Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Công Ty Minh Phát giao Lưu quan họ chủ đề về Nông Nghiệp

MINH PHÁT

MINH PHÁT

Những thành tố của không gian hoạt văn hóa quan họ thể hiện ở hình thức sinh hoạt, diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian. Người vùng Kinh Bắc, từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Người chơi Quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ.

Người Kinh Bắc hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp... Mỗi khi lễ hội mùa xuân, các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người Quan họ và khách thập phương ngân lên trong không gian văn hoá Quan họ. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa. Cũng vì lẽ đó, sinh hoạt Quan họ thường gắn liền với những sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hưởng tới cái đẹp. Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang nhiều nét độc đáo, được chia thành những loại sau:

+ Dân ca Quan họ Bắc Ninh truyền thống:
       Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, có tất cả 49 làng duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ (44 làng ở Bắc Ninh, 5 làng ở Bắc Giang) với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong Quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ… "Chơi Quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức “cái tình” của bạn hát.

+ Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới:
       Dân ca Quan họ Bắc Ninh mới còn được gọi là "hát Quan họ" là hình thức biểu diễn (hát) Quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, như: Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch...Từ sau năm 1954, dân ca Quan họ được khai thác làn điệu, đặt lời mới thành ra ca cảnh diễn trên sâu khấu. Thực tế, dân ca Quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Dân ca Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Dân ca Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra nhiều nơi, đến với thính giả trong nước và các quốc gia trên trên thế giới. Dân ca Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn Quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... 

+ Các bài bản dân ca Quan họ Bắc Ninh truyền thống:
       Dân ca Quan họ Bắc Ninh là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài Quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài Quan họ đã được ký âm.. Các bài Quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca Quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài Quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng Quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Cho đến nay không thể biết thật chính xác con số về làn điệu, cũng như lời ca Quan họ. Số lượng này luôn luôn biến đổi, khi tăng, khi giảm, bởi vì nhân dân không ngừng sáng tạo thêm những làn điệu và lời ca mới để ứng dụng trong những canh hát kéo dài thâu đêm suốt sáng (song song với quá trình gọt giũa, trau chuốt chúng về chất lượng nghệ thuật); mặt khác một số bài Quan họ kém chất lượng tất sẽ bị lu mờ dần qua thời gian thử thách, thậm chí có bài bị đào thải ngay sau khi vừa ra đời, vì ngay từ phút đầu nó đã không hề được sự hưởng ứng, sự công nhận của những "liền anh, liền chị" Quan họ. Số lượng âm điệu cơ bản (có nghĩa là không kể đến những dị bản) của dân ca Quan họ mà ngày nay chúng ta còn có thể khai thác (phụ thuộc phần lớn vào trí nhớ của nghệ nhân) là khoảng 174. Là nghệ thuật dân gian, dân ca Quan họ Bắc Ninh có đầy đủ tính truyền miệng và tính tập thể, tính truyền thống và tính sáng tạo, với sự tham gia chỉnh lý, cải biên của nhiều người, ở nhiều nơi, qua nhiều thế hệ trước sau, do đó mà nó có nhiều dị bản. Những dị bản trong dân ca Quan họ Bắc Ninh không phải chỉ có sự khác nhau về lời ca, về giai điệu âm nhạc, chúng còn có sự khác nhau về thang âm, về tiết tấu, về bố cục, về những thủ pháp sáng tạo.


       Cũng như mọi tác phẩm nghệ thuận dân gian, quá trình sáng tạo một bài dân ca Quan họ Bắc Ninh là một quá trình vô tận. Ðiều này không phải chỉ vì ý nghĩa nó không giới hạn số lượng người tham gia vào công việc sáng tạo, ý nghĩa này có biểu hiện ở chỗ mỗi tác phẩm dân gian thực tế tồn tại không phải chỉ qua một "bản gốc" có mang tên tác giả hẳn hoi, mà ở số lượng không hạn chế những dị bản. Bất kỳ lần biểu diễn nào cũng không thể coi là kết quả cuối cùng trong quá trình sáng tạo một bài dân ca Quan họ Bắc Ninh. Không nhất thiết rằng tác giả của mọi bài dân ca Quan họ Bắc Ninh đều là vô danh. Ðối với một số bài dân ca Quan họ Bắc Ninh được sáng tác vào giai đoạn cuối (giáp năm 1945), người ta còn biết đến tên tác giả rõ ràng. Chẳng hạn, đó là nghệ nhân Tư La cùng nghệ nhân Cả Vịnh ở Thị Cầu đã sáng tác một loạt bài dân ca Quan họ Bắc Ninh như Con chim Thước, Chè mạn hảo, Ca đàn, Chia rẽ đôi nơi... Nhưng không vì những bài ca này có mang tên tác giả mà chúng mất đi tính chất sáng tác tập thể. Các nghệ nhân của từng vùng khi hát đã góp phần sáng tạo, cải biên của từng cá nhân mình khi diễn xướng những bài ca ấy trong nhiều đám hội hay nhiều canh hát Quan họ.

+ Các hình thức diễn xướng dân ca Quan họ Bắc Ninh:
a-Hát đối đáp: Nét đặc trưng của dân ca Quan họ Bắc Ninh gốc chính là ở hình thức hát đối đáp giữa một bên liền anh và một bên liền chị trong không gian văn hoá Quan họ. Không có diễn viên và khán giả như các loại hình nghệ thuật khác
b- Hát hội: Trong vùng Quan họ, một trong những hoạt động văn nghệ chủ yếu của hội làng là ca hát Quan họ giữa nhiều bọn Quan họ nam nữ. Từ ngày 4 tháng giêng âm lịch cho đến ngày 28 tháng hai âm lịch, liên tiếp các hội làng diễn ra trong vùng Quan họ. Nam nữ Quan họ cũng tấp nập mời nhau đi các hội làng "...để vui xuân, vui hội, gặp bàu, gặp bạn, ca đôi câu, đôi canh cầu may, cầu phúc". Suốt tháng 8 âm lịch hàng năm, các làng lại có lệ vào đám, ở hội đình, Quan họ lại có dịp mời nhau dự hội, ca hát ở Hội, có 2 hình thức ca hát.

b1- Hát vui:  Hội nào cũng có nhiều nhóm Quan họ kéo đến. Hội Lim, có những năm đông vui, hàng trăm nhóm Quan họ của cả vùng kéo về dự hội và ca hát cùng nhau. Trong đó, có những nhóm đã từng đi ca ở hội nhiều năm, nhưng cũng có nhiều nhóm Quan họ trai, gái, lần đầu tiên được các anh nhớn, chị nhớn Quan họ dẫn đi ca ở hội vừa để thành thạo, mạnh dạn hơn về ca hát, vừa để đi tìm nhóm bạn khác giới, khác làng để kết bạn. Cho nên hình thức "hát vui đôi câu để vui xuân, vui hội, vui bàu, vui bạn" là hình thức ca hát Quan họ chủ yếu ở hội. Có thể là đôi nhóm Quan họ nam nữ đã kết bạn hẹn nhau đến hội ca cùng nhau. Cũng có thể nhóm nam nữ đã kết bạn mời một nhóm nam nữ Quan họ khác cũng đã kết bạn, rồi nhóm nam của nhóm này hát với nhóm nữ của nhóm kia để "mở rộng đường đi lối lại, học đòi đôi lối, đôi câu".Cũng có thể nhóm anh nhớn, chị nhớn Quan họ dẫn nhóm em bé Quan họ của mình đi hội lần đầu để tìm nhóm em bé Quan họ của nhóm khác cho "các em gần bến gần thuyền ...theo đòi cho kịp anh, kịp em..." tạo dịp và bắc cầu cho các em bé ca hát cùng nhau. Cũng có thể có nhóm Quan họ nào đấy có một cặp anh Hai, anh Ba, hoặc cặp chị Tư, chị Sáu...nổi tiếng có giọng hát hay hoặc nổi tiếng có nhiều bài lạ, mới, thì, các nhóm Quan họ khác cũng "đánh đường" tìm đến, xin được ca hát đôi câu để "tai nghe giọng ca, mắt nhìn thấy mặt..." cho thoả nỗi ước mong.

       Tất cả những cuộc hát như vậy toả ra ở khắp đó đây trong hội, làm nên niềm vui và vẻ đẹp đặc trưng của hội ở vùng Quan họ. Người Quan họ gọi những cuộc hát như vậy là hát vui, ca vui; không phải theo những lề luật như hát thi, hát canh; chỉ cần tuân theo một số điều của lề lối truyền thống: hát đôi, đối đáp nam nữ. Trong hát đối vui ở hội cũng không phải đối giọng đối lời mà thường là nặng về đối ý, đối lời để sao cho khi ca lên người ta thấy được cái tình, cái ý hai bên gắn bó, hô ứng, giao hoà cùng nhau. Cũng không phải bắt đầu từ những câu giọng cổ mà có thể bắt đầu vào ngay giọng vặt, vào ngay một bài nào mà bên hát trước cảm thấy nói ngay được điều muốn nói, hoặc phô diễn được ngay sự thành thạo, khéo léo trong nghệ thuật ca hát của mình. Vì vậy, nghe hát ở hội thường dễ nhanh chóng nhận ra những bài hát hay, những giọng hát hay. Khi trời đã xế chiều, Quan họ sắp phải ra về, có nhiều nhóm quyến luyến cùng nhau, họ tiễn đưa nhau những quãng đường dài và thỉnh thoảng lại dừng lại ca những câu giã bạn đậm đà tình cảm gắn bó, man mác nỗi buồn chia tay, tạo nên những chiều rã hội rất riêng của hội vùng Quan họ, gây ấn tượng rất sâu, bền vững trong tâm hồn mỗi người.
b2- Hát thi:  Không phải hội làng nào trong vùng Quan họ cũng có hát thi hoặc hát giải. Cũng không phải ở một làng nào đấy cứ giữ lệ hàng năm đến hội là đều có hát giải. Tuỳ từng năm, ví dụ được mùa, làng mở hội to, dài ngày, Quan họ trong làng náo nức xin dân mời Quan họ các nơi về hát giải..., thì năm ấy, có thể có hát giải trong hội. Muốn mở hội hát giải ở một làng thì làng ấy phải chọn được nhóm quan họ ra giữ giải, để Quan họ các nơi về phá giải hay cũng gọi là giật giải. Ðôi khi cũng có làng gần vùng Quan họ, yêu mến Quan họ, nhưng trong làng không có Quan họ, mà, vì hội làng đó thường mở to, đông người, trong đó có nhiều nhóm Quan họ, về dự hội, thì, làng đó cũng có thể tổ chức hát thi Quan họ và chọn mời trong số những nhóm Quan họ xin giữ giải, lấy ra một nhóm giữ giải để nhóm Quan họ khác vào giật giải. Nhóm giữ giải cần phải:
  - Hát được thành thạo những bài hát Quan họ đã được lưu hành một cách rộng rãi trên vùng Quan họ cho đến thời điểm ấy. Con số bài bản này có thể tới trên 200 bài. Có như vậy mới mong người ta ca bài nào, mình đối ngay được bài đó.
- Sáng tác và ca được một vài bài mới sáng tác, gọi là bài độc, bí mật luyện trong nhóm, đến khi vào thi mới ca lên bài đó, hy vọng bên kia không có bài đối, để giành phần thắng điểm.
  - Có vốn âm nhạc và thơ ca vào bậc giỏi để hy vọng rằng nếu bên phía nhóm giật giải tung ra bài độc thì có thể nhanh chóng, sau 4, 5 phút đồng hồ (thời gian thông thường để hát xong một bài Quan họ), bắt được làn điệu mới ấy, ghép ngay vào một đoạn thơ nào đó đã thuộc, tạo nên bài ca đối lại và ca ngay được bài đó. Khả năng này thường hiếm, mỗi thế hệ Quan họ chỉ có được một vài đôi đạt tới.
       Trước ngày thi, làng mở giải phải niêm yết (còn gọi là bố cáo) lời mời các Quan họ về hội hát giải và thể lệ của hát giải ở trước cửa đình làng. Nhóm giữ giải và các nhóm sẽ đi giật giải cũng bắt đầu một đợt ôn luyện đều đặn, kiên nhẫn để hát thạo những bài hát khó, nhất là những bài hát mới được tung ra trong những hội làng trước đó để giữ chắc phần ít nhất là hoà. Từ khả năng ít nhất là hoà ấy, các Quan họ chỉ định người đặt câu (sáng tác lời thơ) và bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) để có được những bài độc để giành phần thắng. Thể lệ một cuộc hát giải của các làng có thể có những ưu điểm khác nhau về chi tiết, nhưng có những nét chung của thể lệ thi hát Quan họ ở hội. Trước hết là trình tự cuộc hát: mở đầu, mỗi bên hát một bài chúc theo giọng La rằng (cũng gọi là giọng sổng) để chúc dân làng. Sau đó, chuyển sang giọng lề lối (cũng gọi là giọng cổ) bắt buộc, để khảo xem người dự thi có đủ điều kiện ban đầu dự thi hay không. Khi khảo giọng lề lối bên giữ giải có thể hát trước để bên giật giải phải đối lại lần lượt đủ cả 5 bài bắt buộc: Hừ La, La rằng, Ðương bạn, Cây gạo, Cái hời Caí ả. Những bài này không tính điểm thi; nhưng nếu không đối được một bài, thì không được tiếp tục thi. Tiếp theo, bên giữ giải có quyền hát trước 5 bài, bất kể bài gì. Cứ sau mỗi bài bên giữ giải hát trước thì bên giật giải phải đối lại đúng cách: đối giọng, đối lời. Nếu đối đủ và đúng cách là xong và coi là hoà. Xong đủ mười lần hát như vậy, người Quan họ gọi là đủ năm trên năm dưới. Tiếp theo đó, người giật giải được quyền hát trước 5 bài và người giữ giải đến lượt phải lần lượt hát đối lại từng bài một. Nếu lại đối đủ và đúng thì hoà, nếu bên nào không đối được bài nào thì coi như là thua điểm. Cứ tiếp tục vòng năm trên năm dưới như thế, tuỳ theo hội mở dài hay ngắn. Nhưng nhìn chung, nhiều hội chỉ thi ba lượt năm trên năm dưới là đi vào phân định, thắng, thua. Nếu cộng với 2 lượt hát chúc và 10 lượt hát 5 bài lề lối thì một cuộc hát thi thường được 21 bài với 42 lượt hát trong khoảng thời gian trung bình 126 phút đến 168 phút đồng hồ, chưa kể thời gian ngừng hát vì những lý do quanh việc hát: gặp bài hát khó hoặc hát mới, khó đối, hoặc tranh luận nghệ thuật về hơn thua v.v... Ðôi khi cũng có những cuộc hát kéo dài cả 2,3 ngày hội, nhưng Quan họ đã thoả thuận cùng nhau: đối đáp những bài thường hát trong một vài ngày cho vui, sau đấy mới sang phần hát thi.
       Ðể phân định hơn, thua, định giải thi hát Quan họ phải có một ban cầm chịch. Ban cầm chịch do làng chọn ra gồm những bô lão am hiểu sau sắc về luật Quan họ, có đủ trình độ và uy tín để phân định hơn, thua, sai đúng trước dân và đông đảo Quan họ trong vùng. Có thể từ 3 đến 5 cụ, đứng đầu là người do quan đám - chức vị do dân cử để lo liệu mọi việc ngày vào đám - chỉ định. Hát thi hoặc hát giải Quan họ trong ngày hội thực sự đã đưa hoạt động ca hát vào một cuộc thực hành nghệ thuật lớn hàng năm trên cả các mặt : sáng tạo, diễn xướng, thưởng thức, học tập, phẩm bình...nghệ thuật, tiếp tục nâng cao trình độ lên một bước mới cuả tiến trình tồn tại và phát triển Quan họ.
c- Hát mừng: Xưa khánh thành nhà mới, con cái đỗ đạt bằng cấp, đã đẻ nhiều con gái rồi đẻ được con trai...đều có thể ăn mừng. Lên thọ tuổi 50, 60, 70, 80..., đỗ bằng cấp cao, thăng quan tiến chức ...thường mở tiệc khao. Trong các dịp ăn mừng và khao, ngoài việc làm những nghi lễ, mời họ hàng, dân làng...đến ăn mừng, thì trong vùng Quan họ bao giờ cũng có những canh hát Quan họ của nhiều nhóm Quan họ kéo dài có khi vài ngày đêm.  Trong những cuộc hát mừng này, Quan họ không phải tuân thủ lề lối nghiêm ngặt mà cốt sao có nam, có nữ, có đối đáp, hầu hết là ca những bài giọng Vặt có nội dung lời ca sâu nặng nghĩa tình, gắn bó keo sơn và không khí hát phải thật vui, nhiều tiếng cười, lời nói vui xen vào khi hát. Chủ và khách chan hoà trong niềm vui và hy vọng chân tình. Hát ở các đám cưới cũng vậy. Chỉ cần tránh những bài có nội dung, lời ca ai oán, trách móc, than thân than phận.
d- Hát lễ thờ: Khi các Quan họ rủ nhau đến hội làng để hát vui hoặc hát giải, thì mỗi nhóm Quan họ thường sắm sửa trầu, cau, hương, nến, hoa quả để vào đình làm lễ thánh và cũng là lễ trình dân. Các nhóm Quan họ thường rủ nhau có nam, có nữ cùng vào làm lễ. Khi các Quan họ xin vào đặt lễ thờ thì thường được các vị "nóc dân đầu xã, bô lão, bàn bạc..." trong làng có hội tiếp đón một cách trang trọng, nồng hậu, dù dưới thời phong kiến rất ngặt nghèo với việc có đàn bà, con gái trước bàn thờ Thành hoàng làng vào những dịp lễ trọng. Sau khi đặt lễ cúng thánh trong tiếng trống thờ uy nghiêm xong, các nhóm Quan họ thường ca một đôi bài theo giọng La rằng để chúc thánh, chúc dân người an, vật thịnh, phúc, lộc, thọ, khang ninh. Như vậy, Quan họ gọi là hát lễ thờ. Khi đã hát lễ thờ rồi các nhóm Quan họ dù hát vui ở hội, dù hát canh trong nhà, đều được dân làng quý trọng và bảo trợ.
e- Hát kết chạ: Các làng đã kết chạ anh chạ em cùng nhau, cũng có nơi gọi là kết ước, ăn giải thường coi nhau là người một nhà. Vào dịp có hội lễ, chạ anh chạ em thường mời nhau sang dự hội. Khi đi dự hội như vậy, ngoài các vị "nóc dân đầu xã" thì Quan họ hai làng cũng mời nhau sang ca vui ở hội hoặc ca những canh hát thâu đêm trong nhà. Nhưng trước mọi cuộc hát hội, trong cuộc tiếp chạ anh chạ em ở ngoài đình, ngoài việc tiến hành mọi nghi lễ đón tiếp, tế lễ thường có cuộc hát Quan họ giữa nam nữ hai chạ, trong đình, trước đông dân. Cuộc hát này thường gồm nhiều bài ca chúc tụng theo giọng La rằng, sau đó là đối đáp một số bài giọng Vặt mà Quan họ cho là hay, phải có giọng ca thật khéo mới "bắt" nổi. Một cuộc phô diễn khả năng, trình độ nghệ thuật ca hát kín đáo diễn ra giữa Quan họ 2 làng, không có phân định hơn thua nhưng không kém phần sôi nổi, hào hứng. Xong cuộc hát Quan họ kết chạ này, các nhóm Quan họ mới mời nhau toả đi hát tự do trong hội. Những điểm về lề lối ca hát Quan họ là những hiểu biết bắt buộc của người đi ca Quan họ. Người Quan họ xưa thường khen những người "biết đủ lối, ca đủ câu" hoặc nói: "xin được học đòi đủ lối, đủ câu". Cho nên, biết đủ lối, ca đủ câu, là thước đo trình độ của các liền anh, liền chị Quan họ. Sự phong phú nhiều vẻ cả về lề lối, nội dung ca hát Quan họ trong những mục đích khác nhau, hoàn cảnh khác nhau gắn bó với sự phong phú của nội dung, mục đích và bản chất của ca hát dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Tác giả bài viết: Minh Phát (Đồng Hành Cùng Nhà Nông)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây