Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Cục BVTV vào cuộc truy “bọ lạ”

Minh họa

Minh họa

Như NNVN đã đưa tin về tình trạng “bọ lạ” tấn công phá hoại rừng hồi ở Lạng Sơn, hôm qua (17/7), ông Ngô Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sau khi nhận được thông tin báo đăng, Cục BVTV đã chỉ đạo Phòng quản lí sinh vật hại rừng nhanh chóng phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn vào cuộc, tới các địa phương có hồi bị gây hại nhằm điều tra tình hình thực tế và nghiên cứu xác định cụ thể “bọ lạ” để có giải pháp phòng trừ.

Ông Khương Quang Việt – Trưởng phòng Quản lí sinh vật gây hại rừng cho biết, qua kiểm tra thực tế tại thời gian “bọ lạ” xuất hiện đầu năm 2012 cho thấy, mật độ bọ gây hại trên cây hồi có nơi dày đặc tới 2 nghìn con/cây. Tuy nhiên sau đó, do các rừng hồi bị loại bọ này gây hại đều ở trên núi cao nên việc tiếp cận kiểm tra lấy mẫu hết sức khó khăn. Vì vậy hiện tại, Cục BVTV vẫn chưa lấy được mẫu về loài bọ này để nghiên cứu cụ thể. 


“Bọ lạ” xuất hiện và phá hoại cây hồi từ đầu năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan BVTV nào thực hiện lấy mẫu nghiên cứu

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Cục BVTV, ông Việt khẳng định nội trong tuần này, sẽ trực tiếp phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn thực hiện lấy mẫu, đồng thời phối hợp với Viện BVTV để xác định “danh tính” cũng như đặc tính sinh học của “bọ lạ”.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Vượng – Phó Viện trưởng Viện BVTV nhận định: Qua hình ảnh và miêu tả do Báo NNVN cung cấp, nhiều khả năng “bọ lạ” hại cây hồi ở Lạng Sơn thuộc Bộ cánh cứng, họ ánh kim (Coleoptera; Chrysomelidae). Tuy nhiên, do Viện BVTV chưa có mẫu bọ ở giai đoạn trưởng thành nên chưa thể xác định được chính xác tên khoa học là gì.

Về biện pháp diệt trừ, bà Vượng cho rằng nếu mức độ gây hại thành dịch, có thể cần phải sử dụng thuốc hóa học nhóm nội hấp kết hợp với thuốc tiếp xúc và các chất bám dính mới có thể có hiệu quả diệt trừ. Trước mắt, phải lấy mẫu và nghiên cứu chính xác về tập tính sinh học của “bọ lạ” mới có thể đưa ra được giải pháp phòng ngừa thích hợp.

Theo Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn, để công bố dịch hại, cần phải có ít nhất 70% diện tích bị nhiễm sâu hại theo các mức độ khác nhau, trong đó ít nhất phải có trên 30% diện tích bị thiệt hại nặng. Vì vậy, theo đánh giá của đơn vị này, hiện tại mức độ gây hại của “bọ lạ” đối với diện tích hồi trên địa bàn tỉnh là “chưa đủ lớn và nghiêm trọng” nên chưa thể gọi là dịch.
Theo BNN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây