Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Bộ Y tế cam kết chất lượng dịch vụ sẽ “tiền nào của đấy”

TS. Lương Ngọc Khuê

TS. Lương Ngọc Khuê

Để làm rõ những thông tin xung quanh dự án tăng 400 loại dịch vụ y tế trong thời gian qua đang gây nhiều quan ngại cho dư luận, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về vấn đề này.

Thưa ông, việc tăng đến 400 loại phí dịch vụ liệu có đảm bảo chất lượng phục vụ y tế sẽ tăng?

Tất nhiên là tăng phí thì phải tăng chất lượng dịch vụ, tiền nào của ấy. Bên cạnh đó, hiện nay giá cả đầu vào đã tăng nên chi phí cho mỗi dịch vụ cũng phải tăng lên, còn bệnh viện chỉ được đón nhận cung cấp nguồn tài chính hạn hẹp của Nhà nước thôi. Vì thế, chủ trương này của Bộ Y tế cũng chỉ là giúp cho người dân được hưởng dịch vụ cao, chất lượng cao, cơ bản là những người có BHYT được thanh toán.

TS. Lương Ngọc Khuê

Mức phí đưa ra có quá cao, trong khi những người không đóng BHYT đang phải chịu thiệt?

Phải đưa cái này ra để người khác cũng phải tích cực tham gia bảo hiểm, khi tham gia họ sẽ thấy quyền lợi được hưởng. Ban nghiên cứu của Bộ Y tế cũng đã đi thẩm tra, khảo sát nhiều bệnh viện rồi, dựa trên cơ sở thực tế người ta mới đưa ra mức đó. Chỉ có một số bệnh viện, đơn vị khám chữa bệnh khó khăn về tài chính, không có nguồn thu, lượng bệnh nhân đến ít, sẽ không có nguồn tái đầu tư thì mới khó khăn.

Có ý kiến hỏi đây có phải đòn mạnh đánh vào nạn phong bì trong các bệnh viện hiện nay, xin nói thẳng là không phải. Nó không đủ sức mạnh làm được việc ấy. Ở đây chỉ có thể giải quyết vấn đề về mặt kinh tế cho bệnh viện thêm nguồn thu để tái đầu tư, người dân tham gia bảo hiểm được hưởng dịch vụ cao, không phải chi trả nhiều.

Việc tăng phí 400 dịch vụ cùng lúc liệu có quá đột ngột, nên chăng cần một lộ trình cho phù hợp?

400 dịch vụ so với hơn 1.000 dịch vụ hiện nay thì có đáng bao nhiêu. Các bệnh viện đã xây dựng lộ trình từ trước, việc thu phí này cũng là dựa trên những tính toán chi ly đầu vào, đầu ra, thậm chí còn những cái thiếu hụt. Phải nói thế này, về trình độ các bác sĩ của ta được đánh giá là ngang tầm, chỉ có thiếu phương tiện, trang thiết bị y tế. Nhiều bác sĩ của mình được cử đi học về đủ sức xử lý những trường hợp bệnh nhân phức tạp. Trong khi đó, mức phí chúng ta vẫn còn thấp, bằng 1/10 của các nước trong khu vực, ví dụ như Singapore. Điều đó, chứng tỏ Nhà nước lâu nay vẫn còn gánh, còn bao cấp chứ không hoàn toàn người dân chịu cả.  

Đây là vấn đề đụng chạm trực tiếp đến cuộc sống mà cụ thể là túi tiền người dân. Vậy dự thảo này,  Bộ Y tế có tham khảo ý kiến người dân hay không?

Theo tôi, nếu lấy ý kiến người dân để đồng thuận thì cũng khó, vì người dân chưa hiểu hết được, nên sự tán đồng sẽ không cao. Bộ Y tế và các cơ quan thông tin cần phải tăng cường thông tin đến cho người dân để người ta hiểu được quyền lợi của họ.

Vậy Bộ Y tế có dám cam kết với người dân, nếu tăng phí dịch vụ y tế thì chất lượng phục vụ sẽ đảm bảo?

Tất nhiên phải cam kết chứ, việc này chỉ có lợi cho dân thôi, nếu không có lợi cho dân thì đưa ra để làm gì. Cũng có ý kiến lo sợ khi đưa ra, các bệnh viện không tán thành với mức giá quy định. Nhưng điều ấy không đáng lo vì trong các cuộc hội thảo của ngành cũng đã làm rồi, bằng việc trưng cầu ý kiến các bệnh viện.  
(Nguoiduatin.vn)                                              

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây