Chôm chôm... bay
- Thứ bảy - 28/04/2012 21:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Tâm
ĐÀM PHÁN GIỮ KHÁCH HÀNG
Cách nay vài tháng, nghe tin chúng tôi về thăm tổ hợp tác Tiên Phú (ấp Tiên Hưng, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre), anh Nguyễn Hữu Tâm chạy xe máy ra tận đầu làng chào đón. Đi sâu vào các khu vườn chôm chôm VietGAP rộng mênh mông, anh chủ nhiệm tổ hợp tác mở đầu câu chuyện với chúng tôi về hành trình đầy gian khổ để đưa được trái chôm chôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
“Đến nay bà con trong tổ hợp tác đã chủ động được việc điều chỉnh mùa vụ chôm chôm, kể cả chất lượng độ ngọt của trái khiến "ông" Mỹ hết chê”, anh Tâm khoe. Theo quan sát của chúng tôi, các khu vườn SX chôm chôm VietGAP liền kề nhau như tạo thành một rừng chôm chôm ngút tầm mắt. Nhìn cây nào cũng to đều răm rắp đang ở độ cho trái sung mãn nhất, chúng tôi không khỏi mừng thầm cho thành quả ngọt ngào do chính các nông dân chân đất tự tay tạo nên.
Vườn chôm chôm VietGAP của tổ hợp tác Tiên Phú được Mỹ cấp mã vùng XK
Trước đây, anh Tâm vốn là giáo viên trường Tiểu học Tiên Thủy, thị trấn Châu Thành B và là thành viên của Hội Việt- Xô của nhà trường, do vậy anh cũng có điều kiện được học và “mài” vốn ngoại ngữ bằng cả hai thứ tiếng Anh-Nga.
Năm 1986, do hoàn cảnh gia đình và sức khỏe anh đành phải nghỉ dạy, cuộc sống bắt đầu gắn bó với nghiệp vườn. Sau một thời gian SX gặp cảnh được mùa, rớt giá, anh càng trăn trở muốn giúp các nhà vườn giải thoát vòng luẩn quẩn đầy may rủi này. Nghĩ là làm, anh quyết tâm đầu tư mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm thị trường; đồng thời vừa tích lũy kinh nghiệm nghề vườn, vừa tranh thủ học thêm ngoại ngữ.
Cứ mỗi khi có cơ hội anh Tâm không ngại tìm đến dự các hội nghị, hội chợ, lễ hội Festival… để tiếp xúc với các DN trong và ngoài nước. Thực tế có những vị khách quốc tế khi tiếp xúc với anh, được nghe giới thiệu về mô hình chôm chôm VietGAP nên họ rất “kết” và hứa sẽ về tận nơi thăm.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ “đàm phán” thành công với các đối tác Tây, nhiều lần anh đã phải bỏ tiền thuê hẳn một chiếc xe hơi đời mới, đóng vai là nông dân “chất lượng cao” lịch sự, giao tiếp được bằng ngoại ngữ khá trôi chảy khiến họ càng ấn tượng ngay trong lần đầu tiên gặp. “Mình đã có bằng “bi” (bằng B) Anh văn rồi đấy, giờ đi giao tiếp với các đoàn khách quốc tế cũng hổng sợ bị nói…ngọng hay “chém gió” mỏi tay nữa nhá”, anh hóm hỉnh.
Để có được kinh phí chi cho những việc này, anh phải động viên bà xã vì công việc chung và trách nhiệm với quê hương mà ráng vượt qua những khó khăn ban đầu. Thậm chí, mỗi khi có bạn bè, người thân đến thăm, anh cũng nhờ họ phân tích dùm cho bà xã hiểu hơn và tin tưởng về công việc mà anh đang âm thầm thực hiện.
Đúng thời điểm đó có một Việt kiều tên Ngoan (quê Tiền Giang), thông qua mạng internet biết đến tổ hợp tác Tiên Phú đang trồng chôm chôm và đã quyết định trở về nước để tìm hiểu. Ngay sau đó, anh Ngoan yêu cầu tổ hợp tác nhanh chóng thu gom hàng chôm chôm tươi để xuất thử sang thị trường Mỹ.
Mừng như vớ được vàng, anh về thông báo cho các hộ thu hoạch gấp chôm chôm để đưa lên TP HCM đóng hàng chiếu xạ xuất khẩu theo hợp đồng đã ký thỏa thuận. “Thật may mắn, trong thời gian học ngoại ngữ, tôi đã gặp được một người bạn cùng lớp tên Nguyễn Thành Phước (người huyện Mỏ Cày) đang làm cho một Cty Hàn Quốc về sơ chế trái dừa. Do hiểu được ý tưởng và công việc của tôi nên cũng rất ủng hộ và điều động công nhân lên giúp đóng hàng suốt mấy ngày đêm”, anh Tâm nói.
HỒI HỘP CHÔM CHÔM... BAY
Những ngày đầu tập trung "lực lượng" đóng chôm chôm xuất khẩu với những cảm xúc hồi hộp, căng thẳng khiến anh cũng như các tổ viên tổ hợp tác Tiên Phú không bao giờ quên. Anh Tâm cho biết, để có đủ số lượng chôm chôm tốt nhất theo yêu cầu hợp đồng, anh đã phải xuống từng hộ dân thu gom những trái tốt nhất, sau đó giám sát vận chuyển lên TP HCM để chiếu xạ. “Vì đây là lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ và còn là trách nhiệm quan trọng, uy tín của đất nước nên tôi không muốn để xảy ra sai sót ở bất cứ khâu nào”, anh nói.
Anh Tâm: "Chôm chôm Bến Tre đã đi nửa vòng trái đất rồi đấy"
Sau khi làm đầy đủ thủ tục như đối tác yêu cầu, anh Tâm cùng nhóm nhân công gần 30 người miệt mài chọn lựa từng trái chôm chôm chuẩn nhất, sạch nhất để đóng hàng. “Tất cả chúng tôi phải làm việc trong môi trường kho lạnh, dùng loại bàn chải mềm để chải từng con kiến, rệp, bụi bẩn bám trên vỏ trái cho thật sạch rồi mới cho đóng hộp. Có ngày phải tăng ca làm từ 6 giờ tối đến sáng cho kịp chuyến bay. Tuy vất vả nhưng rất vui vì hy vọng lô hàng chôm chôm đầu tiên này sẽ hài lòng đối tác mở ra triển vọng cho trái chôm chôm miệt vườn”, anh Tâm chia sẻ.
Sau khi chuyển hàng lên sân bay giao cho đối tác xong anh Tâm cùng mọi người lại vội vàng quay về nhà và hồi hộp ngóng chờ kết quả phản hồi từ phía Mỹ. Anh kể: “Khi đang chạy xe trên đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, chưa kịp về đến nhà thì tôi đã nghe bà xã đang còn trực ở bệnh viện “alô” báo tin chúc mừng: “Em thấy đăng hình và thông tin trên báo về lô hàng chôm chôm đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ rồi”.
Mặc dù trong lòng rất vui, nhưng mọi người vẫn lo lắng vì lô hàng chôm chôm này vẫn đang trên đường bay chưa tới Mỹ. Về đến nhà, mọi người cùng thức trắng đêm rồi tiếp tục đến cả ngày hôm sau, chờ đợi tổng cộng khoảng 20 tiếng đồng hồ thì nhận được tin anh Ngoan báo về qua mạng: “Chuyến bay đã hạ cánh tới Mỹ và cơ quan kiểm dịch nước này vừa kiểm tra xong, họ chấp nhận chuyển cho đơn vị phân phối rồi”.
Lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. “Cảm giác của chúng tôi vui sướng đến trào nước mắt, mọi người cùng ôm nhau hò reo chúc mừng. Chúng tôi thật sự tự hào hơn bao giờ hết vì đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, trái chôm chôm của Việt Nam không những thắng về thị trường mà còn thể hiện mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Mỹ”.
Nói về sự kiện trọng đại này, ông Trần Văn Dụ - chủ 1 ha chôm chôm ở ấp Tiên Phú 1 (xã Tiên Long), tổ viên tổ hợp tác Tiên Phú hồ hởi: “Với giá bán 2 USD/kg như hợp đồng của đối tác thì không lâu nữa, nhà vườn trồng cây chôm chôm chúng tôi sẽ giàu lên nhanh thôi”.
Để có được thành quả “phi thường” này, một trong những bí quyết là nông dân có trong tay kỹ thuật xử lý vườn chôm chôm phù hợp nhất với mùa vụ xuất khẩu. Theo anh Tâm, đó là việc bà con nhà vườn dùng miếng mủ nilon (áo mưa) bọc xung quanh các gốc cây chôm chôm để “tạo ra mùa khô hạn giả” nhằm “xiết nước” cho cây (ra bông nhiều hơn). Sau đó sẽ bồi tiếp phân bón qua lá để kích thích cây ra bông khỏe, đều. Đây là một trong những khâu kỹ thuật khá quan trọng trong việc xử lý vườn chôm chôm trái vụ.
Hiện kỹ thuật này ở nhiều nước trồng chôm chôm như Thái Lan, Indonesia, Mexico, Philipinnes… chưa làm được nên chôm chôm của VN trở thành "hàng độc" mỗi khi các nước hết vụ. Anh Tâm bật mí, kỹ thuật này do anh học được ở các địa phương khác áp dụng trên cây sầu riêng cứ mùa nắng thì làm mưa, đến mùa mưa lại tạo nắng (khô hạn) như vậy sẽ điều chỉnh được mùa vụ, chất lượng trái dễ dàng và chủ động.
Được biết tổ hợp tác sản xuất trái chôm chôm Tiên Phú được thành lập từ tháng 11/2009 với 24 tổ viên tham gia trồng 43 ha trên địa bàn 3 xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy. Cứ vào ngày mùng 4 dương lịch hàng tháng, tổ hợp tác lại họp định kỳ một lần để nghe phổ biến thông tin thị trường và trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm...
Hầu hết các tổ viên đều hưởng ứng tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, thực hiện nghiêm ngặt 4 tiêu chí: Đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, vùng nguyên liệu trái chôm chôm của tổ hợp tác Tiên Phú đã được tổ chức kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đồng ý cấp trước mã số để cho phép xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ.
Theo Báo Nông Nghiệp