Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


21 người đã chết vì bệnh "lạ"

Bệnh lạ

Bệnh lạ

Một đoàn chuyên gia y tế lên tới 70 người đã về tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ để tiếp tục truy tìm nguyên nhân gây bệnh bệnh viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân (hay gọi bệnh lạ). Tuy nhiên, hiện nguyên nhân gây bệnh lạ vẫn còn ẩn số.

Người dân vùng dịch bệnh đang hết sức hoang mang, lo lắng, trong khi đó cơ quan chức năng lại công bố thêm hàng chục trường hợp bệnh lạ phát sinh. Như vậy, tính đến ngày 12/5, tại xã Ba Điền trên 230 trường hợp mắc hội chứng viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân, 21 người chết.

Nguy cơ tái phát

Trong hai ngày qua, trên 70 chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế như Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chia làm 10 đoàn đã có mặt tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh lạ.

Đây là đợt “ra quân” rầm rộ nhất của ngành y tế, nhất là sau hai cái chết ngày 7 và 8/5 vừa rồi. Lần này. các chuyên gia y tế đã tập trung lấy mẫu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đời sống người dân.

Tuy nhiên, những ngày này không khí tại xã Ba Điền càng thêm ảm đảm, nhất là sau cái chết của hai bệnh nhân mới.


Lấy nguồn đất vùng dịch để xét nghiệm

Bệnh nhân Phạm Thị Liệu (SN 1975) cho biết, nhà có 5 người thì có 3 người mắc bệnh, đưa vào điều trị tại bệnh viện phong-da liễu Qui Hòa (TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định). Khi vết dấu trên tay chân bớt lỏ loét, cách đây nửa tháng, bệnh viện cho chị Liệu xuất viện về quê.

Thế nhưng từ khi về nhà, khoảng hơn một tuần nay, bụng chị Liệu đau trở lại, hai bàn tay và chân cũng bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, đi lại khó khăn hơn.

"Đoàn y tế về hoài mà không biết lần này có tìm ra được "con ma" gây bệnh không, chứ bà con mình lo lắm"- chị Liệu lo lắng!

Nhiều bệnh nhân cho biết, khi được phát hiện sớm và điều trị, sức khỏe đã cải thiện dần. Thế nhưng có không ít trường hợp có dấu hiệu tái phát. Có trường hợp đang nằm chờ ngày chết là chị Phạm Thị Ân (26 tuổi), hiện bụng đã phình to, không đi lại được, còn ăn thì mỗi ngày chỉ được trên dưới bát cháo, không ăn cơm được.

Mặc dù các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo rằng, dù chưa loại trừ hẳn, nhưng bệnh lạ ở huyện Ba Tơ khó lây giữa người và người.

Thế nhưng, người dân xã Ba Điền hiện nay lại rất sợ bệnh này lây lan. Bởi trong số các trường mắc bệnh và tử vong, chủ yếu vẫn là người trong gia đình, trong làng.

Ông Phạm Văn Tiến, ở làng Rêu cho biết, con gái ông là Phạm Thị Phin (SN 1992) mắc bệnh vào đầu tháng 2/2012, một tuần sau em gái Phin là Phạm Thị Phiên (SN 1993) bị mắc bệnh.

Tiếp theo là vợ ông Tiến là Phạm Thị Su (SN 1960) và chồng của Phin là Phạm Văn Trót (SN 1988). Đến tháng 4/2012, Phạm Thị Phin tử vong, cả nhà ông Tiến một phen hoang mang. Rất may là, cả nhà ông được đi điều trị nên bệnh mới bớt dần dần, sức khỏe hồi phục cho đến nay.

Còn gia đình anh Phạm Văn Đáy, ở làng Rêu, có đến ba đứa con là Phạm Thị Dút (SN 1995), Phạm Thị Bông (SN 1994) và Phạm Văn Déo (SN 2001) bị mắc bệnh. Đến tháng 12/2011, cả Dút và Bông đã tử vong. Lúc này, anh Đáy cho rằng, bệnh đã lây qua cả nhà, nên vội đưa cháu Déo đi điều trị…

Bà Phạm Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền cho biết, xã có đến 92 gia đình bị bệnh này. Trong đó, có ít nhất 3 bệnh nhân trong một nhà trở lên mắc bệnh. Đó là chưa kể, đầu năm 2012 đến nay có 14 gia đình cả nhà bị bệnh (gia đình ít là 4 người, nhiều là 6 người).

Còn theo ông Phạm Văn Bút – chủ tịch UBND xã Ba Điền, trong 21 trường hợp tử vong, có 16 trường hợp cả nhà có gần một nửa số bị bệnh…

Phát sinh thêm bệnh lạ do người dân không khai báo?

Tại buổi họp đột xuất giữa UBND huyện Ba Tơ và các đơn vị liên quan để triển khai hỗ trợ gạo trắng cho dân vào chiều 11/5. Cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 19 người mắc “bệnh lạ”.

Như vậy, tính đến hết ngày 11/5, tổng số người mắc “bệnh lạ” ở Ba Tơ là 230, trong đó có 21 trường hợp tử vong.


Cán bộ y tế tiếp tục lấy mẫu từ móng tay của bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Giải thích vì sao số ca bệnh thực tế còn nhiều mà ngành y tế địa phương không hay biết, lãnh đạo Trung tâm Y tế Ba Tơ, cho biết, mặc dù trung tâm y tế đã đã cử cán bộ vào tận thôn, làng để phát hiện người mắc bệnh và cấp tốc đưa đi điều trị.

Song, hầu hết người bệnh không chịu đến cơ sở y tế, cũng như bệnh mới phát sinh nên rất khó thống kê.

Theo một số bệnh nhân thì họ không đến cơ sở y tế khám là do ngại chữa trị ở bệnh viện sợ mất thời gian mà bệnh lại không khỏi. Nhiều trường hợp trốn chữa trị tại bệnh viên, giờ lại khỏi bệnh như trường hợp của bệnh nhân Phạm Văn Trinh (con trai ông Nhọc mới tử vong ngày 7/5) cho hay, khi trước bị bệnh khoảng một tuần, thì được điều trị ở trung tâm y tế Ba Tơ.

Mỗi ngày được phát hai viên thuốc và chuyền hai bình nước. Thế nhưng mặt mày vẫn bị phù, bàn tay và bàn chân vẫn lở loét. Sau đó, khi bác sỹ “bó tay”, Trinh bỏ địa phương về quê vợ ở thôn Gò Chè, xã Long Hiệp để sống. Từ đó đến nay, dù không uống thuốc nhưng bệnh tình của Trinh…tự động khỏi ?

Theo thống kê thì tính đến ngày 12/5, huyện Ba Tơ ghi nhận có 230 trường hợp mắc bệnh lạ, 21 người chết và 27 trường hợp đồng bào giấu bệnh. 

 

Chiều ngày 11/5, ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, huyện đã chi 1,3 tỷ đồng (300 triệu đồng là do các doanh nghiêp hỗ trợ, còn lại là nguồn của UBMTTQVN) do tỉnh vừa chuyển để mua 60 tấn gạo đợt 1 để phát cho nhân dân xã Ba Điền và các trường hợp mắc bệnh ở các xã khác trong huyện Ba Tơ.

Theo đó, 409 hộ/1.466 khẩu ở xã Ba Điền sẽ được cấp một lần 45 kg/khẩu trong vòng ba tháng.

Đây là số gạo hỗ trợ người dân ăn thay thế gạo lức hiện nay đồng bào đang dùng mà ngành y tế cho rằng có khả năng bị nhiễm độc. 

Theo vietnamnet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây