GIÁ TIÊU CÁC NƯỚC VƯỢT VIỆT NAM NHỜ… THƯƠNG VỤ VIỆT Ở TÂY BAN NHA?
- Thứ bảy - 05/03/2016 12:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Hoạ
Ông Phan Minh Thông – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu VN, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Phúc Sinh đã dành riêng cho DĐDN bài viết về vấn đề này với tinh thần xây dựng, bởi VN đang có hàng trăm mặt hàng xuất khẩu và tình huống này có thể lặp lại với bất kỳ mặt hàng nào.
Một vấn nạn “gốc” của ngành hàng tỷ đô 4 năm chưa giải
Tiêu đen là sản phẩm nông sản được VN xuất khẩu với sản lượng và kim ngạch lớn mấy năm gần đây. Niên vụ 2014/2015, hồ tiêu xuất khẩu của VN đạt kim ngạch 1,21 tỷ USD, lần đầu tiên hồ tiêu tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Riêng 2015, cả nước xuất khẩu ước đạt 130.000 tấn hồ tiêu, giá trị đạt khoảng 1,24 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm trước. Trong đó, tiêu đen chiếm khoảng 50% khối lượng xuất khẩu của VN.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, tiêu đen xuất khẩu của VN gặp một vấn đề: Đôi khi một vài container hàng xuất đi thị trường Châu Âu, qua kiểm định bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt giới hạn cho phép. Thông thường khi gặp tình huống đó, các nhà xuất khẩu và người mua nước bạn đều sẽ cùng nhau xử lý.
Việc xử lý trong thực tế, đặc biệt khi đến tay người sản xuất chế biến cũng không hề dễ dàng, bởi nếu có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép bị phát hiện ở tiêu, thì lô hàng đó dù được “làm đẹp”, bản chất dư lượng thuốc trừ sâu khó rửa sạch. Nôm na là lô hàng đó đã “nhiễm trùng trong ruột”. Việc tắm rửa sạch sẽ, xông hơi bên ngoài không giải quyết được gì. Chất lượng sản phẩm, theo đó phải khởi đi ngay từ bên trong ruột sản phẩm và phải được xử lý ngay từ khâu trồng trọt, thu hái và bảo quản – xử lý từ ngay công tác canh tác của người nông dân, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào chế biến sơ sau thu hoạch hay kỹ thuật “make –up” của các bên bán mua.
Vấn đề này cũng được Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn, các cơ quan dưới bộ, chính quyền xã địa phương, Hiệp hội, các nhà xuất khẩu và người nông dân trồng tiêu nhận diện, tìm phương thức xử lý. Thời gian chúng ta nhận diện và xử lý câu chuyện đi từ “gốc” của nông sản này đã kéo dài suốt…. 4 năm qua.
Khi điều kiện cơ bản là một phần hàng hóa của chúng ta xuất đi đang chưa giải quyết được dứt điểm vấn nạn dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, công việc kinh doanh và giữ giá, giữ vị thế hàng hóa tiêu VN trên thị trường quốc tế, ở góc độ DN càng không dễ dàng. Nắm giữ khâu cuối cùng trong việc kinh doanh xuất khẩu là bán hàng ra nước ngoài cho nông dân và thu ngoại tệ cho đất nước, với điều kiện kinh doanh ngày càng ngặt nghèo bởi hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của những thị trường nghiêm ngặt như châu Âu, mỗi một DN xuất khẩu vừa phải thấu hiểu vấn nạn “gốc” của hàng hóa mình thu mua, vừa phải có giải pháp, phân loại tiêu chuẩn theo từng đơn hàng để vượt qua mọi rào cản.
Thương vụ Việt cung cấp thiếu kiểm chứng thông tin về doanh nghiệp Việt
Một hôm, chúng tôi được một đồng nghiệp chia sẻ tin nhắn trên mạng xã hội của một đầu báo lớn: Tiêu VN bị cảnh báo về chất lượng và dư lượng thuốc trừ sâu, theo thông báo của Thương vụ VN tại Tây Ban Nha. Theo đó, Thương vụ VN tại Tây Ban Nha cung cấp tên Cty Phúc Sinh cho báo chí. Một loạt các kênh thông tin truyền thông trong nước đăng lại. Sau đó là các hãng thông tấn nước ngoài dịch lại cho báo của họ tại nước nhập khẩu.
Khi đọc báo, tôi mới phát hiện ra tên Cty mình và lập tức tôi có ý nghĩ: Tại sao Thương vụ Việt không gửi thông tin kiểm chứng/đối chiếu với DN Việt trước khi cung cấp thông tin cho báo chí, cho các phương tiện truyền thông? Trong trường hợp này Thương vụ VN tại Tây Ban Nha là đại diện cho cơ quan Nhà nước VN tại thị trường nước bạn, mà Phúc Sinh lại là Công ty xuất khẩu nhiều tiêu nhất VN, nhưng Thương vụ lại không hề làm việc với chúng tôi để có đối soát, kiểm chứng? (Năm 2015, doanh thu của Phúc Sinh là 250 triệu USD và ngành tiêu Việt xuất khẩu với doanh thu 1.27 tỷ đô).
Điều đáng nói nữa là trong thông tin Thương vụ VN tại Tây Ban Nha cung cấp cho báo chí, có lẽ do chưa được kiểm chứng nên Cty Phúc Sinh bị biến thành Cty… Phục Sinh. Lô hàng mà Thương vụ thông báo phía Tây Ban Nha đang đình lại cũng được ghi nhận xuất xứ, sản lượng, địa điểm nhập khẩu… có phần sai khác. Đây cũng là lí do khiến chúng tôi gần như không hề hay biết cho đến khi đọc báo, bởi trên thị trường VN nói riêng, đã và đang có một vài CTy “nhái” tên Phúc Sinh, mượn danh Phúc Sinh để tìm kiếm đối tác và xuất khẩu hàng.
Việc bị nêu tên bất ngờ như vậy đã dẫn đến một…làn sóng hỏi thăm. Trước hết là các ngân hàng, những đơn vị vẫn cung cấp tín dụng thư cho Phúc Sinh, các Bộ, ban ngành trong nước, rồi các cơ quan báo chí… Tôi cố gắng chia sẻ thông tin dễ hiểu nhất: Đây là vấn nạn “gốc” của ngành nông sản VN và Phúc Sinh – một thành viên của nông sản Việt đã, đang phải đối mặt. Giải pháp lớn để xử lý là: Cần một sự vào cuộc để giải quyết dứt điểm vấn nạn gốc ngay từ cấp Trung ương đến địa phương, với những hoạt động cụ thể từ cấp bộ và đặc biệt là từ Cục quản lý cấp phép, kiểm soát tình trạng nhập khẩu hóa chất vào VN. Theo đó, những danh mục hóa chất nào mà các thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Nhật…đưa vào danh mục cấm, thì ta cũng cần nghiêm cấm nhập khẩu và phạt nặng nếu phát hiện có trôi nổi hoặc sử dụng trên thị trường. Như vậy thì không chỉ hàng hóa Việt sẽ không bị “ách” lại ở những thị trường có tiêu chuẩn cao mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng sẽ được hưởng lợi. Bản thân Phúc Sinh có giải pháp riêng dựa trên phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, chúng tôi phân loại tiêu chuẩn theo đơn hàng và nhu cầu, mức độ chấp thuận tiêu chuẩn chất lượng của thị trường/DN…
Với giá tiêu ngày càng tăng cao trong suốt 4 năm qua, với một cơ chế quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát và chế tài nghiêm nhặt từ trong nước, không thể trách được người nông dân… tham lam; cũng không thể trách được DN tại sao biết hàng Việt có thuốc trừ sâu mà vẫn thu mua và xuất khẩu, hoặc chọn giải pháp phân loại đơn hàng “tiền nào của nấy” như Phúc Sinh.
Một điều tôi cũng muốn chia sẻ là trong 4 năm qua, các nhà nhập khẩu vẫn thường xuyên có cảnh báo đối với tiêu Việt. Ngay cả Hiệp hội Gia vị Châu Âu và Hiệp hội gia vị Mỹ cũng đã đến làm việc với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vào tháng 10 năm ngoái về vấn đề này. Hiện họ cho chúng ta thời gian, còn phía chúng ta đang cam kết xử lý.
Trong khi quốc tế – những quốc gia vẫn đang nhập khẩu tiêu Việt đã tạo điều kiện cho chúng ta như vậy, không thể tin được đại diện của ta tại nước ngoài, lại cung cấp thông tin chính thức thiếu kiểm chứng. Hệ quả là một loạt các vấn đề ngay sau đó đã liên tiếp xảy ra: Đầu tiên, tôi nhận được các bài dịch qua tiếng Anh của các báo nước ngoài cho Cty của họ trên toàn thế giới. Với thị phần xuất khẩu tiêu của Phúc Sinh chiếm 8% thị phần xuất khẩu tiêu toàn cầu mỗi năm, nghiễm nhiên tiêu VN bị hâm nóng tin cảnh báo tới các đối tác. Các bạn biết đấy, dù hiểu rõ hàng hóa của VN, nhưng các Cty mua hàng trên thế giới tất nhiên vẫn sẽ chịu tác động. Họ lưỡng lự, ép giá tiêu VN và dẫn lý do vì là nguồn tin của Thương vụ VN tại Tây Ban Nha cung cấp xuất bản trên thông tin chính thống (!).
Ngành tiêu Việt lập tức rớt giá!
Ngày 27/2/2016, tôi tham dự Hội nghị Gia vị thế giới (WSC) do Ấn Độ tổ chức. Trước mặt tôi, tin này cũng được dịch và công bố cho toàn bộ mọi đại diện quốc tế tham gia. Các Cty lớn bắt đầu câu hỏi, xoáy vào vấn đề này, gửi thêm cho tôi đường link. Đặc biệt các CTy thu mua hàng quốc tế vẫn luôn cạnh tranh với DN VN đến từ Anh, Hà Lan, Indonesia và Ấn Độ, không ngừng nói đến thông tin từ Thương vụ.
Nhiều đối tác Ấn Độ, khách hàng của tôi cho biết họ vừa bán được cho khách Châu Âu những lô hàng giá cao do tiêu của VN có vấn đề. Họ cũng cho tôi xem bài báo.Và họ nói nếu không có thông tin này, thì sẽ khó tìm kiếm khách hàng mua tiêu Ấn Độ khi mà tiêu VN đang vào mùa.
Ở phòng chờ sân bay Mumbai, Ấn Độ để trở về, 1 Cty xuất khẩu VN gọi điện xin tư vấn. Họ nói chính phủ Indonesia đã ra văn bản yêu cầu điều tra tiêu VN và muốn nhập tiêu VN vào Indonesia thì phải chứng minh được dư lượng thuốc trừ sâu cho phép phù hợp với họ và phòng thí nghiệm phải được sự phê chuẩn của Indonesia. Thế là các lô hàng sắp tới bán cho Indonesia bị dừng lại. Tôi cũng không biết trả lời sao.
Giá tiêu sau 2 ngày họp tại WSC đã giảm 1000 USD/ tấn. Có thể thấy thị trường bấn loạn bởi tin này. Trước tình trạng đó, tôi chỉ muốn đặt thêm một câu hỏi: Trong khi các đại diện Mỹ và Châu Âu đã nhận biết vấn đề này và cho chúng ta thời gian để cùng xử lý, tại sao đại diện VN ở Tây Ban Nha lại không hề nhận biết được thực chất vấn đề, cung cấp thông tin thiếu trách nhiệm? Thậm chí mới đây nhất, Bộ Công Thương có tổ chức hội nghị với đại diện của Tham tán các Thương vụ ở các thị trường ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đến gặp và yêu cầu được làm việc với Thương vụ VN tại Tây Ban Nha. Câu trả lời chúng tôi nhận được là: Họ bận!
Rồi đây, nếu các cơ quan quản lý tiếp tục “bận”, các nhà xuất khẩu Indonesia, Ấn Độ, Brazil… những quốc gia đang xếp hàng ngay sau VN về xuất khẩu tiêu, sẽ tranh thủ đẩy mạnh hơn nữa vấn đề thông tin từ chính Việt Nam cung cấp, để thu lợi tốt hơn cho họ.
Nông dân và DN VN mất hàng ngàn tỷ đồng, còn các nước trên phải cảm ơn Thương vụ VN tại Tây Ban Nha mới phải!
Phan Minh Thông
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN
Chủ tịch HĐQT-TGĐ CTCP Phúc Sinh