'Đẳng cấp' của teen Việt là... phải biết 'khoe súng'
- Thứ bảy - 03/03/2012 20:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Hai tay ba "súng”
Đây chính là biệt hiệu dành cho những teen có sở thích xài nhiều điện thoại. Đối với họ, một chiếc chưa đủ mà trong túi phải luôn có dăm ba chiếc để mang theo mới thể hiện được phong cách.
Cũng có lí do để những teen này dùng nhiều điện thoại như vậy vì: “Di động bây giờ rẻ mà, cho tớ 1 triệu, tớ sẽ mua cho cậu được 3 chiếc. Đảm bảo xài thoải mái”, Hùng (ĐHQG Hà Nội) tâm sự.
Dạo qua các cửa hàng bán đồ điện tử, chỉ cần tầm trong túi gần 500 ngàn là bạn đã có thể sắm cho mình một chiệc điện thoại vừa tầm. Dù không nhiều chức năng để chụp ảnh, lướt web, nghe nhạc, vào facebook,…nhưng hai chức năng nghe và gọi thì có thể xem là “vô tư”.
Hoặc những người không đủ tiền thì vào một hiệu cầm đồ bất kì, với giá 300k bạn đã có ngay một chiếc điện thoại mới tinh mà không cần băn khoăn nhiều về chất lượng.
Anh bạn Quân (CĐ Việt Hàn) từng sở hữu cho mình ba “chú dế” cưng. Trong người Quân, lúc nào cũng có 3 chiếc máy sẵn sàng hoạt động khi có những cuộc gọi hoặc tin nhắn đến. Với mỗi điện thoại Quân dùng một loại sim của một nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Beline.
Quân cho biết, mỗi tháng chỉ mất tầm 150k là đã có thể dùng tẹt ga bởi những khuyễn mãi đặc biệt của các nhà mạng: tài khoản tỷ phú, internet không giới hạn của Beline, gói cước trả sau chỉ 80.000/ tháng, 100 đồng/tin nhắn của Viettel,…
“Mỗi sim mình dành cho mỗi nhóm bạn thân, gia đình và bạn bè. Mỗi tháng chẳng tốn là bao mà có thể dùng thoải mái các ưu đãi của các nhà mạng”, Quân chia sẻ.
“Hiện đại…hại điện”
Tuy có thể dùng nhiều số sim để…thỏa sức “xài” điện thoại của mình nhưng nó đã gây ra cho teen những rắc rối không nhỏ. Dùng nhiều điện thoại đồng nghĩa với việc dùng nhiều số cùng một lúc đã làm cho nhiều người phiền toái trong việc nên chọn số điện thoại nào để gọi đến. Bởi những anh chàng, cô nàng “hai tay ba súng” thường xuyên không đem hết các điện thoại bên mình.
Còn những ai lúc nào cũng kè kè dăm ba chiếc điện thoại trong túi quần cũng không phải là ngoại lệ. Dù có thể nhận được tất cả cuộc gọi của người gọi đến nhưng các teen này đều có nguy cơ đối mặt với nạn…móc túi. Bởi nhiều điện thoại để trong cặp sách, túi quần đều là cơ hội cho các kẻ gian lợi dụng lúc sơ hở để hành nghề “hai ngón” của mình.
Tuấn (Trường CĐ Thương mại) đã bị mất chiếc điện thoại hơn 2 triệu vừa mua được hơn 1 tuần cũng chỉ vì nhiều điện thoại cồng kềnh để trong người. Tuấn kể lại: “Mình để hai điện thoại ở túi sau quần, một chiếc ở túi áo ngang, nhưng kẻ gian đã lấy đi chiếc điện thoại của mình lúc nào không hay”.
Không những bị mất đồ mà việc dùng nhiều điện thoại còn làm cho teen tốn nhiều thời gian trong việc nghe, gọi và trả lời tin nhắn. Việc “đốt” thời gian cho các khuyến mãi của các nhà mạng đã làm teen mất một khoản thời gian kha khá, trong khi đó khoảng thời gian này nên dành cho việc việc học hành và tiếp xúc với thực tế.
Bi hài chuyện "dở khóc dở cười"
Không chỉ dùng nhiều số sim gây phiền toái mà đến ngay cả dùng…một số vẫn khiến cho teen rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười". Nguyên nhân chính cũng là do thói quen “hấp ta hấp tấp” của mình.
Xuân Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng rơi vào hoàn cảnh “không có chỗ đất trỗng nào để chui xuống” khi gọi điện cho Minh – một anh bạn mới quen qua mạng. Nhưng người nhấc máy không phải là Minh mà là…bố của Minh.
Đầu dây mới alo, Hồng đã vội “nhảy” vào cuộc trò chuyện với những câu yêu thương ngọt ngào “anh à, em Hồng đây mà”, “anh có nhớ lúc trưa mình nói chuyện gì không”. Đầu dây bên kia mới chỉ kịp ậm ừ, Hồng đã tiếp tục “anh đi làm ở đâu ạ, chắc mệt lắm nhỉ?”, “Khi nào chúng ta có thể gặp được nhau ạ”…Nói đến đây thì đầu dây bên kia ngắt quãng “Thôi, “em” nói chuyện với con trai anh nhé”.
Lúc đó, Hồng mới ớ người ra và rối rít xin lỗi. Hóa ra Minh đã để quên điện thoại ở nhà và khi có cuộc gọi đến, bố của Minh đã nhấc hộ. Đến khi về nhà của Minh để giới thiệu, Hồng vẫn không khỏi ngại ngùng khi đối diện với bố của Minh.
Còn tình huống của Hoàng Đặng (Trường ĐH Luật Hà Nội) cũng là một bài học cho những ai cả gan dùng tên của bố bạn mình để gọi tên thân mật. Thường ngày, Đặng vẫn gọi cậu bạn thân là Dũng (trong khi tên thật của cậu bạn là Tân và bố của Tân là Dũng) mỗi khi gặp mặt với nhau.
Đến khi, cách xưng hô “thân mật” này được dùng trong trò chuyện điện thoại và người đang nói chuyện với Đặng lại là bố của Tân. Với bản tính vốn quen, mở lời chào bên kia, Đặng đã oang oang “Dũng à, mày đang ở đâu đấy, bố mẹ có ở nhà không để bọn tao đến chơi”.
Vừa nói xong, đầu dây đã đáp lại: “Tân đi chơi rồi cháu ạ, nó để máy điện thoại ở nhà”. Đến đây, Đặng không còn biết nói gì nữa, chỉ biết gác máy và…biến mất vì quá xấu hổ.
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc dùng điện thoại đã trở thành phương tiện thiết yếu của mỗi người. Tuy nhiên, với cách sử dụng một lúc nhiều máy hoặc nói chuyện không biết trước biết sau của giới trẻ hiện nay đã tạo nên một hình ảnh chưa đẹp trong văn hóa điện thoại và ít nhiều gây ra nhiều phiền toái cho người sử dụng.
Theo VNN