Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Bão số 7 gây mưa diện rộng, giám sát chặt chẽ thủy điện sông Tranh 2

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bão số 7 diễn biến phức tạp, gây mưa diện diện rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương đối phó với bão; cử riêng một Đoàn công tác thường trực tại thuỷ điện Sông Tranh 2 để ứng phó, đánh giá về tình trạng công trình trước đe dọa của bão lũ.
Tin từ mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hồi 16h ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi – Phú Yên khoảng 640 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h giờ ngày 6/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.  Cũng từ chiều mai ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
 
Bão số 7 gây mưa diện rộng và diễn biến bất thường. (Ảnh: NCHMF)
Bão số 7 gây mưa diện rộng và diễn biến bất thường. (Ảnh: NCHMF)

Cũng theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày mai (6/10), ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Cũng từ sáng 6/10, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.  Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Như vậy, từ ngày mai bão số 7 sẽ gây mưa diện rộng khác khắp các địa phương từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên, Chuyên gia khí tượng cảnh báo từ chiều 6/10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2. 
Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên.
 Trước những diễn biến phức tạp của bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa quyết định cử đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão. Trưa 10/5, tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những yếu tố nguy hiểm của cơn bão kèm mưa lớn và đường đi phức tạp.
Ban Chỉ đạo cần xác định vùng nguy hiểm trên biển từ Huế đến Khánh Hoà. Các tỉnh căn cứ vào diễn biến mới của bão để quyết định phương án ứng phó phù hợp, cấm biển và kiên quyết yêu cầu các phương tiện trong vùng nguy hiểm di chuyển tránh, trú bão.Các địa phương tiếp tục tổ chức, rà soát công tác sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, tuỳ vào tình hình cụ thể, quyết định thời điểm di dời dân cư đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình trạng mưa lớn gây úng ngập, lũ quét, lở đất và gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, các hồ chứa. Các nhà máy thuỷ điện, các khu vực có địa hình dốc như Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… cần tập trung vào các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Phó Thủ tướng cử một Đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão. Riêng tại Thuỷ điện Sông Tranh 2, một Đoàn công tác khác làm nhiệm vụ trực tại hiện trường để ứng phó, đánh giá về tình trạng công trình trước các hiện tượng thiên nhiên, bão lũ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại cuộc họp ngày 3/10, việc rà soát hồ chứa, đê điều đã được các địa phương khẩn trương tiến hành, việc xả nước các hồ được tiến hành phù hợp, công tác chuẩn bị 4 tại chỗ tại các khu dân cư xung yếu cũng đã được thực hiện.
Nguồn Dân Trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây