Công nghệ sản xuất phân vi sinh của Bùi Ngọc Châu "Gương người và việc"
- Thứ ba - 02/07/2013 23:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bùi Ngọc Châu
Bùi Ngọc Châu trở về quê và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vào điều kiện khí hậu, đất đai cụ thể tại địa phương. Cuối năm 2011, anh công bố việc nghiên cứu thành công và sản xuất được dung dịch vi sinh và men vi sinh phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt.
Dung dịch vi sinh dùng để ủ phân hữu cơ vi sinh, khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, gieo ươm hạt giống với tỷ lệ nảy mầm cao và cây trồng mọc khỏe, phát triển tốt; men vi sinh cám gạo dùng làm thức ăn bổ sung cho gia súc để tăng cường sức đề kháng và men vi sinh dùng để ủ phân từ các phế phẩm thức ăn thừa, rác thải, cỏ khô, cỏ tươi trong gia đình...
Anh Bùi Ngọc Châu bên mô hình ủ phân vi sinh
Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước cho biết, đang chuẩn bị kế hoạch trình UBND huyện xem xét để tiến hành hội thảo đánh giá về kết quả sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của anh Bùi Ngọc Châu nhằm ứng dụng vào trồng trọt và chăn nuôi tại các địa phương trong huyện. |
Hiện tại, anh đã ứng dụng thành công việc sử dụng dung dịch vi sinh và men vi sinh vào việc tạo phân hữu cơ vi sinh để bón cho hơn 1,5ha cây trồng như chuối tiêu hồng, cà chua, cà tím, dưa các loại… Dung dịch vi sinh, men vi sinh để khử mùi hôi của chuồng trại bồ câu, heo thịt của gia đình cũng cho kết quả rất tốt.
Nguyên liệu chính để tạo ra phân hữu cơ vi sinh có sẵn ở mỗi gia đình như rơm tươi, rơm khô, phân gia súc, gia cầm... Cách tiến hành ủ phân vi sinh cũng khá đơn giản, đào hoặc xây một cái hố sâu chừng 0,9m, dài 1,2m, rộng 1m rồi bỏ nguyên liệu đã trộn sẵn với dung dịch vào theo thứ tự từng lớp, mỗi lớp dày khoảng 10 - 15cm rải một lớp men vi sinh, sau đó dùng tấm bạt phủ kín lại trong khoảng 20 - 30 ngày là tạo ra được sản phẩm. Chi phí để làm ra 1kg phân hữu cơ vi sinh mất khoảng gần 900 đồng, thấp hơn từ 2,5 - 3 lần giá phân cùng loại bán ngoài thị trường mà chất lượng không hề thua kém.
Việc anh Châu nghiên cứu, sản xuất thành công dung dịch vi sinh và men vi sinh, nếu được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm môi trường; đồng thời gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất đai, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo Báo Quảng Nam