“Đừng sỉ nhục trẻ con bằng cách ví von nó với đứa trẻ khác..."
- Thứ hai - 07/05/2012 19:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại
Đừng dùng tư duy số đông áp đặt cho việc giáo dục trẻ em…
GS.Hồ Ngọc Đại cho biết: “Mấy trăm năm nay, xã hội ta vẫn tư duy số đông. Từ việc trẻ em không phải là người lớn đến trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ thì riêng tư duy ấy vẫn là tư duy lấy người lớn làm chuẩn. Không phải người lớn hoặc người lớn thu nhỏ chung quy vẫn là lấy người lớn làm chuẩn. Cái tư duy ấy không xác định được đối tượng trẻ em. Họ không hình dung được, không biết được về trẻ em mà chỉ biết về người lớn…” .
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại (Ảnh Thu Hòe)
Để chống lại những tư duy như thế về trẻ em, ngay từ những năm 60 - 70, GS.Hồ Ngọc Đại đã đặt trẻ em là trẻ em, là một đối tượng độc lập, không có sự dính dáng đến người lớn. Ông nghiên cứu về trẻ em và đặt trẻ em là một đối tượng độc lập và khẳng định, trẻ em sống trong xã hội của người lớn, chung sống với người lớn nhưng luôn là chính nó, tức là một đối tượng độc lập.
“Và đã là một đối tượng độc lập thì trẻ em sẽ có sự vận động theo đúng cái lôgic nội tạng của nó, có những quy luật của riêng nó.
Trẻ em là trẻ em có thể phát triển độc lập nếu trẻ em sống trong xã hội người lớn, sống chung với người lớn thì trẻ em mới phát triển thành trẻ em. Hay nói đúng hơn, trẻ em là “con đẻ”của xã hội người lớn. Những quy luật của trẻ em phản ánh thật quy luật của xã hội đương thời.
Nghiên cứu về trẻ em trong xã hội ngày nay khác xã hội ngày xưa. Trẻ em của thế kỷ 20 khác trẻ em của thế kỷ 21. Đầu năm 2001, Mỹ công bố bản đồ gen cho thấy trẻ em sinh ra có 99,94 % số gen giống nhau. Số gen khác nhau chưa đến 1/100 nhưng lại không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Trẻ em khác nhau không phải do gen quyết định mà do tinh thần quyết định. Để có tính chất giáo dục và xử lý trong đời, tôi gọi trẻ em là một thực thể tự nhiên. Cha mẹ như thế nào, xã hội như thế nào nó phản ánh vào trẻ con như thế đó…”, GS.Đại nhấn mạnh.
Trẻ con đang bị giáo dục theo kiểu áp đặt tư duy số đông của người lớn (Ảnh minh họa)
Giáo dục theo kiểu noi gương, khen chê góp phần làm hỏng trẻ con
GS. Hồ Ngọc Đại cũng nhấn mạnh rằng, mỗi khi trẻ em sai phạm người lớn thường đi tìm nguyên nhân và truy vấn từ chính đứa trẻ đó. Tuy nhiên, người lớn lại không biết rằng, nguyên nhân sai phạm của trẻ được bắt nguồn từ chính những người lớn xung quanh. Thay vì hỏi đứa trẻ tại sao con mắc lỗi này thì cha mẹ, thầy cô giáo phải hỏi ngược lại với chính mình rằng: Tại sao mình khiến trẻ mắc lỗi?
Theo GS.Đại: “Xã hội hiện đại không phải là xã hội ngự trị của phạm trù người mà là xã hội ngự trị của phạm trù cá nhân.
Giáo dục trẻ con trong xã hội hiện đại là không có thi đua, không có khen, chê. Chúng ta gắn trẻ con vào thi đua, vào khen chê trong giáo dục. Chúng ta đã vô hình chung sỉ nhục trẻ con bằng việc khen trẻ con quá mức, chê trẻ con thậm tệ hay so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác. Giáo dục theo kiểu noi gương, thi đua là chuyện tào lao góp phần làm hỏng trẻ em.
Sách cho trẻ con suy cho cùng là sách cho từng đứa trẻ. Nó chấp nhận đến đâu ta thừa nhận đến đấy, không so sánh nó với người khác. Tôi về các địa phương tôi thường cấm không được chê trẻ con. Khi trẻ con kém cỏi bản thân nó đã nhận thức được và thấy khổ, người lớn còn chê, đay nghiến thì nó càng khổ sở hơn.
Giáo dục hiện đại là nền giáo dục trong phạm trù cá nhân theo logic nội tạng. Mỗi học sinh là 1 thực thể tự nhiên, không nên bắt ép trẻ con học khi chúng không thích và thấy quá sức, không phù hợp…”.
Không nên giao bài tập về nhà nhiều cho học sinh tiểu học
Trước câu hỏi: Có nên hay không nên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học? GS.Hồ Ngọc Đại bày tỏ quan điểm: “Trẻ cần rèn tính tự lập, tự học khi còn là học sinh tiểu học. Việc giao bài tập về nhà cho học sinh không có gì là xấu nhưng giao quá nhiều thì lại là vấn đề.
Không nên giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Học sinh tiểu học cần được chơi nhiều hơn học (Ảnh Thu Hòe)
Bài tập về nhà giúp trẻ tự học nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ cần 30 phút mỗi tối. Học sinh tiểu học tuyệt đối không học quá nhiều thời gian ở nhà. Chúng cần được chơi nhiều hơn là học. Và khi trẻ không thích làm bài tập về nhà, giáo viên và phụ huynh cũng không nên ép trẻ phải làm bằng mọi giá. Như vậy là không tôn trọng trẻ và tạo cho trẻ sức ép tâm lý làm chúng sớm sợ việc đến trường, đến lớp, sợ bài tập, sợ thầy cô giáo…".
Theo Giáo dục Việt Nam