Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Đến bao giờ người nông dân hết nghèo?

Minh họa

Minh họa

Muốn thay đổi nông thôn, cần lắm những chính sách hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp. Từ vĩ mô cho tới vi mô, từ chính sách cho đến con người. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến tam nông nhưng làm thì chưa tới.
Nông thôn Việt Nam. Nguồn ảnh: xttm.agroviet.gov.vn
Chúng ta bớt đói nhưng vẫn còn nghèo lắm!

Công bằng mà nói, đất nước sau hơn 20 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt, đời sống người dân được nâng cao, trong đó phải kể đến cuộc sống của những người nông dân nông thôn từ miền xuôi đến miền biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, mặc dù Việt Nam được thế giới đánh giá là quốc gia điển hình về thành tích xoá đói giảm nghèo, thế nhưng đời sống của một bộ phận người nông dân nông thôn, đặc biệt là vùng núi còn quá khổ.

Vẫn còn có những mảnh đời không có thuốc chữa bệnh khi tử thần đang rình rập, trẻ em không có quần áo mặc ấm khi mùa đông đến, những mái lều chông chênh như ngọn đèn trước gió của các em học sinh miền núi trọ học trên đỉnh núi cao 1.600 mét so với mực nước biển... là những băn khoăn, trăn trở của hết thảy những người yêu nước.

Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách. Tuy nhiên, Nghị quyết 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đi vào cuộc sống. Đó là thực trạng đáng buồn. Vì vậy, Đảng và Chính phủ cần lấy hộ nghèo là chủ thể, lắng nghe ý kiến của họ, bám sát tình hình vận động của thực tiễn để ra quyết định, quyết sách đúng và trúng... để bà con nông dân hôm nay và mai sau thoát khỏi cảnh "Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo xèo mặt nước buổi đò đông" từ thế kỷ trước. (Vũ Hoàng Quyền, huyện uỷ Thái Thụy, Thái Bình, hoangquyenvu@...)

Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng quê Thanh Hóa. Cũng do may mắn, nhà tôi mới được chuyển lên thành phố sống. Nhưng những kỷ niệm và dấu ấn của vùng quê mà tôi sinh ra luôn còn mãi trong tôi. Tôi vẫn thường nói cùng bạn bè và những người thân rằng, thu nhập của những người nông dân quê tôi chỉ khoảng 100.000đ/tháng và ai cũng cười. Nếu mọi người đọc được bài báo của nhà văn NQT thì liệu họ có cười được nữa không. (Nguyen Hoang Thang, Đông Quang, Đông Sơn, Thanh Hóa, hoangthang.nafi@...)

Tôi xuất thân từ nông dân và hiện tại, gia đình tôi vẫn ở nông thôn. Đọc bài "Tổng thu nhập một tháng của người nông dân”, tôi thấy nhà báo NQT điều tra mức thu nhập của nông dân như vậy là chưa tính hết thu nhập thực sự của nông dân. Nhưng nếu chi ly tính hết thì thu nhập của nông dân vẫn là rất thấp và đời sống của họ "quá khổ" - không thể dùng từ nào để mô tả rõ hơn. Đã thế người dân lại còn phải đóng đủ thứ: quỹ thôn, làm đường giao thông, đường điện, trường học, nhà văn hoá và trăm thứ phí khác... Nông dân chúng tôi rất mong những người có trách nhiệm hãy nghĩ đến cuộc sống của chúng tôi. (T.V.Phuc, Bắc Giang, tvpbgi@...)

Cho dù là người bình thường thì cũng đủ hiểu rằng khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng mở rộng. Không cần nhìn đâu xa xôi, chỉ ngay trước mắt là có thể thấy điều này quá rõ. Tác giả có một ý rất đúng là người nông dân họ không thể tự thân nâng cao thu nhập được. Đất có từng đó, ruộng có từng đó, giá trị của nó không thể tự tăng lên được. Trên ruộng đó, người nông dân sẽ có thể làm gì để có thu nhập cao được. Suốt đời thì với ruộng đó, năng suất có thể tăng lên vài phần trăm, sản lượng tăng lên một ít, trị giá sản phẩm thì giỏi lắm tăng cũng chỉ đủ bù tăng nguyên vật liệu đầu vào.

Nói tóm lại, cuộc sống người nông dân có khá lên trong hơn 20 năm qua nhưng không là gì so với cuộc sống thành thị. Có thể 20 năm trước, người nông dân sống trong nhà tranh vách đất, thì nay họ có thể có được một ngôi nhà gạch là tốt rồi. Người nông dân chỉ còn một con đường để thoát nghèo là thoát li, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, cái kiếp nô lệ của sự nghèo. Mà họ chỉ thoát bằng cách là mong sao con cái họ có được cái chữ, tri thức. Nếu không được như vậy thì con cái người nông dân sẽ suốt đời, suốt kiếp nghèo vẫn hoàn nghèo. (Thanh Cao, TP.HCM, caothanhphan@...)

Từ lâu, chúng ta luôn nói về cuộc sống khó khăn ở nông thôn nhưng chúng ta lại chưa có một nghiên cứu chi tiết, tỉ mỉ và sâu sắc nào về vấn đề thu nhập của người trồng lúa cả. Bản thân tôi cũng xuất thân từ con nhà nông, bố mẹ tôi làm việc vất vả cũng không đủ cho anh em tôi ăn học. Không kể nhiều nhà còn không có ruộng, không biết phải sống thế nào với những buổi làm công thất thường.

Giờ tôi đi học xa nhà, tốn kém bộn bề. Đã vậy sắp tới lại còn chuẩn bị tăng học phí, tôi không biết cuộc sống của bao người sẽ như thế nào? Những sinh viên nhà nghèo liệu có còn theo học được không? Chủ trương của Nhà nước là chi phí cho học tập sẽ không vượt quá 6% tổng thu nhập của người dân, vậy với những người làm ruộng thì tính như thế nào? Giả giử mức học phí mới là 250.000đ/tháng, vậy nó sẽ chiếm bao nhiêu % so với thu nhập 40.000đ/tháng của người nông dân?

Chưa kể giá cả ngày càng leo thang, Nhà nước chủ trương tăng lương nhưng người nông dân thì lấy lương ở đâu? Mà thực tế, lương chưa kịp tăng thì giá cả đã đua nhau tăng trước rồi. Đây là những điều mà không một người dân nào mong muốn cả, đặc biệt là những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tất cả phụ thuộc vào công tác quản lý, điều hành của những người có trách nhiệm. (Lê Hoàng, Hải Dương, bautroidentoi@...)

Trước hết xin gửi lời tri ân tới tác giả NQT vì nội dung bài viết hết sức chân thực về bức tranh thu nhập thực tế của nông dân VN hiện nay. Nhưng đáng buồn và đau xót hơn nữa khi hiện nay một số đông thu nhập thực tế còn thấp hơn mức đó rất nhiều. Ngoài làm ruộng, trông chờ vào vụ thu hoạch lúa ra thì người dân không biết trông cậy vào nguồn thu nhập nào khác. Cụ thể, trước thu hoạch lúa và hoa màu thì người dân phần đông đều mua chịu lân, đạm, thuốc sâu... Khi thu hoạch xong, mang tiếng là được mùa nhưng thực tế số tiền bán thóc đó sẽ phải trả cho tiền lân, đạm mua chịu.

Thêm vào đó, chúng ta "quên" mất rằng phải tính cả công mà người dân bỏ ra để đi làm. Bây giờ không còn tồn tại việc "lấy công làm lãi" nữa vì xô đi bù lại, người dân thực tế không còn lãi! Một năm thông thường cũng chỉ cấy 2 vụ, thu hoạch 2 lần, còn lại là thời gian nông nhàn, không thu nhập. Rau bán ở thành phố có thể 2.000đ/mớ, nhưng ở quê thì 500đ/mớ bán không ai mua, thu nhập ở đâu? Nhìn vào bữa cơm của người dân chúng ta mới thấu hiểu hết những nhọc nhằn của họ. (Bùi Thị Bích Ngọc, Bắc Giang, cobengocnghech29484@...)

Tác giả đã nói hộ những người nông dân
 

...Thay vào giấc mơ cơ giới hóa là sự trở về của một hiện thực. Đó là một hiện thực buồn với hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau. Nguồn ảnh: tintucthuongmai.vn
Trước hết, xin chân thành cảm ơn tác giả NQT đã có loạt bài về nông thôn. Mặc dù nó chỉ phản ánh được một phần cuộc sống nông thôn hiện nay, nhưng cũng chỉ ra được những tồn tại mà sau hơn 20 năm đổi mới chúng ta chưa làm được gì cho nông thôn nói chung và cuộc sống của nông dân nói riêng.

Quê tôi ở huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Mang tiếng là một huyện của Thủ đô thế nhưng tôi tin Sóc Sơn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Tất cả những gì phô bày ra mặt phố, mặt đường không đủ để che lấp những mảnh đời cằn cỗi bên cánh đồng bạc màu. (AND, Sóc Sơn, Hà Nội, binhbtk@...)

Buồn lắm nông dân với những điều như anh Thiều viết. Tôi và nhiều người trong chúng ta đều có cội nguồn nông dân, đồng ruộng. Đau nỗi đau của người nông dân và buồn vì tính thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm nhưng không hết niềm tin vào một sự đổi thay tích cực. Vẫn biết còn nhiều tiếng thở dài sau bài viết của anh Thiều. Cảm ơn anh. (Đỗ Tiến Sỹ, Học viện Quản lý giáo dục, dotiunsy73@...)

Tôi là một sinh viên sinh ra và lớn lên ở miền quê TH. Những gì mà tác giả phản ánh hoàn toàn giống với những gì mà người nông dân ở quê tôi phải trải qua. Một sự thật mà nếu ai chưa về vùng nông thôn thì không thể hình dung được. (Mạnh Dũng, Cầu Giấy, manhdung@...)

Từ cái nghèo thắp lên ngọn lửa

Cảm ơn nhà văn. Ông đã thay mặt những người nông dân viết về nỗi khổ của mình. Tôi cũng như bao người khác vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Được bố mẹ chắt chiu gom góp từng đồng để gửi tiền lên HN cho tôi học đại học. Những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, đó là công sức của những ngày mẹ đạp xe khắp các làng xung quanh để bán hàng rong, những bữa trưa là cơm muối vừng bên gốc tre... đó cũng là những giọt mồ hôi của cha còng lưng gánh lúa. Bố mẹ tôi nghèo, cái nghèo đeo đẳng từ thời ông bà tôi còn trẻ. Nghèo vì nuôi 4 đứa con ăn học với 2 đứa ĐH, 2 đứa cấp 3. Nghèo. Đến bao giờ người nông dân hết nghèo? Chúng tôi, những đứa con thoát ly khỏi vùng quê là những niềm hi vọng. (Le Thi Van, Nam Định, goodluck101187@...)

Tôi tuy sinh ra, lớn lên và sống tại Hà Nội, song cũng hay được đi đến các tỉnh, tiếp xúc với nông dân, nông thôn. Bài viết của anh rất đúng, rất hay. Thực sự, cuộc sống của người nông dân nếu chỉ trông vào đồng ruộng theo "chế độ" thì thật nguy. Đó có thể nói là nguyên nhân chính khiến lao động nông thôn phải ra các thành phố lớn để kiếm sống, bươn trải, để kiếm tiền đầu tư cho "của để dành", mong các con sau này sẽ không khổ, cơ cực như bố mẹ chúng.

Các bạn hãy xem, buổi sáng tại gầm cầu vượt Phạm Hùng, biết bao người ngồi chờ việc, mà liệu có việc không. Tôi đã tiếp xúc với các cô đó, có cô quê Đan Phượng, xuống Hà Nội làm ở chợ người để lấy tiền nuôi con ăn học Đại học Xây dựng. Có cô thì ở Nam Định, đưa cả chồng lên làm xe ôm, còn mình đi mua đồng nát, nuôi hai con ăn học đại học. Niềm hy vọng đó sẽ giúp họ vượt lên tất cả. (Hoàng Thanh Phong, Hà Nội, thanhphong@...)

Có một thực tế tồn tại rất nhiều năm nay trên đất nước chúng ta cũng như trên trái đất nói chung chung là người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng sản phẩm làm ra của họ không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu hàng ngày. Để bươn chải với cuộc sống, họ phải chi tiêu tiết kiệm, không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp.

Nhưng họ mong sao con cái sẽ đổi đời nhờ những cực nhọc của họ đổ xuống đồng ruộng để con cái được học hành, thoát khỏi cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau. Tôi cũng là một người con nông dân thực thụ, tôi mong sao các bạn trẻ Việt Nam ý thức được thực tế cuộc sống của cha ông mình mà phấn đấu học tập, lao động cho thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cha ông. (Hoàng Văn Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình, hvhai600@...)

Cần quan tâm hơđến nông dân, nông nghiệp và nông thôn

Bản thân tôi cũng là con em nông dân. Bây giờ thực ra không phải cảnh đói kém như ngày xưa nhưng bài viết đã phản ánh hiện nay cũng còn một bộ phận nông dân có thu nhập thấp, thuần nông canh tác ít diện tích như trên. Đa số nông dân các tỉnh phía Bắc, thời gian nông nhàn phải đi bươn chải bằng nhiều nghề để có cái chi cho cuộc sống sinh nhai, con cái học hành, việc họ việc làng… Do vậy, bài toán đối với nông dân không thể giải quyết một sớm, một chiều mà cần quá trình vài chục năm với những chính sách đồng bộ.

Theo tôi nghĩ, Nhà nước nên có chính sách trợ cấp cho nông dân hết tuổi lao động, mức độ xét tuỳ theo hoàn cảnh (ít nhiều họ cũng góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không có chế đô hưu trí); Chuyển một bộ phận nông dân đi trồng rừng để khôi phục lại diện tích rừng đã mất. Họ sẽ trở thành giai cấp công nhân lâm nghiệp và có tham gia bảo hiểm xã hội, người ở lại quê có thêm diện tích canh tác;

Tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng hình thức miễn giảm học phí, cấp học bổng cho con em nông dân học các trường dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn… Khuyến khích xây dựng các nhà máy chế biến sản vật của nông nghiệp, hải sản, diêm nghiệp… Khôi phục và bảo tồn giá trị văn hoá của nông thôn Việt Nam, đời sống tinh thần của nông dân, miễn giảm các khoản đóng góp để con em nông dân có điều kiện học hành; Tuyên truyền vận động nông dân xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư; sinh đẻ có kế hoạch; giảm những hủ tục phiền hà không cần thiết; giữ gìn môi trường môi sinh; an toàn vệ sinh thực phẩm. (Nguyễn Văn Dương, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng, tuduysangtao_nd@...)

Qua những bức thư của nhà báo Nguyễn Quang Thiều, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã được nhìn rõ phần nào. Nói “phần nào” là vì nó còn nhiều bộ mặt lắm. Những ai không thuộc về nông thôn hay xa cách nông thôn không khỏi bất ngờ. Bài báo cho ta thấy hình ảnh nông dân miền Bắc nói riêng và người nông dân cả nước nói chung. Khổ lắm. Cực lắm. Có nhiều bạn đọc hỏi “Kỹ sư nông nghiệp ở đâu?” mà để nền nông nghiệp Việt Nam thế này, để người nông dân thế này? Dạ xin thưa, kỹ sư nông nghiệp ở đây.

Tôi mang danh là kỹ sư nông nghiệp. Tôi là một đứa con của nông thôn và ba tôi là nông dân. Trước hết, tôi muốn nói về chuyên môn. Hầu như chương trình học của chúng tôi được xây dựng lâu lắm rồi và thiếu tài liệu chuyên ngành trầm trọng. Lên thư viện tìm sách đa phần là sách cũ xuất bản năm một ngàn chín trăm hồi đó, giấy vàng khè (in lại giấy trắng hơn cũng đỡ buồn). Bây giờ không có nhiều nhà chuyên môn giỏi đủ khả năng viết sách chuyên sâu phù hợp thực tế, hay họ bận quản lý, bận kiếm tiền? Có lẽ họ viết để có viết thôi?

Các môn học cũng đa dạng nhưng học trên lớp và thi trên giấy là chủ yếu. Thực tập, thực hành ít ỏi. Nông nghiệp thì muôn hình vạn trạng nên cuối cùng kiến thức có được chả là bao, ra trường thành kỹ sư nông nghiệp. Bởi vậy mấy anh chị kỹ sư trẻ đâu dám chỉ bảo nông dân. Nông dân còn giỏi hơn, họ biết gì mà chỉ.

Kỹ sư nông nghiệp cũng là một cái nghề. Mà nghề nào cũng vì cuộc sống cả, phải kiếm tiền. Dù làm ở viện nghiên cứu, các sở, phòng nông nghiệp, trường đại học, công ty tư nhân… thì mục tiêu cũng chỉ là kiếm tiền thôi. Nếu làm chuyên môn thì phải thật giỏi nhưng giỏi chưa chắc kiếm được nhiều tiền. Làm sao nghiên cứu nổi nếu nhà thiếu ăn, con không có tiền đóng học phí… Lo lắm.

Vì vậy mà mạnh ai nấy kiếm tiền nên nông dân lao đao lận đận, nông nghiệp Việt Nam chẳng phát triển tới đâu. Có người hỏi, cái tâm nghề đâu rồi? Tâm thì có mà sức thì không. Ngày nay, thử hỏi mấy người muốn vào học ngành nông nghiệp? Thấy là sợ rồi, sợ "bán mặt cho đất bán lưng cho trời".

Muốn thay đổi nông thôn, cần lắm những chính sách hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp. Từ vĩ mô cho tới vi mô, từ chính sách cho đến con người, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tam nông nhưng làm thì chưa tới. Không biết có kịp không vì công nghiệp thì phát triển mạnh mẽ bất chấp hậu quả đã đẩy nông dân đi vào ngõ hẹp. Người nông dân chỉ còn biết than “số phận”. Không phải không muốn thay đổi nhưng chẳng có con đường nào để họ đi cả. Thành ra giống như tác giả nói "Họ đi theo một vòng tròn”. (Nguyễn Phước Lộc, TP. HCM, locxyz@...)

 
"Một thực trạng, một bức xúc như vậy cũng là một tồn tại đã từ lâu rồi và một vài năm gần đây càng thể hiện rõ, đó là, khoảng cách thu nhập quá mức chênh lệch của người nông dân với các giai cấp khác trong xã hội. Chúng ta không hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động thì mãi mãi họ vẫn nghèo như vậy.

Chúng ta luôn khoe mức thu nhập có thể tới 1.000USD/người/năm trong tương lai không xa nhưng thử hỏi có bao nhiêu người nông dân đạt mức thu nhập ấy? Chúng ta không cần ngụy biện, không cần khoe khoang mà hãy nhìn vào thực tế và phân tích để tìm ra đối sách cho vấn đề
" - ý kiến của bạn Nguyen Duy Son, Hsinchu, Đài Loan, ruanweishan@...
Tôi là một người xuất thân từ vùng quê nổi tiếng "Ăn rau má phá đường tàu" nên tôi thấu hiểu được những nỗi khổ của người nông dân. Từ khi bước chân lên thành phố theo học, tôi mới biết được sự khác biệt quá lớn giữa cuộc sống của những người nông dân và thành thị.

Trước đây, khi vẫn ở quê, tôi chẳng bao giờ cảm thấy là mình nghèo khổ, mình thua thiệt cả vì xung quanh tôi người ta đều thế. Nhưng nay khi đã quen với cuộc sống của con người nơi thành thị, nhìn lại tôi mới thấy sự khác biệt thật đúng là quá lớn.

Bao nhiêu năm đi ra thế mà mỗi lần về quê tôi thấy quê mình chẳng những không phát triển thêm chút nào mà còn hoang xác, tiêu điều hơn. Quanh năm người dân vẫn cái cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau".

Ngày nông nhàn thì đàn ông trai tráng đi phụ hồ, các bà, các chị thì nhận thêm việc từ những xưởng thủ công để kiếm đồng ra đồng vào, nhưng có đáng là bao. Ai chẳng muốn quê hương phát triển, cuộc sống của người dân được cải thiện, nhưng nhìn trước nhìn sau những người nông dân quê tôi vẫn không biết đâu là "hướng đi tốt" cả và quanh năm, muôn đời vẫn cái cảnh "chân lấm, tay bùn". (Thu Hiền, Thanh Hóa, laithuhien_ngo@...)

Tôi sinh ra và lớn lên trong gian khổ ở một miền quê nghèo khó. Bao đời nay, dân quê tôi "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám chẳng rời xa. Chính trong cái vòng lam lũ cơ hàn ấy mà tôi đã gắng học hành để thoát ra được, mong có điều kiện về giúp chút gì cho quê.

Nhưng thật lòng mà nói, tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc luôn quan tâm theo dõi, hy vọng và chờ đợi một ngày kia quê tôi đỡ khổ. Vậy mà gần đây mới có dịp về thăm quê, tôi đau đớn nhận ra rằng quê tôi vẫn khổ, khổ lắm, nghèo lắm các bạn ạ. Ngay cả các anh, các chị tôi cũng chung hoàn cảnh ấy. Ngày hai buổi đi làm thuê như gánh gạch, trộn vữa với ngày công ba bốn chục ngàn bạc. Bao chi phí gia đình, học hành của các cháu đều trông chờ vào hai ngày công của cha mẹ chúng.

Nhiều cháu học tốt, thi đỗ vào đại học mà đành chịu xếp bút nghiên lên đường đi làm thuê. Bạn tôi có hai con, vì các cháu sinh sau năm 1991 nên không còn tiêu chuẩn cấp ruộng. Vậy là hai vợ chồng bạn tôi với hai sào Bắc Bộ mà phải nuôi bốn miệng ăn, thử hỏi còn tiền cho các cháu đi học hay không?

Quê tôi có cây vải thiều nổi tiếng, vậy mà vào mùa vải, vị ngọt đâu không thấy chỉ thấy vị đắng cay. Do không có quy hoạch nên việc mở rộng diện tích trồng tràn lan, cung quá cầu, vải được mùa mà hóa ra dân lại buồn hơn... Còn bao nhiêu cảnh đời buồn và đáng thương nơi miền quê mà tôi không có dịp kể ra, chỉ biết lòng mình luôn nhói đau và thầm kêu lên: Thương lắm quê ơi! (Nguyễn Khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, nguyenkhoavn73@...) 

Nông dân, họ là người lao động chính của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam (75% dân số làm nông nghiệp). Khi đất nước có chiến tranh, những người nông dân đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, đã đóng góp lúa gạo... và nhiều hơn thế. Nhưng khi hoà bình lập lại thì họ chưa được hưởng xứng đáng. Nhiều vùng quê, bản làng hiện nay còn chưa có điện? Nhưng khi đó rất nhiều quan chức tìm mọi cách hợp thức hoá đất công và nhiều thứ khác... để tư lợi riêng. (Lê Trường, Thanh Hoá, thanhhoavatoi@...)
 
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê 5 tấn (đến nay vẫn còn nổi tiếng về năng suất lúa) nhưng tôi thấy rằng, so với những năm 90, năng suất lúa tăng có thể là gấp 4 lần nhưng cách thức tăng năng suất này so với trước chủ yếu vẫn là do thuốc trừ sâu (vì những năm 90 có ai sử dụng thuốc trừ sâu đâu). Còn vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp gần như giậm chân tại chỗ: Nông dân mỗi hộ trung bình 4 sào ruộng nhưng chia nhỏ tới 9, 10 mảnh ở nhiều nơi khác nhau. Họ vẫn gieo mạ, nhổ mạ, cấy, làm đất... Ngày trước còn hợp tác xã có máy cày lớn nhập từ Belarus, bây giờ, để tiết kiệm tiền, nông dân sử dụng cuốc, trâu bò, máy cày mới xuất hiện cũng chỉ là máy loại nhỏ...

Biết bao giáo sư, tiến sỹ về nông nghiệp mà sao vẫn để nông dân khổ cực như vậy. Cũng là một người được học hành và đang có thời gian được đào tạo tại nước ngoài, tôi nghĩ rằng, việc này không thể đổ hết lỗi cho các GS, TS nông nghiệp mà việc chúng ta vẫn giữ kiểu quản lý đất đai là phân chia cho mỗi hộ theo đầu người một khoảng đất như vậy liệu có còn phù hợp không, khi mà ruộng đất càng ngày càng ít, thời gian nông nhàn nhiều thì máy móc thay thế sức người càng khó khăn.

Chính sách định hướng trồng trọt cho nông dân thì không có nên hễ ở đâu thấy hiệu quả khi trồng loại cây, quả nào thì các nơi khác đua nhau trồng cấy loại đó và dẫn tới hậu quả mà chúng ta đã biết. Thiết nghĩ, chúng ta cần cải cách lại ruộng đất, tăng công nghiệp, dịch vụ thu hút nông dân vào làm việc... Với diện tích nông nghiệp hiện nay, tôi nghĩ rằng, chỉ cần 1/6 số lượng nông dân hiện nay làm việc là quá đủ. Xin những người quan tâm đến đời sống nông dân, và vì sự phát triển của đất nước lưu tâm. (Nguyễn Thanh Tuấn, Thái Bình, tuanntdhts@...)

 Theo thaukinhvietnam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây