Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Ép bằng cấp sẽ sinh ra tiến sĩ giấy

Minh họa

Minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu, đến năm học 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho cho rằng, nếu ép quá sẽ xuất hiện nhiều “tiến sĩ giấy”.

Khát giáo viên

Với số lượng các trường đại học hiện nay, đặc biệt là các trường dân lập ồ ạt mở ra trong 5 năm gần đây, nhiều trường rơi vào tình trạng “khát giáo viên” trầm trọng.

Theo kết quả kiểm tra thí điểm của Bộ GD&ĐT ở 24 trường ĐH vừa qua thì có tới 41 ngành học của 16/24 trường không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ lẫn thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. Trong khi đó, Bộ quy định khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ.

Lượng giảng viên cơ hữu của các trường dân lập hiện nay chỉ đạt khoảng 50%, số còn lại là giáo viên thỉnh giảng. Ví dụ, Đại học Văn Lang (TP HCM) – một trong những trường ĐH dân lập thâm niên nhưng đến nay cũng mới chỉ có 50% giảng viên chính thức, số còn lại là giáo viên thỉnh giảng ở các trường khác trong thành phố hoặc doanh nghiệp. Tương tự, ĐH Văn Hiến chỉ có khoảng 30%, ĐH Đông Đô 50%. Không chỉ các trường ngoài công lập, một số trường ĐH công lập như ĐH Công nghiệp Hà Nội  cũng chỉ có khoảng 50% , ĐH Kiến trúc Đà Nẵng xấp xỉ 50% giảng viên cơ hữu. Thêm nữa, số lượng giảng viên có trình độ trên cử nhân (thạc sĩ, tiến sĩ – PV) ở các trường ĐH, cả ngoài công lập và công lập hiện này còn quá “hiếm”. Cụ thể, ĐH Công nghiệp Hà Nội có tới 6 ngành không có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; ĐH Công nghiệp TP HCM có 1 ngành đào tạo trình độ đại học chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có 4 ngành đào tạo trình độ đại học chưa có GV cơ hữu có trình độ tiến sĩ. Còn các trường ngoài công lập như: ĐH Chu Văn An, ĐH Đại Nam, ĐH Hòa Bình, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Sài Gòn, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Hoa Sen, ĐH Cửu Long, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, , ĐH Đông Đô, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có giáo viên trình độ tiến sĩ ở nhiều ngành.

Theo đó, việc lo đủ giáo viên cơ hữu (25 sinh viên/giảng viên – PV) và số thạc sĩ, tiến sĩ để đủ điều kiện mở ngành theo quy định của Bộ, các trường còn “méo mặt” nói gì đến việc xóa sổ “cử nhân dạy cử nhân” chỉ trong 2 năm tới.

Bài toán kinh phí

Ông Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn cho biết, hiện nay nguồn kinh phí nhà trường thu được từ đào tạo chính quy chỉ đủ để trả lương cho giảng viên. Do đó, nếu Chính phủ không hỗ trợ thêm ngân sách thì trường rất khó khăn trong việc đào tạo, nâng cấp giảng viên. Tại ĐH Thái Nguyên, nguồn giảng viên có trình độ trên cử nhân của trường hiện nay vẫn chủ yếu theo hướng “tự cung, tự cấp”, đào tạo người nào thì sử dụng được người đó. Còn việc tuyển từ bên ngoài vào rất khó khăn, bởi với cơ chế lương thưởng hiện nay các trường chưa đủ sức hấp dẫn để cuốn hút nhân tài bằng các cơ quan bên ngoài. Cũng theo ông Vui, Nhà nước cần phải có cơ chế động viên, khen thưởng để chiêu hiền đãi sĩ như cơ chế hiện nay, một số giảng viên sau khi được nâng cao trình độ sẽ tìm một bến đỗ khác tốt hơn ở các trường ĐH, CĐ.

Việc hoàn thành mục tiêu đó của Bộ càng khó khăn hơn với các trường ngoài công lập khi họ phải hoàn toàn tự túc về kinh tế, nhiều trường còn chưa có đủ giáo viên cơ hữu. TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đưa ra bài toán: Lương bình quân thạc sĩ hiện nay là 6 triệu đồng/tháng và 1 triệu đồng tiền phúc lợi. Vậy nếu theo đúng tiêu chí xây dựng của Bộ để ra thì mỗi sinh viên phải đóng tối thiểu 20 triệu/năm. Trong khi, mục tiêu của xã hội hóa không phải là hướng vào con nhà giàu mà là hướng tới những gia đình nghèo không có điều kiện cho con đi học nước ngoài cũng như hướng tới nhu cầu học tập của số đông với tín dụng sinh viên 1 triệu đồng/tháng. “Các trường ngoài công lập vẫn phải gồng mình vì không được bao cấp của Nhà nước, đấy mới là bài toán dừng ở giảng viên là thạc sĩ, nếu đòi hỏi trình độ GS, TS thì con số sẽ không dừng ở đó”, ông Khuyến than thở.

Không nên ép bằng cấp

Với áp lực kinh phí và thời gian gấp gáp, nhiều người lo ngại nếu như ép quá thì sẽ dẫn đến làm liều. Như vậy, số lượng “tiến sĩ giấy” sẽ ngày càng nhiều. Theo ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông, xét đại thể thì những người có bằng cao thì sẽ giỏi hơn, có trình độ cao hơn những người có bằng thấp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì ngược lại. Việc Bộ ráo riết yêu cầu các trường nhanh chóng chấm dứt tình trạng “cơm chấm cơm” (cử nhân dạy cử nhân – PV) là do những năm gần đây chúng ta “nấu cơm” kém chất lượng. Trong thực tế, nhiều người “cơm” còn quý hơn “thịt”.

Do đó, ông Dụ cho rằng, Bộ chỉ nên nêu ra chỉ tiêu đó để lùa các trường tạo luồng gió mới chứ không nên áp đặt. Bởi lẽ, việc lấy được bằng thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay không khó nhưng vấn đề là chất lượng thế nào.  “Nhiều bằng thạc sĩ bây giờ đôi khi mới chỉ là tổng hợp kiến thức sau đại học chứ chưa đạt được trình độ thật sự của một chuyên ngành thạc sĩ”, ông Dụ nhận xét.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT cũng cho rằng, khi Bộ đề ra mục tiêu thì cần đưa ra những biện pháp kèm theo chứ không thể chỉ nói suông. Bởi lẽ, nếu không cẩn thận, việc đề ra chỉ tiêu đề ra sẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều tiến sĩ giấy.  “Khi đưa ra chỉ tiêu này đáng lẽ Bộ phải yêu cầu các trường lập danh sách thống kê xem còn bao nhiêu cử nhân rồi có chính sách cho họ đi học chứ không nên chỉ đưa ra khẩu hiệu là hết trách nhiệm”, ông Nhĩ nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Hồng Quân nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng không nên ép nhau về bằng cấp mà nên chú trọng đến năng lực. “Nếu chúng ta có năng lực thật thì tiến sĩ giả không còn đất sống, còn nếu chúng ta vẫn chạy theo bằng cấp thì tiến sĩ giả sẽ ngày càng nhiều”, ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, việc Bộ đề ra mục tiêu trên ở năm 2014, tuy có khó khăn cho các trường nhưng không phải không làm được. Điều cốt yếu là chúng ta phải vạch ra những bước đi một cách rõ ràng và phải thật quyết tâm thì mới đạt được mục tiêu đó theo đúng nghĩa. Còn nếu các trường làm ẩu, làm dối cốt để lấy thành tích thì chất lượng thật của giáo dục sẽ không được cải thiện.
Nguồn (Petrotimes)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây