Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Đắk Nông có nguy cơ bị mất trắng cà phê nhiều diện tích

Minh Hoạ

Minh Hoạ

Mới bước vào đầu mùa khô Tây Nguyên, nhưng các hồ đập thủy lợi ở Đắk Nông đã nằm dưới mực nước chết hoặc cạn trơ đáy. Người dân nơi đây bỏ hàng trăm triệu đồng tập trung múc ao, hồ, khoan giếng…
Vẫn không có nước nên gặp vô vàn khó khăn, nguy cơ mất mùa, thiệt hại vườn cây là không thể tránh khỏi.
Hàng chục máy bơm nằm chờ nước tại hồ Đác Ken, xã Đác Lao, huyện Đác Min.

Hàng chục máy bơm nằm chờ nước tại hồ Đác Ken, xã Đác Lao, huyện Đác Min.

Hạn nặng ngay từ đầu vụ

Trong những ngày ra quân đầu năm mới, chúng tôi tìm về các địa phương trọng điểm trồng cà-phê tỉnh Đắk Nông. Đối lập với không gian mùa Xuân, sắc xuân tươi thắm là những khuôn mặt buồn rầu, ai nấy đều tất bật chạy ngược xuôi để chống hạn cứu vườn cà-phê. Anh Đỗ Văn Quýnh, xã Đác N’Drung, huyện Đác Song cho biết: “Mặc dù vườn rẫy ở gần hồ thủy lợi nhưng năm nào cũng phải đối mặt với hạn hán gay gắt, nhất là trong ba năm gần đây, dẫn đến năng suất cà-phê giảm chỉ còn một nửa so với trước. Năm nay, ngày mùng 3 tết tôi đã ra quân tưới cà-phê nhưng do lượng mưa ít, hồ đập không đủ nước, người dân ai cũng tranh thủ tưới sớm nên nước trong hồ đã cạn kiệt. Hiện nay tưới đợt hai chưa được một nửa diện tích nhưng nước đã hết, chúng tôi đang chờ từng giọt nước mạch rỉ ra rồi chia nhau tưới được vài giờ đồng hồ lại hết sạch, nếu trời không mưa sớm vụ cà-phê này sẽ mất trắng”.
Huyện Cư Giút là địa phương có diện tích cây trồng bị hạn nguy cơ mất trắng và chết vườn cây lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Toàn huyện có bốn hồ thủy lợi thì đã có hai hồ cạn phơi đáy từ lâu, hai hồ còn lại đang nằm dưới mực nước chết. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư Giút, Hồ Sơn cho biết: “Khoảng 20 ngày tới nếu trời không mưa, hàng trăm héc-ta cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày của địa phương sẽ mất trắng, trong đó khoảng 255 ha cà-phê, tiêu tại hai xã Nam Dong và Tâm Thắng sẽ bị chết vườn cây, thiệt hại cho nhân dân là rất lớn. Huyện đã triển khai kịp thời nhiều biện pháp chống hạn, tiến hành kiểm tra và tổng hợp báo cáo tình hình lên tỉnh để có phương án chống hạn cho nhân dân. Đối với khu vực hồ thủy lợi còn nước sẽ tập trung bơm vượt tràn để chống hạn, còn các vùng không có khả năng bơm trung chuyển phải trông cậy hoàn toàn vào ông trời chứ không thể có cách nào khác”.

Tại vùng trọng điểm cà-phê huyện Đác Min, hơn một nửa số hồ thủy lợi đã nằm dưới mực nước chết, nhiều hồ đã cạn trơ đáy từ lâu. Hồ Đác Ken tại xã Đác Lao có dung tích khoảng 1,5 triệu m3, phục vụ nưới tưới cho gần 2.000 ha cà-phê, đến thời điểm này rất nhiều hộ dân chưa tưới xong đợt một hồ đã cạn khô. Tại thời điểm chúng tôi đi thực tế, dưới lòng hồ Đác Ken có hàng chục máy bơm điện ba pha đang nằm ngổn ngang, vòi hút rồng rắn chen nhau ra đến giữa lòng hồ, một vài người dân vẫn cố sức đào vét tạo mương mót những giọt nước cuối cùng để cứu cà-phê. Thức trắng nhiều đêm chờ nước, anh Đặng Văn Quế, xã Đác Lao bức xúc nói: “Do năm nay không thuê được nhân công nên thu hoạch xong cà-phê là cận Tết không tưới được, sau Tết tưới đợt một chỉ được một ngày thì hết nước, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nếu không bơm nước trung chuyển kịp thời thì vườn cây cũng chẳng cứu được chứ chưa nói đến năng suất hay sản lượng”.

Để kịp cứu vườn cà-phê khoảng 2 ha, anh Bang Văn Trà, xã Đác Lao đã khoan giếng hai lần với kinh phí gần 60 triệu đồng, nhưng giếng vẫn không có nước. Tiền mất tật mang, anh Trà lại phải đi mua nước với giá 200.000 đồng/một giờ bơm tưới, anh Trà cho biết: “Năm nay hạn hán đến sớm, vườn cà-phê của tôi đã chuyển sang vàng úa và rụng lá, chỉ mong sao có nước để cứu được vườn cây thôi, còn việc tính toán đầu tư lỗ, lãi tôi không còn quan tâm nữa, mong cấp trên sớm bơm nước trung chuyển từ Hồ Tây vào để cho dân chúng tôi đỡ khốn khổ như hiện nay”…

Cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông Hoàng Trung Thơ cho biết: Chúng tôi đã có kế hoạch ngay từ đầu vụ, các trạm bơm đã được tu sửa sẵn sàng. Đối với hồ dưới mực nước chết sẽ bơm vượt tràn, bơm trung chuyển ở khu vực có khả năng, các khu vực còn lại đành phải chờ trời mưa. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi ông có biết rất nhiều người dân xã Đác Lao túc trực trắng đêm chờ nước không? Ông thơ cho biết: “Do bà con mới tưới cà-phê đợt một trước Tết và đợt hai sau Tết nên nước hồ bị cạn kiệt, tôi đã chỉ đạo cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi chi nhánh Đác Min bơm nước vào hồ Đác Ken cả ngày hôm qua (15-2) rồi”.

Trên thực tế, đến ngày 16-2, chúng tôi chứng kiến hàng chục người dân lũ lượt kéo ra hồ chờ nước tưới và hồ vẫn trong tình trạng trơ đáy, trạm bơm vẫn nằm im lìm. Tiếp tục liên hệ với Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đác Min Lê Văn Điệp vẫn nhận được câu trả lời: “Cả ngày hôm nay (16-2) đã bơm nước phục vụ nhân dân rồi… Sau khi điện thoại xuống cơ sở kiểm tra, ông Thơ điện thoại phản hồi báo chí rằng: “Hôm qua đã chỉ đạo cho anh em bơm nước nhưng anh em không làm theo chỉ đạo mà chỉ tổ chức ra quân thôi, tôi tưởng nước đã được bơm? hôm nay mới triển khai để bơm nước? Chúng tôi đã cho kiểm tra trạm bơm trước rồi, không có tình trạng trục trặc như năm trước nữa, chỉ đơn giản sập cầu dao là nước chảy thôi?”, ông Thơ quả quyết.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư Giút Hồ Sơn cho biết: Trước thực tế cấp bách, chúng tôi đã lập phương án chống hạn đề xuất UBND tỉnh, theo đó đã đề xuất cấp kinh phí khoảng ba tỷ đồng để nâng cấp một trạm biến áp điện, xây dựng một trạm bơm với đường dẫn khoảng 1 km bơm nước từ sông Sê-rê-pốc vào hồ Buôn Bua, xã Tâm Thắng để chống hạn, cứu hàng trăm héc-ta cà-phê đang có nguy cơ chết trắng, nhưng không biết vướng ở khâu nào mà đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo chính thức của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Ngay từ đầu vụ chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông tập trung nâng cấp, gia cố hồ đập, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ để tích nước. Đồng thời, khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở khu vực thường xuyên thiếu nước, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, điều tiết nước hợp lý… Nhưng năm nay do mưa kết thúc sớm, lượng mưa chỉ đạt khoảng 70% đến 80% so với trước, khô hạn đến sớm nên tình trạng thiếu hụt nước diễn ra ngay từ đầu vụ. Hiện nay, về cơ bản cây lúa nước, cây hoa màu ngắn ngày chưa chịu ảnh hưởng của khô hạn; còn đối với cây công nghiệp ngắn ngày, cây cà-phê thì nhiều diện tích đã rơi vào tình trạng khô hạn nặng. “Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện tập trung chống hạn, bơm nước kịp thời để bảo đảm sản xuất; nếu khi nguồn nước cạn kiệt phải ưu tiên nước tưới cho diện tích cà-phê nằm trong vùng quy hoạch, khi không còn nước thì phải chấp nhận mất trắng nếu trời không mưa”, ông Duyên cho biết thêm.

Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới không làm theo; chỉ đạo xong không kiểm tra giám sát thực hiện, quản lý theo cảm tính… trong khi đó người dân vẫn ngày đêm thức trắng chờ nước, vườn cà-phê tiếp tục khô héo từng ngày. Với cách làm trên, sản lượng cà-phê niên vụ năm nay liệu có đạt khoảng 250 nghìn tấn như kế hoạch tỉnh Đắk Nông đề ra?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây