Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Chìa khóa đưa nông sản Việt Nam ra thế giới: Quy trình VietGAP

Minh họa

Minh họa

Bài 1: VietGAP là gì, ai hưởng lợi? Mặc dù nước ta có nhiều thế mạnh về xuất khẩu nông sản nhưng do thói quen sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên lợi thế này bị lãng phí. Từ thực tế một vài mô hình áp dụng quy trình VietGAP cho thấy, khi làm theo cách mới, nông dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn.

Lợi nhuận thuộc về nông dân

Ông Huỳnh Hồng Cẩm, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (thị xã Bến Tre - Bến Tre) không giấu được niềm vui vì vừa qua, bưởi của HTX không chỉ được xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa cũng không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Giá bưởi cũng cao hơn so với vụ trước, bưởi loại 1 (từ 1,4kg/quả trở lên) có giá 21.000 - 22.000 đồng/kg. “Đây là lần đầu kể từ khi thành lập HTX đến nay, xã viên bỏ ra một đồng nhưng thu về đến ba đồng”, ông Cẩm nói.

Cùng chung niềm vui này, ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (Bình Minh - Vĩnh Long) cho hay, trong khi bưởi đại trà giá rất thấp và khó bán thì bưởi của HTX vẫn xuất khẩu đều đều. Hiện bưởi Năm Roi Mỹ Hoà đã vươn tới các thị trường lớn như Anh, Pháp, Đức, Nga... Diện tích trồng bưởi của HTX hiện đạt 1.375ha, sản lượng khoảng 46.000 tấn/năm, riêng năm nay có tới 20 - 30% số đó dành cho xuất khẩu. Giá xuất khẩu bưởi Năm Roi loại 1 uỷ thác qua các công ty là 14.000 đồng/kg, giá giao cho các siêu thị 8.000 - 9.000 đồng/kg, tăng 30 - 40% so với vụ trước.

Tuy nhiên, không phải ai trồng bưởi cũng thắng lợi như HTX của ông Cẩm, ông Sang, bởi tại ĐBSCL hiện nay, có nhiều vườn bưởi quả lúc lỉu trên cành, chất đầy trong nhà, ngoài sân nhưng người mua thì thưa thớt, trả giá thấp (2.000 - 3.000 đồng/kg). Nguyên nhân là do những vườn bưởi này không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mẫu mã và chất lượng quả không đồng đều. Trong khi bưởi rụng thối gốc thì các doanh nghiệp lại tìm mỏi mắt mà không đủ hàng xuất khẩu. Theo thống kê, khu vực ĐBSCL có khoảng 13.000ha bưởi, sản lượng đạt trên 150.000 tấn/năm nhưng chỉ có 30% sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngay HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng chỉ có khả năng bao tiêu 24ha bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu GlobalGAP.
 

Sản xuất cam theo quy trình VietGAP tại tỉnh Vĩnh Long


Bà Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo VietGAP (chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt) cho biết, hạn chế của những loại trái cây xuất khẩu hiện nay là chưa có tiêu chuẩn đồng bộ được các nhà nhập khẩu công nhận. Trong khi đó, các nhà vườn lại chưa ý thức được ích lợi của việc xây dựng thương hiệu và sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên mặc dù có đủ sức cạnh tranh nhưng những sản phẩm này vẫn chưa thâm nhập được vào nhiều thị trường.

VietGAP, tương lai của nông nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường xuất -nhập khẩu nông sản thế giới đang được kiểm soát bởi hệ thống đại siêu thị, tập đoàn đa quốc gia với các tiêu chuẩn ngặt nghèo về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm bắt được những khó khăn trên, từ năm 2006, các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố bản quy trình GAP (Good Agricultural Practices: Thực hành nông nghiệp tốt) chung cho các nước thành viên. Năm 2008, Việt Nam cũng ra mắt tiêu chuẩn riêng của mình có tên viết tắt là VietGAP. Đây là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và các yếu tố liên quan như: môi trường, chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động...

Là người gắn bó gần 40 năm trong ngành nông nghiệp, đã từng làm việc tại Nhật Bản, Australia, tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Australia, hiện đã về nước, hợp tác nghiên cứu với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về rau quả, trái cây tươi nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn thấp, nguyên nhân chính là do chưa áp dụng 4 luật chơi cơ bản về số lượng, an toàn thực phẩm, chất lượng và giá caó. Trong 4 luật chơi này, cái khó nhất của nông nghiệp Việt Nam chính là thực hiện quy trình VietGAP. Thực tế, các nước trong WTO đều đặt ra những yêu cầu riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm như EU có EUREPGAP, Austrailia có FRESHCARE. Mục đích không chỉ đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mà còn là rào cản kỹ thuật mà các nước sử dụng để hạn chế một mặt hàng nhập khẩu nào đó. Vì vậy, quy trình VietGAP sẽ là “chìa khóa” thành công cho xuất khẩu nông sản.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông - thuỷ sản Việt Nam cho rằng, các nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học) phải sát cánh hơn nữa để thực hiện bằng được quy trình VietGAP, vì đây chính là yếu tố sống còn của nông - thuỷ sản Việt Nam khi hội nhập. Cùng chung quan điểm này, ông Joseph Ekwan, chuyên gia quốc tế về thực phẩm trong nông sản cho rằng, chương trình VietGAP phải tập trung vào an toàn thực phẩm và dựa vào mô hình ASEANGAP.

Hiện, đa phần nông dân nước ta dường như chưa hiểu rõ VietGAP là gì, họ cũng chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ trong việc áp dụng các quy trình của VietGAP. Bởi vậy, việc hình thành các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap vẫn là chặng đường gian nan.
 

VietGAP là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

VietGAP cho rau, quả tươi an toàn dựa trên cơ sở ASEAN GAP, EUREPGAP/GLOBALGAP và FRESHCARE, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam tham gia thị trường khu vực ASEAN và thế giới, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.


Vân Nhi

Bài 2: Chặng đường gian nan
 

 

Trồng bưởi theo quy trình VietGap

Bưởi vốn là cây xóa đói giảm nghèo của người dân thôn Phú Trí A, xã Phú Hữu (Châu Thành - Hậu Giang). Ứớc mơ đưa sản phẩm này vươn xa đã khiến họ quyết tâm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu bằng cách thực hiện hướng dẫn của Hội Làm vườn, trồng bưởi theo quy trình VietGAP.

Ông Cao Văn Triệu, Chủ nhiệm CLB Phú Trí A, xã Phú Hữu cho biết: “Sau 7 vụ các thành viên CLB trồng bưởi theo quy trình VietGAP, chất lượng trái cao hơn hẳn. Mới làm cũng có chút ngỡ ngàng, nhưng khi tiến hành thực hiện một số tiêu chí như sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, vệ sinh vườn... thì trồng bưởi theo quy trình Việt GAP cũng không khác nhiều so với tập quán truyền thống. Chỉ cần tích cực theo dõi, ghi chép để hạch toán chi phí trong cách thức bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, nhà vườn sẽ có thể nâng cao hiệu quả canh tác”.
 

Sản phẩm bưởi sản xuất theo
quy trình VietGAP luôn có giá
bán cao hơn bưởi đại trà.

Thực tế cho thấy, trái cây của tỉnh Hậu Giang khó cạnh tranh hơn so với một số tỉnh trong khu vực do chưa khẳng định được thương hiệu. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành Trần Quang Hành nhấn mạnh: “Muốn nhà vườn sống được thì nhất thiết phải thực hiện nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tạo thế cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên là việc thực hiện không thể hoàn thiện trong một mùa, mà phải có thời gian và quy trình nhất định”.

Mô hình sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai thực hiện tại CLB ấp Phú Trí A là để giúp người dân làm quen với hình thức sản xuất mới và từng bước nhân rộng ra toàn huyện. Ông Hành cho biết thêm: “Theo định hướng, không chỉ có bưởi mà một số loại cây ăn trái khác của huyện cũng được tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn này”. Hiện, Phòng Nông nghiệp và PTNT Châu Thành đã bắt đầu triển khai Đề án trồng chanh không hạt theo quy trình VietGAP.

Linh Đan

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây