Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Doanh nghiệp nhận ký gửi càphê vỡ nợ hàng loạt

Minh họa

Minh họa

Thời gian gần đây, ở tỉnh Dăk Lăk đang nóng lên việc các doanh nghiệp, đại lý thu mua và nhận ký gửi càphê liên tiếp bị phá sản, xù nợ của người ký gửi càphê. Chỉ riêng tại huyện Ea H’leo đã có mười doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị vỡ nợ.

Người dân thị xã Buôn Hồ bán càphê cho đại lý

Các cơ sở thu mua càphê thường có vốn lớn, kho chứa rộng, được người dân tin tưởng đưa càphê đến ký gửi và chọn thời điểm chốt giá có lợi nhất để bán. Tuy nhiên, từ hình thức ký gửi này, những năm gần đây đã xảy ra chuyện các đại lý, doanh nghiệp xù nợ, tuyên bố phá sản, khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh trắng tay.

Liên tục bị vỡ nợ

Theo sở Công thương tỉnh Dăk Lăk, niên vụ càphê 2009 – 2010, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện 24 doanh nghiệp và đại lý mua bán nông sản ngừng hoạt động do thua lỗ, trong đó có 14 cơ sở nhận ký gửi càphê đang nợ của người dân 1.788 tấn càphê (trị giá gần 50 tỉ đồng) và khoảng 37 tỉ đồng tiền mặt. Cụ thể như: doanh nghiệp tư nhân Hai Thận (huyện Ea H’leo) xù 352 tấn càphê nhân; doanh nghiệp Chung Đạo, đại lý Tám Loan (thị xã Buôn Hồ) chiếm đoạt 390 tấn càphê nhân; cơ sở Tâm Hiền (huyện Cư M’gar) nợ 228 tấn càphê nhân...

Trên thực tế số nợ gồm càphê và tiền của người dân còn nhiều hơn. Ông Nguyễn Xuân Hương, trưởng phòng kinh tế – hạ tầng huyện Ea H’leo cho biết: “Huyện mới thống kê có mười doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị vỡ nợ, trong đó sáu cơ sở đóng cửa, bốn cơ sở bị cơ quan thuế thu hồi hoá đơn thuế giá trị gia tăng. Tổng số nợ ngân hàng, người dân, và nợ thuế của mười cơ sở kinh doanh này lên đến hàng trăm tỉ đồng”. Tại thị xã Buôn Hồ cũng xuất hiện tình trạng hàng loạt cơ sở kinh doanh càphê xù nợ như công ty TNHH cà phê Tân Trường Nguyên; công ty TNHH thương mại Trúc Tâm; doanh nghiệp tư nhân Tính Nên; các đại lý Phương Thành, Lan Lương, Hà Thị Vui... Ông Phạm Dương Thanh, chủ tịch UBND phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ cho biết, trên địa bàn phường vừa xảy ra việc người dân kéo đến một số cơ sở kinh doanh càphê để đòi nợ, siết tài sản gây mất trật tự an ninh; có trường hợp như chủ doanh nghiệp tư nhân Trúc Tâm đã thanh lý hết tài sản và bỏ trốn, làm cho nhiều hộ dân ký gửi càphê bị trắng tay.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Dăk Lăk cho biết: “Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Tư pháp xây dựng quy định cụ thể về hoạt động ký gửi càphê trên địa bàn tỉnh. Đối với các huyện có diện tích càphê lớn như Cư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ, đề nghị cho trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột xây dựng hệ thống kho chứa bảo đảm để người dân ký gửi thuận tiện và an toàn, được ứng vốn với lãi suất hợp lý”.

Người dân hoang mang, doanh nghiệp gặp khó

Trước thực trạng các doanh nghiệp bị vỡ nợ, hiện nay người trồng càphê rất hoang mang, lo lắng. Anh Đinh Văn Linh, ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết, hiện nay, giá càphê xuống quá thấp (36.000 đồng/kg càphê nhân so với năm ngoái là 52.000 đồng/kg) nên anh chưa muốn bán, tuy nhiên, nếu để càphê nhân ở nhà mà không có kho chứa thì càphê dễ bị ẩm mốc, chất lượng giảm, đồng thời nếu ký gửi càphê ở đại lý thì dễ bị họ xù mất. Chị Lê Thị Lan, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn nói: “Gia đình tôi đã ký gửi 5 tấn càphê nhân tại một doanh nghiệp thu mua càphê trên địa bàn từ đầu mùa vụ (khoảng tháng 11) để đợi giá càphê tăng mới bán. Khi nhận ký gửi càphê, các doanh nghiệp thu mua đều có giấy biên nhận đầy đủ, nên cũng tin tưởng chứ biết làm sao”.

Anh Trần Anh Dũng, chủ doanh nghiệp tư nhân Dũng Ngân, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết, từ những vụ vỡ nợ càphê xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động. “Do lo sợ, nên người dân không còn bán hay ký gửi càphê nhiều như những năm trước nữa. Hiện nay, nhiều hộ vay tiền trước của doanh nghiệp (đến mùa thu hoạch trả bằng càphê) vẫn còn “găm” càphê ở nhà nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn”, anh Dũng nói. Còn anh Châu Phúc, chủ đại lý thu mua nông sản tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pak cho biết, việc thu mua càphê nhân hiện có giảm nhiều so với năm trước, song mỗi ngày đại lý của anh vẫn thu mua từ 1,5 – 2 tấn càphê nhân. “Bà con đến ký gửi càphê từ đầu vụ đến nay giảm hơn hẳn, nhiều hộ có tâm lý lo ngại nên đã đến chốt giá nhận tiền, hoặc chỉ còn ký gửi từ 3 – 5 tấn càphê nhân, trị giá gần 200 triệu đồng”, anh Phúc nói.

bài và ảnh: Lê Thành theo SGTT.VN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây