CÂY CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN TRỒNG NĂM NÀO?
- Chủ nhật - 03/02/2013 21:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh Minh Họa
Cho đến nay, chưa ai biết chính xác cây cà phê đầu tiên được trồng ở Việt Nam cũng như Buôn Ma Thuột vào năm nào. Ban đầu, cà phê được trồng trong khuôn viên nhà thờ ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vài chục năm sau nó mới có mặt ở Buôn Ma Thuột khi thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa.
Ngay từ giai đoạn chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, nhiều nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp như Yersin, giám mục Cassaigne, linh mục Pierre Dourisboure đều nhận định ở đây rất thích hợp mở rộng các đồn điền cây công nghiệp.
Song do nhiều khó khăn, đến trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập tỉnh Đăk Lăk (1904), Buôn Ma Thuột mới chỉ có vài nông trại nhỏ trồng thử nghiệm cà phê chè (arabia).
Mãi đến năm 1912 - 1914, Công ty Cao nguyên Đông Dương (CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (CADA) mới đầu tư hơn 60.000 franc trồng 260ha cà phê dọc quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26, đoạn từ TP.Buôn Ma Thuột đến thị trấn Phước An). Đó là thời điểm cà phê được người Pháp chính thức trồng tập trung, quy mô lớn tại Buôn Ma Thuột.
Có tài liệu xác định sự có mặt của cà phê tại Việt Nam sớm nhất là năm 1850, các tài liệu khác cho rằng nó xuất hiện năm 1857, nhưng cũng có tài liệu nói rằng mãi đến năm 1870 mới có cây cà phê đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều nhận định thống nhất rằng thế hệ cà phê đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX.
Theo các nhà nghiên cứu, năng suất cà phê Buôn Ma Thuột thời kỳ này còn thấp, sản lượng chưa nhiều nhưng nhờ được trồng ở độ cao 400-500m nên được các nhà rang xay tại Pháp đánh giá chất lượng thơm ngon, đậm đà, tự nhiên hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở Bờ biển Ngà vốn đã nổi tiếng từ lâu.
Hơn 10 năm sau đó, có thêm 26 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập ở các vùng xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm hécta.
Trong "Địa chí tỉnh Đăk Lăk" ấn hành năm 1931, Fleur đã mô tả đồn điền cà phê CADA - Công ty Nông nghiệp An Nam như sau: "Công ty Nông nghiệp An Nam có một nhượng địa rộng 8.000 mẫu tây, khai thác được 1.800 mẫu, trồng cà phê 1.000 mẫu, chè xanh 800 mẫu nằm ở cây số 24 đến cây số 34 đường An Nam.
Công ty có những cơ xưởng lớn sửa chữa máy móc, nhà để xe, kho tàng, nhà ở của giám đốc, chủ đồn điền... tất cả đều rộng rãi, an toàn và có điện thắp sáng. Nơi ăn ở của công nhân bản xứ tập trung ở hai ngôi làng lớn là Ea Knuêk và Ea Yông (ngày nay là 2 xã thuộc huyện Krông Păk). Các đồn điền đều có triển vọng tốt đẹp, cây cà phê được trồng và chăm sóc tốt...".
Điều đó cho thấy đến năm 1931, các đồn điền cà phê của người Pháp ở Buôn Ma Thuột đã đạt đến sự phát triển thịnh vượng nhờ tiềm năng đất đai, khí hậu cũng như việc sử dụng nhân công giá rẻ.
Thách thức của người Pháp
Tuy nhiên, hành trình đưa cà phê lên Buôn Ma Thuột của người Pháp cũng gặp không ít gian nan, thách thức. Điển hình là bệnh gỉ sắt, có thời kỳ bùng phát dữ dội tại hầu hết các đồn điền, khiến các ông chủ Pháp điêu đứng vì năng suất giảm.
Từ cơ cấu 51% diện tích cà phê chè, các chủ đồn điền đã phải thay thế hầu hết bằng cà phê vối (robusta), cà phê chè chỉ còn chưa đầy 1% trong tổng số 2.130ha năm 1931. Còn cà phê robusta được chọn lọc qua nhiều thập kỷ, trở thành giống cà phê chủ lực ở Đăk Lăk bởi khả năng thích nghi, năng suất cao, chất lượng tốt của nó.
Đến trước năm 1975, Đăk Lăk có 8.600ha cà phê robusta cho sản lượng 11.000 tấn/năm. Ngoài các công ty nông nghiệp và đồn điền lớn, thời kỳ này ở Đăk Lăk đã xuất hiện 75 trang trại của hộ cá thể với diện tích khoảng 14%.
Ông Hồ Hoàng Yến, hiện ở 36 Ngô Gia Tự, TP.Buôn Ma Thuột, là một trong số chủ trang trại cá thể người Việt thời đó kể lại: "Sau hàng chục năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhờ làm phu cho điền chủ Pháp, năm 1953, cha tôi đã mở được một trang trại rộng 30ha để trồng cà phê.
Các chủ đồn điền của người Việt đều giàu có, nên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họ đã hiến phần lớn diện tích cà phê để thành lập các nông trường quốc doanh...".
Và cũng như cà phê chè trước đó, đến trước năm 1975, cà phê robusta Buôn Ma Thuột đã được người tiêu dùng trên thế giới ngưỡng mộ bởi hương vị tự nhiên, đậm đà, không gắt như cà phê rosbusta ở nhiều nước có truyền thống sản xuất mặt hàng này lâu đời. Điều này một lần nữa khẳng định, Buôn Ma Thuột là vùng đất phù hợp với cây cà phê vào bậc nhất thế giới.
Theo Đồng Nguyên