Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Chăm sóc cây trồng bằng phân bón lá

MINH PHÁT

MINH PHÁT

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay phân bón lá được nông dân sử dụng khá phổ biến nhất là ở các vùng chuyên canh rau màu, trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả và trên một số cây lương thực thực phẩm.

Phân bón lá có tác dụng kích thích sinh trưởng, tăng khả năng đâm chồi, đẻ nhánh, ra hoa, đậu quả, tăng năng suất chất lượng nông sản, kéo dài thời gian bảo quản…Nếu so với phân bón gốc thì phân bón lá có giá thành rẻ hơn rất nhiều, sản phẩm lại đa dạng về chủng loại, khi cần phun ở giai đoạn sinh trưởng nào của cây trồng cũng có thể mua được. Nhiều sản phẩm phân bón lá cách giới thiệu quảng bá trên nhãn mác bao bì rất dễ nhớ, dễ hiểu như “ Blago chuyên cho rau cu quả”; “Blago chuyên cho cây ăn trái"…tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân lựa chọn khi mua và sử dụng.


I. SƠ LƯỢC VỀ PHÂN BÓN LÁ
Phân bón góp phần tăng năng suất cây trồng đến 45%, phần còn lại là giống và các nhân tố khác. Trong những thập kỷ gần đây, công nghệ sản xuất phân bón ngày càng phát triển; việc bón phân qua lá được xem như một giải pháp hữu hiệu bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cây trồng để khắc phục tình trạng thiếu chất dinh dưỡng do những biến đổi điều kiện sinh thái môi trường, để thỏa mãn nhu cầu sinh lý dinh dưỡng cao trong những giai đoạn sinh trưởng phát triển đặc biệt của cây trồng, những cây trồng mới yêu cầu có trình độ thâm canh cao, những kiểu canh tác mới tiến bộ.


Bón phân qua lá là một giải pháp chiến lược an toàn dinh dưỡng cây trồng. Diện tích lá bằng 15 – 20 lần diện tích đất mà rễ cây ăn tới, do đó dinh dưỡng mà cây trồng nhận được qua lá nhanh và triệt để hơn. Tốc độ hút thu và vận chuyển chất dinh dưỡng qua lá cũng nhanh hơn gấp 30 lần hút thu từ rễ lên.
Việc sử dụng phân bón lá giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi, giúp cây mau chóng phục hồi đồng thời cho hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất cao hơn bón vào đất. Tuy nhiên, phân bón qua lá không thể thay thế hoàn thoàn việc bón phân qua rễ. Phân bón lá như thuốc bổ cho cây. Tuy vậy, bón phân qua lá cũng chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất. Giống như đối với người, ăn được là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và đáp ứng kịp lúc khi cần thiết.


II. LÝ DO ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP BÓN PHÂN QUA LÁ
1. Những yếu tố giới hạn khả năng hấp thu ở bộ rễ và chuyển vận bên trong cây
Hiện tượng thiếu dinh dưỡng xảy ra khi khả năng hấp thu của bộ rễ bị giới hạn hoặc bị ngăn cản, do đó dinh dưỡng không đủ để cung cấp cho nhu cầu của cây. Nguyên nhân bao gồm: 
  • Rễ bị tổn thương: Do bị bệnh hoặc tổn thương cơ học. 
  • Những điều kiện của đất không thích hợp cho bộ rễ hấp thu dinh dưỡng.
    • Chất  dinh dưỡng bị cố định do các vi sinh vật hoặc do môi trường đất và các chất hữu cơ. 
    • Sự nhiễm mặn làm giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây. 
    • Nhiệt độ thấp quanh vùng rễ làm giảm khả năng hút nước và chất dinh dưỡng của rễ. 
    • Thiếu oxy (đất quá ướt). 
    • Thiếu nước. 
  • Nhu cầu dinh dưỡng ở đỉnh cao: Trong suốt thời kỳ nuôi trái, nhu cầu dinh dưỡng vượt quá khả năng cung cấp mặc dù đất trồng rất màu mỡ.
  •  Khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phối trí dinh dưỡng bên trong cây. 
    • Khi nhu cầu tập trung chất dinh dưỡng cao ở một bộ phận chuyên biệt (K trong trái) và khả năng vận chuyển hạn chế đối với một số nguyên tố nào đó (như Ca và B chẳng hạn). Khả năng vận chuyển nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá. 
Khi sự hấp thụ dinh dưỡng qua bộ rễ và sự vận chuyển chất dinh dưỡng trong cây không thể thực hiện hoặc bị hạn chế, phương pháp bón phân qua lá là một giải pháp hữu hiệu.


2. Những lý do chính cho việc áp dụng phân bón qua lá
  • Hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng: phân bón lá có thể nhanh chóng hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng vì phân bón được phun ngay vào chỗ đang thiếu. Ví dụ: hiện tượng thiếu sắt có thể xảy ra khi cây trồng trên nền đất sét (độ pH cao), phun hợp chất Fe-chelate (Fe-EDTA) để giải quyết vấn đề này. 
  • Ngăn ngừa hiện tượng thiếu dinh dưỡng: Khi phân bón xuống đất không phát huy được hiệu quả đối với một vài nguyên tố nào đó, ví dụ Mn trong vùng đất có độ pH cao, áp dụng phân bón lá chứa Mn có thể ngăn ngừa được hiện tượng thiếu Mn. 
  • Bổ sung cho phương pháp bón phân qua rễ: Phân bón lá giúp duy trì sự phát triển và mạnh khỏe của cây trồng và làm gia tăng chất lượng của nông sản vì có thể áp dụng đúng lúc và đúng nơi, hoàn toàn độc lập với các điều kiện về đất đai và nhất là khả năng tác động nhanh của nó. 

III. NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG PHÂN BÓN LÁ
 Bộ lá và các bộ phận khác trên mặt đất, kể cả vỏ cây cũng có thể hấp thu trực tiếp các dưỡng chất. Ở trên lá có rất nhiều lỗ nhỏ (khí khổng), lá hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu qua khí khổng.
Để việc hấp thu dinh dưỡng qua lá có hiệu quả, ta cần phải tuân theo các nguyên tắc sau: 
a)   Nồng độ chất phun phải cao hơn nồng độ có sẵn trong lá. Tuy nhiên, nếu nồng độ phun quá cao sẽ gây cháy lá, thậm chí cây bị ngộ độc và chết, nếu bón nồng độ thấp thì hiệu lực không rõ. Do đó, khi sử dụng phân bón lá phải ở những nồng độ thích hợp (theo hướng dẫn in trên bao bì). Nên phun nhiều lần trong một vụ để tăng hiệu quả. 
b)   Cây hấp thụ phân bón lá qua khí khổng. Nên phun lên bề mặt lá có nhiều khí khổng nhất: 
-      Ở các cây một lá mầm (lúa, ngô, cà chua, khoai tây...): mặt trên lá mật độ khí khổng cao hơn mặt dưới lá.
-      Những cây thân gỗ, đa số lỗ khí khổng đều được ở mặt dưới lá. 

c)   Phun đúng thời điểm. Nên phun khi nhiệt độ từ 10-30oC, không phun vào lúc trời nắng to, nhiệt độ cao, gió khô. Thời điểm thích hợp để phun phân là vào lúc trời râm mát như khi chiều tối hoặc sáng sớm (vào lúc trời sẩm tối, hệ thống khí khổng ở bề mặt lá mở to hơn). Thời gian phun: 9-10h sáng và 2-3h chiều về mùa đông; 7-8 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều về mùa hè. 
d)   Phân bón lá chỉ phát huy tác dụng khi cung cấp đủ nước qua rễ.
e)   Tránh phun trước và sau khi mưa:
-      Trước khi mưa: dung dịch sẽ bị rửa trôi, hiệu quả kém hoặc không có hiệu quả.
-      Sau khi mưa: khả năng hấp thụ dung dịch kém do cây đã no nước.
f)     Các loại phân bón lá khác nhau có tác dụng với các loại cây khác nhau ở các giai đoạn khác nhau, vì vậy cần phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất, phun đúng thời điểm cây cần. 

g)   Có thể pha chế phẩm với thuốc trừ sâu bệnh để tiết kiệm công phun khi phát hiện cây có sâu bệnh (chỉ pha lẫn vào nhau ở nồng độ loãng). 
h)   Bề mặt lá phải nguyên vẹn khi sử dụng phân bón lá, vì lá rất dễ tổn thương cơ học do gió lớn hoặc khi dùng bình bơm máy, đặc biệt ở chóp và mép lá dễ bị tổn thương nhiều hơn.
Lưu ý:     Không phun lên hoa đang nở.

Tác giả bài viết: MP tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây