Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Doanh nghiệp nông nghiệp kêu khó

Minh họa

Minh họa

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng khá mạnh trong những năm qua, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý và công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận thị trường kém. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự đến được với họ.

Chỉ 1% có vốn trên 200 tỉ

Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra sáng 27-3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần cho hay, cả nước hiện có trên 8.700 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 3,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có tới trên 98% số doanh nghiệp nông nghiệp có qui mô vừa và nhỏ.

Trên 90% doanh nghiệp nông nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 10 tỉ đồng; 6,5% số doanh nghiệp có vốn từ 10 đến 50 tỉ đồng và trên 1% có vốn trên 200 tỉ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh tính bình quân cho một lao động trong các doanh nghiệp nông nghiệp ở mức thấp 200 triệu đồng, chỉ bằng một phần tư số vốn bình quân cho một lao động tại các doanh nghiệp của các ngành kinh tế khác.

Do quy mô sản xuất nhỏ nên trình độ chuyên môn quản lý và lực lượng lao động trực tiếp còn thấp, các kỹ năng cần thiết khác như khả năng máy tính, ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán... của đội ngũ cán bộ quản lý hạn chế. Đó là chưa kể do khó khăn về vốn nên việc đầu tư máy móc, thiết bị và khoa học công nghệ còn rất lạc hậu.

Cần những chính sách thiết thực

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Chế biến và Xuất Nhập khẩu (Aprocimex) cho rằng, trong 4 năm qua, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng các chính sách này đã không đi vào cuộc sống. Trong khi đó, yêu cầu phải hình thành các khu công nghiệp hoặc quỹ đất riêng cho lĩnh vực chăn nuôi, mặc dù đã được nói rất nhiều tại các diễn đàn những năm trước, nhưng đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa thực hiện được.

Vấn đề vốn vay cũng được nhắc tới nhiều tại diễn đàn. Ông Lý cho hay, ngay từ năm 2010 Chính phủ đã có rất nhiều văn bản nói rằng phải ưu tiên cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng đến nay các văn bản hỗ trợ không đi vào thực tế và không giúp ích nhiều cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu trần huy động nhưng lại không đưa ra trần cho vay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ tưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, nông nghiệp, nông thôn là một trong bốn lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 của các ngân hàng. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tăng 13% thì riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng tới 28%.

“Chúng tôi khẳng định tiền cho vay không thiếu nhưng vấn đề là các doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn thì phải phương án kinh doanh cụ thể, tính khả thi và độ tin cậy cao”, ông Mạnh nói.

Ông Phạm Xuân Hoàn, Phó vụ trưởng – Phó trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, đề nghị nhà nước có chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước cho các nhà đầu tư. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, cước phí vận chuyển. Đặc biệt khuyến khích thành lập vườn ươm để thực hiện hỗ trợ có thời hạn doanh nghiệp trong thời gian khởi sự theo quy trình và có hệ thống...
Theo SGTT

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây