Công nghiệp hỗ trợ chế tạo máy: Những thử thách lớn
- Thứ bảy - 01/09/2012 03:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Họa
Dây chuyền cung cấp một số chi tiết cho Honda Việt Nam tại Futu1
Kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á
Từ năm 1958, Malaysia đã vận dụng chính sách ưu đãi công nghiệp tiên phong cho những nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng thay thế nhập khẩu. Thập niên 1970, trọng tâm chính sách công nghiệp chuyển sang định hướng xuất khẩu dựa vào các nhà sản xuất hàng lắp ráp và chế biến. Những năm 1980, hoạt động sản xuất được bảo hộ mạnh mẽ bởi chương trình linh kiện, phụ kiện triển khai năm 1988. Trong tầm nhìn đến 2020, Chính phủ Malaysia có những thay đổi trong thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cụ thể hóa và mở rộng các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp, đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô.
Quy hoạch công nghiệp 2006-2020, Chính phủ Malaysia đã nhấn mạnh CNHT, coi chính sách CNHT là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, chương trình liên kết công nghiệp hỗ trợ, hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước đã tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực… Malaysia đã nỗ lực phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện và tăng cường liên kết công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với nhà cung cấp trong nước. Ngành CNHT Malaysia đã thu được kết quả tốt với 85 “doanh nghiệp mỏ neo” và 296 nhà cung cấp, đáng lưu ý là trên 54% số đó là của Malaysia.
Ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc VEAM |
Tương tự, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Yếu tố mang tính quyết định đến quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy CNHT ở Thái Lan thành công trong thu hút các nhà chế tạo nước ngoài.
Thái Lan thực hiện chính sách công nghiệp hóa dựa vào vốn FDI theo hướng tiếp cận mở, không nặng về biện pháp hành chính, không quá kỳ vọng vào chế tạo sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, mà chú trọng thu hút nhiều nhà chế tạo nước ngoài và khuyến khích doanh nghiệp trong nước kết hợp chặt chẽ với họ để tiếp thu kỹ năng và kiến thức.
Với mức tiêu thụ nội địa hàng năm trên 600 ngàn ôtô, xuất khẩu xấp xỉ 800 ngàn ôtô, Thái Lan là nước sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ hai thế giới về sản xuất và tiêu thụ xe bán tải. Riêng tỷ lệ nội địa hóa, Thái Lan đạt mức từ 80- 90% đối với xe bán tải và từ 30- 70% cho nhiều dòng xe du lịch. Cơ cấu công nghiệp ô tô cả nước đã được hình thành với 17 nhà lắp ráp ôtô, 9 doanh nghiệp xe máy là những cơ sở lớn liên doanh với nước ngoài…
Theo nhiều đánh giá, trình độ công nghiệp chung của Việt Nam hiện đang còn rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng Trung Quốc những năm 1980, Malaysia những năm 1970 hoặc tương đương với trình độ phát triển của Hàn Quốc trong thập niên 1960.
Trên thực tế, Việt Nam là nước nhập siêu lớn. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, khoảng 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu dành cho nguyên liệu đầu vào, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất trong nước.
Với ngành công nghiệp ôtô, với sự góp mặt của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, sau gần 2 thập niên hoạt động, đến nay tỷ lệ nội địa hóa mới đạt từ 5- 20%. Số lượng các nhà cung cấp chỉ là con số lẻ so với Thái lan. Những phụ tùng và linh kiện đơn giản được nội địa hóa là săm, lốp, dây điện, ghế ngồi, bàn đạp, chân ga, chân phanh và ăng ten cho radio trong xe. Hầu hết các bộ phận đều phải nhập khẩu, từ động cơ đến các vật liệu, chi tiết đơn giản khác như vải bạt, da, mút, ốc vít…
Rõ ràng, khi thị trường ôtô chưa đủ lớn, lại có quá nhiều nhà sản xuất và model khác nhau, nên việc phát triển sản xuất, cung cấp ôtô cho thị trường nội địa là không khả thi. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ hấp dẫn xu hướng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp có tính toàn cầu sang Việt Nam. Các chính sách hạn chế tiêu dùng đối với sản phẩm ôtô, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ thí trước bạ.... ở mức rất cao làm cho sức mua giảm sút, thị trường nội địa thu hẹp, gần như triệt tiêu mọi hy vọng phát triển công nghiệp ôtô trong tương lai gần.
Các khảo sát cho thấy, ở những quốc gia có thị trường nội địa đủ lớn thì mới có cơ hội phát triển công nghiệp ôtô cung cấp cho cả nội địa và xuất khẩu.
Công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ đứng trước thử thách nghiệt ngã khi Việt Nam thực hiện cam kết trong AFTA về lộ trình giảm thuế vào năm 2018. Nếu không có các đột phá về chính sách thì rất dễ hình dung “hình hài” của ngành công nghiệp ôtô như thế nào sau giai đoạn này.
Ngược lại với công nghiệp ôtô, công nghiệp xe máy có thể coi là một điển hình của phát triển CNHT. Hiện tại, hầu hết các dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 60%, đặc biệt có những dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao trên 90%. Yếu tố đầu tiên có tính quyết định để “công nghiệp hỗ trợ” có thể phát triển chính là thị trường. Khi thị trường lớn tới con số hàng triệu xe, thì việc hình thành các nhà cung cấp linh kiện là một nhu cầu tự thân, không cần phải áp đặt yêu cầu nội địa hóa, không cần đòi hỏi các chính sách hỗ trợ nào khác.
Tuy nhiên, một lỗ hổng rất lớn ở “chân móng” của ngành chế tạo máy và còn ảnh hưởng rất lâu đối với khả năng cạnh tranh của sản phẩm chính là khả năng cung cấp vật tư chế tạo tại chỗ. Các sản phẩm thép xây dựng được đầu tư sản xuất ồ ạt để đáp ứng một thị trường xây dựng đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, tương tự như công nghiệp ôtô, ngành thép chế tạo chưa hề có mặt tại Việt Nam khi không nhìn ra được hiệu quả của đầu tư…
Từ mô hình các nhà máy sản xuất khép kín các sản phẩm riêng của cơ chế quản lý trước đây, việc đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng khả năng cạnh tranh đã thúc đẩy sự phân công hợp tác cao trong Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM). Các đơn vị trong VEAM đã tự hình thành các chuỗi cung ứng đối với sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp, dựa trên thế mạnh truyền thống và xu hướng phát triển của mỗi đơn vị.
Đặc biệt, trong ngành xe máy, VEAM đang có 4 đơn vị sản xuất, cung cấp linh kiện cho Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam và Piaggio Việt Nam. Năm 2011, các đơn vị này đã cung cấp gần 100 triệu linh kiện các loại và doanh thu đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố quyết định thành công của VEAM là chính các doanh nghiệp tự vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Đầu tư công nghệ mới, thay đổi triệt để tư duy quản lý cũ, áp dụng các hệ thống và phương thức quản lý tiến tiến, đào tạo nguồn nhân lực là những hướng đi cụ thể quyết định thành công của nhiều doanh nghiệp khi trở thành nhà sản xuất vệ tinh của công nghiệp xe máy.
Công nghiệp xe máy có thể coi là một điển hình của phát triển CNHT. Hiện tại, hầu hết các dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 60%, đặc biệt có những dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao trên 90%. Yếu tố có tính quyết định để “công nghiệp hỗ trợ” có thể phát triển chính là thị trường. Khi thị trường lớn tới con số hàng triệu xe, thì việc hình thành các nhà cung cấp linh kiện là một nhu cầu tự thân, không cần phải áp đặt yêu cầu nội địa hóa, không cần đòi hỏi các chính sách hỗ trợ nào khác. |