Đủ "chiêu thức" kích cầu
- Thứ năm - 26/07/2012 14:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
ThS. Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, bức xúc: “Nhằm giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc, tăng lợi nhuận; đồng thời, tránh sự nhiễm độc, hạn chế ô nhiễm môi trường mà gần 10 năm trời qua, nhiều cán bộ BVTV đã phải bỏ công khuyến cáo và tập huấn cho nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV theo chương trình IPM, “1 phải 5 giảm”, “4 đúng” và chương trình “3 giảm 3 tăng”. Nhưng lời khuyến cáo của chúng tôi về sự độc hại của thuốc không đủ sức mạnh để “răn đe” nông dân. Vì bên tai họ, thường xuyên có những quảng cáo hấp dẫn về cái lợi của việc dùng thuốc “đem lại vụ mùa bội thu”, “hạt lúa sáng bóng”, “lúa trúng bể bồ”… trên các báo, đài; nhất là trên các Đài Truyền hình ở khu vực ĐBSCL. Công việc này được sự tiếp tay của các nghệ sĩ nổi tiếng và đôi khi có sự vô tình/hữu ý của cả các nhà khoa học tên tuổi, khiến nông dân dễ tin hơn”.
Nông dân sử dụng thuốc BVTV không đúng, sẽ nguy hại lâu dài cho đồng ruộng và môi trường
Hỏi tình cờ anh Trần Văn Nam, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) thì được anh cho biết: “Trong vụ lúa HT năm nay, do dịch bệnh nhiều nên tôi phải phun xịt đến 8 lần/vụ, mỗi lần phun trộn 3 - 5 loại thuốc nên chỉ riêng phí đầu tư đã lên đến 2,5 triệu đồng/công”. Sao anh phải phun xịt nhiều như vậy? “Do lúa tôi có vấn đề và được tư vấn của các đại lí thuốc hoặc nghe quảng cáo trên đài thì áp dụng thôi”.
Còn anh Lê Tấn Lắm, ấp Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), làm 1ha lúa cho biết: Từ khi sạ cho đến thu hoạch tôi phải sử dụng từ 4-6 lần phun thuốc cho lúa. Nếu năm nào gặp sâu bệnh nhiều là phải tăng cữ phun lên 8-10 lần/vụ”. Hỏi sao phải sử dụng nhiều thuốc vậy, anh Lắm phân trần: “Làm lúa mà không sử dụng thuốc BVTV làm sao có ăn”. Hỏi sao anh rành nhiều tên thuốc và công dụng của nó dữ vậy thì anh lại giải thích: “Có gì đâu, tới đại lí bán thuốc thì họ mách, chỉ bảo thôi. Với lại nghe đài quảng cáo thì biết”. Thế anh không sợ độc hại của thuốc sao? "Độc hại gì? Làm riết rồi quen”. Còn liều dùng anh dựa vào đâu? Anh cho biết, coi theo hướng dẫn và tăng thêm cho “đậm đậm” một chút là được rồi. Trung bình 1ha, anh Lắm cho biết, tiền mua thuốc BVTV từ đầu vụ cho đến cuối vụ tốn khoảng 2-2,2 triệu đồng.
Theo điều tra của Chi cục BVTV các tỉnh ĐBSCL, bình quân 1 vụ lúa nhà nông phun 2 lần thuốc trừ sâu, 2 lần thuốc trừ bệnh, 1 lần thuốc trừ cỏ và 1 đến 2 lần thuốc dưỡng. Như vậy, bình quân 1ha nông dân phun 1 lít thuốc trừ bệnh/vụ, thuốc trừ sâu 0,5 lít/vụ, trừ cỏ trung bình 0,5 lít/vụ và thuốc dưỡng 0,6 lít/vụ. Tổng 4 loại thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ và thuốc dưỡng thì nông dân sử dụng 2,6 lít/ha/vụ. Có điều, tỷ lệ hấp thu qua cây trồng chỉ 20%, bốc hơi 15 - 20%, còn lại thấm vào đất và hòa vào nước.
Cũng do tâm lí “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hay “sợ mất trắng” khiến nông dân thường có khuynh hướng phun thuốc theo quảng cáo mà không quan tâm gì tới sự khuyến cáo của những người làm công tác BVTV. ThS Nguyễn Hữu An, tâm sự: “Thời gian qua khi xuất hiện bệnh đạo ôn, chúng tôi đã có khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc dùng thuốc; nhưng qua “tiếp thị quảng bá” của một số DN thuốc BVTV trên phương tiện thông tin đại chúng, bà con đã phun phối hợp thuốc bón lá kết hợp với thuốc trừ đạo ôn; cụ thể là dùng hỗn hợp Boom Flower và Filia. Kết quả cho thấy, ruộng phun hỗn hợp này bị bệnh đạo ôn nặng hơn ruộng không phun".
Việc dùng thuốc là con dao hai lưỡi. Nhưng làm thế nào để người nông dân thấy được hết tác hại nguy hiểm của thuốc BVTV đến sức khỏe và môi trường của họ là điều cần có sự khuyến cáo đủ mạnh và đồng bộ. Điều đó không chỉ là yêu cầu được đặt ra với cán bộ BVTV mà còn đòi hỏi trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp sản xuất phân, thuốc và cả ý thức trách nhiệm của những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác quảng cáo trên những phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo, đài. |
"Rõ ràng, việc quảng cáo thuốc BVTV trên đài quá nhiều và cũng không có chế tài đủ mạnh để tránh những quảng cáo sai, thổi phồng lợi ích của thuốc mà xem nhẹ tác hại của chúng. Bộ NN-PTNT cũng đã thấy vấn đề này, nên đã tổ chức từ năm ngoái tới nay 2 cuộc họp (một cuộc họp riêng cán bộ BVTV; một cuộc họp chung có các doanh nghiệp). Nghe đâu, còn chờ một cuộc họp riêng nghe doanh nghiệp có ý kiến trước khi ngành chức năng ra quy định chặt chẽ hơn về quy định quảng cáo", ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm điều này.
Điều đáng ngại khác làm tăng tình trạng nhiễm độc môi trường là việc người dùng thuốc BVTV vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì trên đồng ruộng, dưới kinh, mương. Hỏi một số nông dân cách xử lí vỏ bao bì như thế nào, họ đều “ngạc nhiên không hiểu” và khi nhận ra vấn đề, họ đều thản nhiên trả lời là “xài đâu vứt đó, chớ chả lẽ mang về?!”.
Còn sinh viên Trần Hoàng Anh, ngành bảo vệ thực vật, Trường Đại học Cần Thơ, tham gia đợt phát quà cho nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc sử dụng đổi lấy quà của Cty, cho biết thêm một chi tiết đáng báo động: “Trong đợt đi phát quà, tụi em phải mang quà về trả lại Cty rất nhiều. Lí do là vì, chỉ khoảng 10 người trong 1 xã là có thu gom vỏ bao bì còn phần lớn là dùng xong vất đại đâu đó”.
ThS. Nguyễn Hữu An cho biết thêm, có một điều tra năm 2010 của sinh viên ngành BVTV Trường Đại học An Giang, đưa ra một con số về việc sử dụng thuốc cho 3 vụ sản xuất lúa trong năm là, “khoảng 5.693 tấn thuốc nông dược đổ trên đồng; trong đó, vỏ bao bì thuốc chiếm khoảng 894,5 tấn, tương đương 14,64% lượng thuốc sử dụng”. Nếu con số này đúng thì thật là nguy hiểm cho chính sức khỏe người nông dân làm lúa và cũng đáng lo cho chính môi trường sống của họ.
Theo Báo NN