khi lấy tay bốc vào đất vo vo mà thấy dính tay là được, tuyệt đối không phun khi đất không đủ ẩm . Cứ khoảng 20 -30 ngày phun 1 lần không cần bón thêm phân gì . Cho đến khi đã vào mùa khô .

-Chăm sóc : Nhổ cỏ quanh gốc đường kính 1m , bên ngoài chỉ dùng máy phát không nên phun thuốc cỏ hoặc sạc cỏ .Cột cho tiêu ôm đều trụ , lên thẳng không đan chéo nhau .

Vào mùa khô bà con dùng rơm , cỏ , cành lá tủ gốc . Tưới nước dùng vòi soa loaị người ta hay dùng tưới rau để xịt trên mặt , xịt đẫm qua lại vài lần là được , cứ khoảng 10 ngày sau tưới lại 1 lần và bón bằng các loại phân vi sinh theo hướng dẫn trên bao bì kết hợp với Tricho .

Đọc đến đây chắc là bà con có nhiều thắc mắc.Tại sao không thấy dùng phân NPK hay DAP ? Tại sao không làm bồn ? tại sao không được làm sạch cỏ dại ?……

Xin thưa : Vì các loại phân thuốc hóa học có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm từ hữu cơ vi sinh. Phân hữu cơ sinh học dạng nước , được chiết xuất từ đậu nành, trái cây, rong biển . Thủy phân từ thịt , cá , nhộng tằm , giun đất …..Có tác dụng rất tốt với nhiều loại cây trồng , đặc biệt là cây hồ tiêu . Giúp cải tạo đất , tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất , giúp trùn đất sinh sôi phát triển rất nhiều , làm xốp đất , phân giun rất tốt cho cây trồng …….Phân hữu cơ sinh học dạng nước còn có nhiều nhãn hiệu khác bà con có thể lựa chọn.

Tricho gồm những loại nấm đối kháng , vi sinh vật có ích , có tác dụng cố định đạm trong đất , cạnh tranh dinh dưỡng , hạn chế và tiêu diệt nhiều loại nấm bệnh, như phitopthora gây bệnh chết nhanh , Fusarium , tuyến trùng , rệp sáp gây bệnh chết chậm …..Nhưng trichoderma lại cần hữu cơ vi sinh để làm thức ăn và sinh sôi phát triển nên chỉ phối hợp trichoderma với các loại phân hữu cơ vi sinh mà thôi .

-Hồ Tiêu là loại cây trồng mẫn cảm và nhiều dịch bệnh vì thế việc phòng bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, từ khâu chọn giống sạch bệnh, đến tất cả các quy trình chăm sóc, tránh để tiêu bị ngập úng , tránh làm tổn thương bộ rễ. Xin bà con hãy nhớ trichoderma là vắccin cho cây Hồ Tiêu.

-Về việc giữ cỏ trong vườn tiêu có tác dụng chống xói mòn trong mùa mưa , giữ ẩm trong mùa nắng , duy trì hệ vi sinh vật có ích trong đất , giúp hạn chế được rệp sáp , tuyến trùng …... bà con có thể trồng lạc dại trong vườn tiêu vừa đẹp, rất tốt cho việc cải tạo đất .

- Làm bồn sẽ giúp bà con thuận tiện trong việc tưới nước mùa khô , nhưng tác hại của nó mang lại rất lớn, như khi làm bồn sẽ làm tổn thương rễ tạo cơ hội cho tuyến trùng và nấm bệnh xâm nhập vào cây tiêu , vào mùa mưa bồn sẽ giữ nước gây ngập úng cho tiêu

Vì thế theo tôi làm bồn hại nhiều hơn lợi ,

- Lạm dụng phân hóa học , thuốc hóa học , sẽ làm hủy diệt hệ vi sinh vật có ích trong đất , chỉ trong vài năm sẽ phải trả giá , bằng chứng là nhiều vườn tiêu trong huyện nhà , xã nhà , đã đồng loạt bỏ trụ mà đi, rồi bà con đổ cho trăng sao , may rủi …Nhưng thật ra là do mình cả thôi . Nói thế không có nghĩa là tẩy chay hóa học mà bà con chỉ dùng khi thật sự cần thiết , dùng đúng ,dùng đủ .

KỸ THUẬT ĐÔN TIÊU :

Khi tiêu lên được 1,5-2m lúc này hầu hết các dây tiêu đã ra nhánh ác , bà con đào 1 hố 50x50x50 cm cách gốc tiêu mẹ khoảng 30cm(ví dụ gốc tiêu mẹ nằm ở hướng đông thì bà con đào ở hướng tây nam hoặc tây bắc ) để phơi ải khoảng 1 tháng , rồi trộn với một trong những loại phân như khi trồng mới tôi đã chia sẻ ở phần trên . Bà con lấp xuống khoảng 2/3 hố , để 1 tuần sau tiến hành đôn tiêu .

1) Dùng tay vặt ngược bỏ lá và cuống lá từ gốc lên đến tay ác , chừa lại 3 nhánh ác rồi cắt bỏ ngọn đi đem lá và đọt tiêu đi đốt bỏ .

2) Dùng đồng đỏ phun ướt đẫm đoạn thân vừa được vặt bỏ lá (làm vậy để phòng nấm bệnh cho dây tiêu ).

3) Cẩn thận gỡ dây tiêu từ gốc đến ngọn ra khỏi trụ , gỡ từng dây và để riêng ra từng dây

. 4) Cẩn thận khoanh từng dây tiêu nhẹ nhàng để xuống hố , phần ngọn cột vào trụ, cao khoảng 40cm .

- Bà con làm từng dây một cho đến dây cuối , canh sao cho phần ngọn tiêu ôm đều trụ , lấp đất lại , vun cao hơn mặt đất 5-10 cm, như mu rùa .

- Đôn tiêu vào mùa nào trong năm cũng được nhưng nếu là mùa nắng thì bà con nhớ che nắng và giữ ẩm thật tốt.

- Chú ý không được làm dập dây tiêu, không để rác, lá lẫn lộn trong đất khi độn tiêu, đặc biệt là lá tiêu .

- Đôn tiêu sẽ tránh được tình trạng trống gốc (quần đùi) ngoài ra, đôn tiêu còn giúp cho cây có thêm một bộ rễ mới nữa . Tuổi thọ và năng suất khi trồng tiêu lươn chính là nhờ điểm này.

Lưu ý khi dùng dao kéo cắt tỉa phải sát trùng dụng cụ từng cây một (có thể hòa một ít Carbenxim vào hủ nhưa cắt hết cây lại ngâm kéo vào đó)

* Bà con cứ chăm sóc như thế cho đến khi tiêu đã leo phủ trụ .

II GIAI ĐOẠN KINH DOANH .

KỸ THUẬT LÀM BÔNG :

Chào bà con ! Kỹ thuật làm bông là đỉnh cao của cả quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu . Như bà con cũng biết những vườn tiêu trong xã mình , trong huyện mình, thường năm trúng năm thất , hoặc ra bông không tập trung (tiêu tứ quý) , làm giảm năng suất , gây khó khăn khi thu hoạch , hiệu quả kinh tế không cao .

Kỹ thuật làm bông hiêu quả không phải chỉ bỏ loại phân gì , phun loại thuốc gì , mà được kết hợp gồm cả một quy trình chăm sóc

- Sau khi thu hoạch ( tùy theo từng giống khoảng tháng chạp âm lịch với giống Vĩnh Linh , Ấn Độ , và tháng 2 âm lịch với tiêu sẻ ) bà con tiến hành phun đồng đỏ để rửa cây . bón gốc 1 kg lân nung chảy ( văn điển ) , bón quanh tán lá . Dùng đất được đào từ ngã tư trong vườn tiêu hoặc chở từ ngoài vào phủ lên khoảng 2-3 cm . Cắt lươn gốc , tay ác từ mặt đất lên 50 cm để gốc tiêu luôn thông thoáng tránh nấm bệnh .

- Bón 5 tạ vôi / ha , rải đều khắp vườn .

- Tưới nước bình thường canh sao trước khi mưa khoảng 30-45 ngày ( tùy tiêu bà con trồng bằng trụ chết hay trụ sống ngoài nắng hay trong bóng râm ) ngưng tưới nước để hãm cây , để cây chuyển từ sinh trưởng ( phát lá, cành, nhánh) sang sinh thực ( hoa trái ) .Trong thời gian này cây cần nghỉ ngơi nên không cần bón hay phum loại phân gì , thuốc gì . Nếu tiêu bị héo quá thì chỉ tưới nhấp nhấp vào buổi chiều để tiêu đủ sống thôi . Với tiêu sung thì thời gian hãm nước nhiều hơn , và với tiêu suy thì giảm thời gian hãm nước lại .

- Khi có những cơn mưa to đầu mùa bà con tiến hành phun phân bón lá KNO3 +

Ma-nhê . ( Phun lúc chiều mát ) . Kích thích ra bông, giúp ra bông nhiều , kích thích rễ , bổ sung trung vi lượng.

- Sau 1 tuần . Bón phân gốc : 2 bao lân văn điển + 1 bao Urê +1 bao đạm + 70 kg kali đỏ , trộn đều bón cho mỗi gốc từ 1,5 đến 2,5 lạng , bón vào chiều mát , rải đều theo

tán lá , bón tới đâu thì tưới thật kỹ đến đó , 7 ngày sau bón phân và tưới lại như trên .

Sau 15 ngày ( từ ngày phun KNO3) . Phun 10-60-10 + Bo. (chiều mát )

- Sau 10 ngày tiến hành bón phân hữu cơ vi sinh + trichoderma trước và bón 10 kg phân chuồng hoai mục hoặc 10 kg vỏ cà phê đã ủ hoai mục lên trên .

Lưu ý phân chuồng hay vỏ cà phê là loại có dinh dưỡng cao cần phải ủ kỹ thì mới bón được , nếu không sẽ làm hại cây trồng , giống như khi ta ăn thịt cá chưa được nấu chín vậy .

- Trong thời gian cây đang bung cựa nảy đọt thì cần phải giữ ẩm cho đất nếu đất bị khô, chuỗi sẽ bị ngắn và hạt sẽ bị thưa ( bồ cào ) .

* Khi tiêu đang ra bông thì không phun hay bón thêm loại phân hay thuốc nào nữa .

- Sau khi tiêu đã vào hạt bà con tiến hành chăm sóc bình thường kết hợp như : phun phân sinh học trên lá , tháng sau bón hữu cơ vi sinh dưới gốc , tháng sau lại chế phân sinh học dưới gốc ……. Lưu ý luôn kết hợp Trichoderma .

Trồng và chăm sóc vườn tiêu không ai giỏi cả nhưng ông bà ta có câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh" vì vậy tăng nguồn hữu cơ,vi sinh (sử dụng hóa học khi cần thiết). Chúng ta nên chọn phương pháp tăng sinh khối Tricho và Pseudomonas vừa rẻ và hiệu quả

Chúc các bạn thành công!

 

Nguồn tin: taynguyen24h.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây