Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


DOANH NGHIỆP THUỘC NHÓM ƯU TIÊN KHÓ VAY VỐN VỚI TRẦN LÃI SUẤT 13%/NĂM

Minh Họa

Minh Họa

Việc áp trần lãi suất cho vay 13%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định theo Thông tư 20/2012/TT-NHNN, ngày 8-6-2012 như một cứu cánh cho các doanh nghiệp (DN) thuộc 4 nhóm ưu tiên trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên tại Dak Lak, để tiếp cận được vốn vay với lãi suất trên là điều không đơn giản...


Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng

Theo Thông tư 20 thì từ 11-6-2012, lãi suất ngân hàng cho vay ngắn hạn đối với đồng Việt Nam tối đa đối với DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ; DN nhỏ và vừa là 13%/năm. Đồng thời, các ngân hàng phải niêm yết công khai lãi suất cho vay với từng lĩnh vực cụ thể. Trong hơn 2 tháng qua, nhiều đơn vị, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã thực hiện nhiều bước tiến mới nhằm hạ dần lãi suất cho vay đến gần và đạt mức quy định. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều lãnh đạo DN thuộc nhóm ưu tiên trong tỉnh cho biết: cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay có mức lãi suất trên vẫn rất khó khăn, mức lãi vay mà DN đang phải gánh chịu phổ biến từ 16-19,5%/năm. Ông Nguyễn Thành Mượu, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê 715A (đóng tại xã Ea Riêng, huyện M’Drak) cho hay: ngay sau khi nhận được thông tin về Thông tư 20, ông đã liên hệ với chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tại huyện M’Drak, nhưng không được vay với lý do là DN còn tồn đọng khoản nợ xấu với họ, nếu tiếp tục cho vay thì khả năng trả nợ của DN đã khó lại càng khó hơn. Còn ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát (TP. Buôn Ma Thuột) lại cho rằng: việc NHNN ban hành Thông tư 20, quy định trần lãi suất cho vay là rất đáng mừng, nhưng nhiều DN vẫn chưa hết băn khoăn, nhất là DN đang chịu lãi suất của khoản vay cũ ở mức cao liệu có được các ngân hàng điều chỉnh giảm xuống 13%/năm (trần lãi suất quy định tại Thông tư 20) hay không? Cũng nằm trong nhóm DN được ưu tiên là kinh doanh cơ khí máy móc phục vụ nông nghiệp, nhưng ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH-DV Đắc Hải (Buôn Ma Thuột) lại tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của Thông tư 20, bởi DN khó có thể vay được vốn mới cũng như được giảm lãi vay xuống 13%/năm cho các khoản nợ cũ, vì hàng loạt lý do ngân hàng đưa ra như: tài sản thế chấp mất giá, sự chậm trễ của các chính sách tín dụng đến với DN, chưa kể các bước thủ tục cho vay, thẩm định tính hiệu quả dự án, tài sản thế chấp… của ngân hàng còn khá chậm, gây mất thời gian và khó khăn nhiều cho DN...

Ngân hàng bối rối

Việc áp trần lãi suất như đã nói trên đối với các ngân hàng trên địa bàn Dak Lak vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều vướng mắc. Ông Phạm Xuân Cam, Phó giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Dak Lak cho biết: việc áp trần lãi suất đối với các DN hiện nay vẫn chưa thể áp dụng đồng bộ, trong khi đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam về việc thực hiện áp trần lãi suất cho vay như trên. Tuy nhiên, để gánh bớt khó khăn cho các DN (nhóm được ưu tiên) trên địa bàn, đơn vị cũng đang giảm dần mức lãi suất cho vay đến mức có thể, bởi nếu đột ngột đưa mức lãi suất về tối đa 13%/năm như Thông tư 20 thì ngân hàng rất có nguy cơ thua lỗ. Cũng theo ông Cam, việc xem xét điều kiện cho vay, nhất là để dần đưa lãi suất về mức quy định lại càng cần phải chặt chẽ hơn, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đang ứ đọng, sức mua giảm, chi phí tăng, tồn kho nhiều, hàng hóa bán ra không được, khả năng trả nợ thấp thì không đủ điều kiện để tiếp tục vay. Ngoài ra, việc cụ thể hóa chính sách và những tiêu chí để giải quyết vấn đề thủ tục, địa chỉ được vay chưa nhanh và thiếu cụ thể, nên cũng hạn chế việc triển khai thực hiện Thông tư trên. Nếu ngân hàng mạnh dạn cho vay với mức lãi thấp, bất chấp một trong những điều kiện trên thì sẽ khó thu hồi nợ, bởi trên thực tế, mặc dù lãi suất huy động quy định trần là 9%/năm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng lãi suất huy động đối với một số khách hàng (có khoản tiền gửi lớn) lên đến 14%/năm, thậm chí 15%/năm thì không thể đưa mức lãi suất cho vay xuống thấp hơn hoặc ngang bằng được. Do vậy, bên cạnh quy định mới, NHNN cũng nên có những biện pháp mạnh tay để kiềm chế việc các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại “vượt rào” lãi suất cho vay cũng như huy động vốn.

Theo Lê Thành Báo Đak Lak

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây