Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Bí ẩn những lời tiên tri của Khổng Minh

Minh họa

Minh họa

Trong văn hóa Trung Hoa, Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh là hóa thân của trí tuệ quân sự, chính trị. Những lời sấm truyền, thuật tử vi, tiên tri của ông để lại cho tới nay vẫn chưa được giải mã hết.

Tuyệt thế kỳ tài

Theo “Thục chí”, tài liệu được cho là chính xác nhất về Khổng Minh thì ông vốn là người Lang Nha, Dương Độ (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Lá số của ông là một trong 1.000 lá số của những người có ảnh hưởng lớn nhất cổ kim, được in trong cuốn Tử vi đẩu số toàn thư Trung Quốc. Theo lý giải tử vi, Khổng Minh là người tuyệt thế kỳ tài, thiên hạ vô song.

Từ nhỏ, Khổng Minh tỏ ra cực kỳ hiếu học, đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Dịch lý (hay còn gọi là Kinh Dịch) được ông nghiên cứu khá nhiều, sau đó kết hợp với Chu Dịch của Chu Văn Vương đời nhà Chu để sáng tạo ra Gia Cát thần toán - sách về xem bói vẫn còn bán chạy cho tới ngày nay ở Trung Quốc.

Những chuyện Khổng Minh xem bói, đoán trước tương lai được kể khá nhiều trong dã sử và chính sử. Chuyện nổi tiếng nhất là việc ông khiến Lưu Bá Ôn - danh tướng văn võ song toàn thời nhà Minh phải phục sát đất, dù Lưu sinh sau Khổng Minh tới hơn 500 năm.

Trong phiên bản được nhiều người ưa thích nhất, Lưu Bá Ôn có lần thân chinh dẫn tướng sĩ vượt núi băng rừng truy kích quân địch, không may ngã vào một hang núi. Lần mò trong hang, Lưu gặp tấm bia đá khắc 14 chữ: Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn. Dưới bia khắc dòng chữ nhỏ: Gia Cát Lượng thủ bút.

Hàng chữ kia có hàm ý: Gia Cát Lượng xứng đáng là quân sư của mọi thời đại, nhưng làm tướng thống nhất sơn hà thì có Lưu Bá Ôn. Sau tấm bia còn vẽ đường rời khỏi hang núi, nhờ đó Lưu Bá Ôn thoát khỏi cảnh chết đói chốn hoang vu. Sau này, Lưu Bá Ôn giúp Minh thái tổ Chu Nguyên Chương đoạt được thiên hạ. 

 

Tranh và tượng Khổng Minh ở Trung Quốc

Trong Gia Cát Lượng dã sử, trước khi bậc tuyệt thế kỳ tài qua đời, ông để lại một túi gấm và dặn con cháu bảy đời sau khi gặp nguy khốn hãy mở ra. Gia Cát Linh là cháu đời thứ bảy của Gia Cát Lượng. Gia Cát Linh lỡ tay đánh chết người, bị kiện tới huyện nha. Bấy giờ Gia Cát Linh sực nhớ tới chiếc túi gấm do tổ tiên truyền lại, ông bèn lấy chiếc túi giao cho quan huyện. Quan huyện mở ra xem, thấy miệng túi có miếng lụa thêu chữ: "Xuống bệ ba bước hãy xem!".

Quan huyện hơi nghi ngờ nhưng cũng bước xuống bệ đường ba bước. Bỗng "rầm" một tiếng, chiếc xà trên nóc nhà đã rơi xuống đập nát bàn ghế nơi quan ngồi. Tiếp đó, ông mở túi gấm ra xem, thấy đáy túi còn miếng lụa có hai câu: "Ta cứu người cái họa sập nhà, ngươi giúp ta thằng cháu bảy đời”. Quan huyện hỏi kỹ lại sự tình, Gia Cát Linh đúng là cháu bảy đời của Gia Cát Lượng. Nhờ đó, Gia Cát Linh thoát chết.

Trước ngựa gieo quẻ

Một thuật xem tử vi khác của Khổng Minh là Mã Tiền Khóa (Trước ngựa gieo quẻ), tương truyền Gia Cát Khổng Minh vào lúc nhàn hạ trong quân ngũ đã sáng tác ra. Đây là bài tiên tri dự đoán những đại sự trong thiên hạ, tổng cộng có 14 khóa.

Mã Tiền Khóa ngắn gọn súc tích lạ thường, chỉ có 14 khóa (bài thơ), mỗi khóa dự đoán một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta xem lại mới thấy Khổng Minh tiên tri chính xác. Đương nhiên, những người phản đối cho rằng, đó chỉ là cách suy diễn của đời sau, khi sự đã rồi. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tiên tri lại đưa ra biện giải riêng.

Trong khóa thứ 10, Khổng Minh được cho là biết chính xác năm thành lập Trung Hoa dân quốc. Khóa viết:

Thỉ hậu ngưu tiền

Thiên nhân nhất khẩu

Ngũ nhị đảo trí

Bằng lai vô cữu

Tạm dịch:

Lợn sau trâu trước

Nghìn người một miệng

Năm hai đảo ngược

Bạn đến không trách

Năm 1911, người của Đồng Minh Hội Cách Mạng Đảng tại các nơi phát động khởi nghĩa vũ trang, triều Thanh lung lay sắp đổ. Ngày 1/1/1912, Chính phủ Cộng hòa thành lập tại Nam Kinh, Tôn Trung Sơn nhậm chức Tổng thống lâm thời. Ngày 13/2/1912, hoàng đế nhà Thanh chính thức thoái vị, vương triều Đại Thanh kết thúc.

 

Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh (181–234), ngoại hiệu Ngọa Long tiên sinh, là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán. Trong quân sự, ông đã tạo ra các chiến thuật như: Bát trận đồ (Trận đồ có 8 cửa, biến ảo vô cùng), Liên nỏ (nỏ có thể bắn nhiều mũi tên một lúc), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa gỗ biết tự di chuyển). Tương truyền ông còn là người chế ra đèn trời (Khổng Minh đăng). (Theo Wikipedia)

“Thỉ hậu ngưu tiền” – “Lợn sau trâu trước” chính là chỉ sự kiện này: Năm 1911 là năm Tân Hợi, cũng là năm con lợn, “thỉ” chỉ “lợn”; năm 1913 là năm con trâu, do đó năm 1912 Hoàng đế nhà Thanh thoái vị và Chính phủ Cộng hòa thành lập, chính là năm “lợn sau trâu trước” (giữa năm lợn và năm trâu).

“Thiên nhân nhất khẩu” – “Nghìn người một miệng” là câu chơi chữ, “Thiên, nhân, khẩu” ba chữ hợp lại thành chữ “hòa” trong “Cộng hòa”. “Ngũ nhị đảo trí” – “Năm hai đảo ngược”, “Ngũ” và “nhị” ở đây là thuật ngữ trong Kinh Dịch. Với một quẻ Lục Họa, tổng cộng có sáu hào, theo đó mà phân biệt gọi là “nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục”, trong đó hào số năm là tôn vị, đại biểu cho ngôi Vua, hào số hai là thần vị, trên ngôi Vua, dưới bề tôi, chính là trật tự bình thường. “Ngũ nhị đảo trí” chính là vua mất chức mà dân lên nắm quyền.

Câu cuối, “Bằng lai vô cữu” cho tới nay vẫn chưa được lý giải hoàn toàn. Những nhà tiên tri Trung Quốc lập luận rằng, “Bằng lai vô cữu” – “Bạn đến không trách” là chỉ trong thời gian Trung Hoa dân quốc mới thành lập, bị các nước coi thường, Nhật Bản xâm lược, nhưng cuối cùng không bị tổn thương.
Theo Báo Nông Nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây