Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Anh Vũ nhà ta được Forbes vinh danh 'Vua cà phê Việt’

Minh họa

Minh họa

Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn cà phê Trung Nguyên vừa được tạp chí danh tiếng Forbes hết lời khen ngợi và tôn vinh là “Vua cà phê Việt”.

“Vào một buổi sáng mát dịu tại Hà Nội, Vua cà phê Việt Nam Đặng Lê Nguyên Vũ đã cởi mở chia sẻ về suy nghĩ và khát vọng của mình với Forbes”, Scott Duke Harris, phóng viên của Forbes viết trong đoạn mở của bài báo về ông Đặng Lê Nguyên Vũ dự kiến đăng trên tạp chí này phiên bản giấy số ra ngày 6/8 tới.

 

Theo Scott Duke Harris, giới doanh nhân phương Tây đang làm ăn tại Việt Nam ước tính giá trị tài sản cá nhân của ông Nguyên Vũ vào khoảng 100 triệu USD. Đây là một con số khá lớn đối với quốc gia chỉ có thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD một năm như Việt Nam.

Bản thân Scott Duke Harris thì đánh giá, Nguyên Vũ nổi bật trong số những nhà đầu tư đang trở thành nguồn cảm hứng cho những ai muốn chấp nhận rủi ro để thành công trong một xã hội đang thay đổi.
 

 

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ được Forbes đánh giá rất cao.

Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một học sinh phổ thông. Thời đó, người ta nói rằng muốn làm kinh doanh thì cần phải có “ô dù”. Vũ cũng có ô, nhưng tuổi thơ của ông lại là những ngày bẻ ngô, chăn lợn và giúp mẹ đóng gạch. Ông là một học sinh giỏi và sau đó còn đỗ vào khoa Y của ĐH Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột - kinh đô cà phê của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 3, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Và vì thế, ông bắt đầu gây dựng một thương hiệu cà phê cho riêng mình. Ban đầu, vốn liếng của Nguyên Vũ chỉ là niềm tin mà người trồng cà phê đặt vào ông. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cà phê bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy. 15 năm sau, Trung Nguyên đã phát triển rực rỡ với 3.000 nhân viên và một đội xe tải hùng hậu.

Giờ đây, khi cà phê hòa tan giành được sự yêu thích của khách hàng tại một thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc, thị trường vốn có nền văn hóa uống trà như Việt Nam, Nguyên Vũ đã mạnh dạn thực hiện kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán không chỉ ở những thị trường khiêm tốn như Việt Nam mà còn ở trên trường quốc tế.

Vũ đã đào tạo cho nhiều doanh nhân và ông đang được coi là một đại sứ không chính thức của sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông tham gia vào chương trình gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và đăng cai tổ chức nhiều cuộc hội thảo cà phê quốc tế.

Peter Timmer, giáo sư của ĐH Harvard, một học giả về an ninh lương thực và từng có nhiều cuộc nói chuyện với Nguyên Vũ cho biết: "Cảm giác của tôi là Vũ rất thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo thực sự trong kinh doanh. Ông có một tầm nhìn về những việc công ty sẽ làm và có thể truyền đạt tầm nhìn đó tới toàn bộ nhân viên”.

Ông nói thêm: "Henry Ford (người sáng lập công ty Ford) cũng vậy; George Eastman (người sáng lập công ty Eastman Kodak) cũng không khác; Steve Jobs (người sáng lập Apple) thì tương tự. Tôi không chắc có thích hợp khi đặt Vũ vào trong danh sách này hay không nhưng Vũ khiến tôi nghĩ ông là một trong những doanh nhân thành công nhất của khu vực Đông Nam Á”.

Thừa nhận những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nhưng Nguyên Vũ vẫn rất tự tin: “Chúng tôi kỳ vọng mỗi người Trung Quốc có thể chi tiêu một USD hàng năm cho cà phê của chúng tôi”.

Trong bài viết của mình, phóng viên Scott Duke Harris còn lưu ý, cuộc gặp của ông với Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn cà phê Trung Nguyên diễn ra trong bối cảnh ông Nguyên Vũ đến Hà Nội tham dự một cuộc gặp mặt với Thủ tướng và Bộ trưởng Nông nghiệp để thảo luận về chính sách cà phê của Việt Nam.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Vũ cho biết ông đang hướng tới chiến lược phát triển để đưa Việt Nam từ một nhà trồng cà phê thô trở thành một nhà xuất khẩu, chế biến cà phê lớn hơn. Ông cho biết: “Mặc dù bạn có thể nhìn thấy sự phát triển của nền kinh tế qua các con số, nhưng tôi không nghĩ mô hình cũ sẽ hiệu quả trong tương lai. Chúng ta sẽ cần có một công thức mới để thành công”.

Ông chỉ ra rằng Việt Nam và phần lớn các quốc gia trồng cà phê khác đều là các nước nhiệt đới, và rất nghèo. Bán được 20 USD cà phê, họ mới lãi một USD và phần lớn lợi nhuận đều rơi vào tay Nestlé hay Starbucks.

Ông tự hỏi: “Vì sao chúng ta cứ để tình trạng đó tiếp diễn hết năm này đến năm khác?”. Trung Nguyên hiện xuất khẩu cà phê sang 60 quốc gia và dần tiến sâu vào thị trường Mỹ - Trung Quốc. Vì vậy, ông tin rằng Việt Nam có thể tiến xa hơn trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp tỷ USD này.

Đặng Lê Nguyên Vũ còn chia sẻ, thay vì sử dụng thuyết âm - dương, văn hóa Việt Nam có lẽ phù hợp hơn với hai hình ảnh dân gian rùa và rồng.

“Rùa thì kiên nhẫn và hay gặp khó khăn. Hãy nghĩ đến những người lính trong địa đạo Củ Chi huyền thoại, ban ngày thì giống như những con rùa còn ban đêm thì như những con rồng, những người đã đánh bại quân đội Mỹ từ 40 năm trước. Rồng là biểu tượng huyền ảo của sự may mắn, dám ước mơ và hành động. Nếu bạn không có ước mơ, thì bạn làm sao có thể biến nó thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta sẽ không thể mong đợi có một kết quả tốt. Tuy nhiên, con rùa cũng rất quan trọng”, Nguyên Vũ quả quyết.

Ông đánh giá: “Nếu đưa ra tỷ lệ cho Trung Nguyên. Tôi có thể nói chúng tôi có hai phần rùa và ba phần rồng”.

(theo Forbes)
Nguồn DVO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây