Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


BVTV sinh học trong bảo vệ cây trồng

Ảnh Minh Họa

Ảnh Minh Họa

Có nhiều bạn thắc mắc vì nghĩ rằng, người ta sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để phòng trị các loài nấm gây bệnh chứ làm sao mà sử dụng nấm để tiêu diệt côn trùng?

Có nhiều loài nấm được các nhà khoa học nghiên cứu sản suất để ký sinh tiêu diệt côn trùng gây hại và gọi là biện pháp sinh học (BPSH) trong bảo vệ thực vật (BVTV). Tôi xin trích những tại liệu khoa học mà tôi đã đọc để trao đổi cùng các bạn….

Năm 2008-2010 người trồng lúa ở miền Tây Nam bộ đã thành công rực rỡ, gây tiếng vang lớn trong việc BVTV bằng biện pháp sinh học khi sử dụng 2 loài nấm (Lục cương và Bạch cương) để tiêu diệt rầy nâu trên lúa. Cho vụ mùa bội thu và sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến người tiêu dùng.
 

Nấm ký sinh côn trùng đóng vai trò to lớn trong việc khống chế côn trùng có hại. Nấm gây hại cho côn trùng và nhện nhỏ hại cây được quan tâm nghiên cứu gồm các loài nấm Bạch Cương (Beauveria bassiana), Lục Cương (Metarhizium anisopliae) và một số loài nấm khác.

 

Trong quá tình phát triển nấm Bạch cương tiết ra một độc tố, chính độc tố này làm cho côn trùng bị chết. Khi bào tử nấm gặp phải cơ thể côn trùng, chúng sẽ nảy mầm mọc thành sợi nấm xuyên qua vỏ kitin và phát triển trong cơ thể làm tiêu hao các tế bào bạch huyết và cuối cùng làm côn trùng bị chết, trên cơ thể phủ kín lớp phấn trắng. Khi chết cơ thể côn trùng cứng lại, các bào tử tiếp tục phát tán trong không khí.

Nấm Lục cương, sau khi rơi trên bề mặt cơ thể côn trùng trong 24 giờ nấm sẽ mọc sợi đâm xuyên qua vỏ côn trùng, phát triển thành các nhánh chằng chịt trong cơ thể, trong quá trình phát triển chúng tiết ra các độc tố làm cho côn trùng chết. Sau khi chết côn trùng có lớp màu xanh trên bề mặt cơ thể .

Ở Việt Nam, Viện BVTV đã tiến hành thu thập, nghiên cứu, tuyển chọn, nhân và bảo quản các chủng nấm côn trùng để sản suất thuốc trừ sâu sinh học. Đã có 31 loài côn trùng được ghi nhận bị nấm Bạch cương tấn công và trên 40 loài bị nấm Lục cương tấn công. Đó là các loài châu chấu, mọt đục cành, bọ xít, rệp, mối…

Về các loại rau màu, cây ăn quả nếu sử dụng BPSH thì khi đến thời kỳ thu hoạch ta có thể thu hoạch bất cứ lúc nào cảm thấy có lợi (thị trường được giá) mà không phải đợi cho đến hết thời gian cách ly như khi sử dụng thuốc hóa học.

Khi sử dụng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt sâu hại có bạn đùa rằng đó là biện pháp“mì ăn liền”. Tuy thấy được hiệu quả trước mắt nhưng xét về mặt canh tác an toàn, bền vững thì ta sẽ thấy khiếm khuyết của thuốc BVTV hóa học như sau:
- Diệt cả thiên địch, mất cân bằng tự nhiên.
- Dễ gây bộc phát tai hại, do côn trùng bị trúng thuốc không đủ liều gây chết. Chính thuốc hóa học kích thích chúng sinh sản nhiều hơn, do phản ứng bảo tồn giống nòi.
- Việc sử dụng liên tục một loại thuốc làm côn trùng quen thuốc dần dần và dẫn đến kháng thuốc.
- Gây ngộ độc cây trồng và làm giảm năng suất cây trồng.
- Gây ô nhiễm môi trường sống, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Để lại dư lượng thuốc trong nông sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, là nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh ung thư, sảy thai và các bệnh nguy hiểm khác…

Theo tôi đã đến lúc mọi người phải có sự thay đổi trong suy nghĩ, canh tác theo BPSH không chỉ vì lợi ích của chính bản thân mình mà còn là trách nhiệm gìn giữ môi trường và sức khỏe cho mọi người. Xin đừng để thiên nhiên cất tiếng kêu ai oán.
Theo gia tieu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây