Găm cà phê chờ giá - Có lợi không?
- Thứ hai - 27/02/2012 22:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Nhà nông tự trữ
Ngay từ đầu vụ thu hoạch, cà phê nhân xô trên địa bàn Tây Nguyên có giá 42.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã rớt xuống mức 39.000 đồng/kg. Giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư thì chỉ có lời chút ít nên người dân đang găm hàng chờ giá lên mới bán. Ông Nguyễn Văn Đệ (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, Đắc Lắc) có 5 tấn cà phê nhưng ông đã bán 2 tấn cách đây một tháng để đầu tư cho vườn cà phê, còn lại 3 tấn để chờ giá cao mới bán. “Cần tiền đầu tư tôi bán thôi, chứ bán giá 38.000 đồng/kg thì nhà nông chúng tôi chỉ có dư chút đỉnh. Những năm trước, chúng tôi thường gửi đại lý nhưng nay họ vỡ nợ nhiều quá, vì thế bây giờ tự trữ cho chắc ăn”.
Với nhiều nông dân, tự tạm trữ cà phê đồng nghĩa với việc phải tự xoay xở vốn để tái đầu tư sản xuất nên cũng rất khó khăn. “Chúng tôi biết rằng tự tạm trữ sẽ khó khăn nhưng không thể làm cách nào khác được, phải tự xoay xở lấy vốn đầu tư mà thôi. Chờ vài ba tháng giá lên cao rồi bán cũng chưa muộn, chứ bán bây giờ thì thiệt lắm vì chẳng có lời bao nhiêu”, ông Võ Công Thành (ở xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, Đắc Lắc) trăn trở.
Trong lúc đó, một số gia đình có điều kiện còn mua thêm cà phê của những người cần bán gấp để dự trữ, chờ giá cao bán kiếm lời. Ông Dương Mạnh Tăng (chủ đại lý thu mua cà phê ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) cho biết: “Mặc dù nông dân bán ra ít, nhưng chúng tôi cũng gom được kha khá rồi. Với những nhà có khoảng 3 tấn trở xuống thì họ cũng đã bán gần hết, còn những nhà có từ 7 tấn trở lên thì họ lại mua thêm trữ lại và khi nào được giá mới bán”.
Tuy nhiên, việc nông dân găm hàng không gây bất lợi nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đắc Lắc. Từ đầu năm đến nay, Đắc Lắc đã xuất khẩu trên 60.000 tấn cà phê, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng theo các doanh nghiệp, do bà con nông dân không có nhiều vốn để trữ hàng lâu nên sớm muộn cũng phải bán ra thị trường, bởi vậy xuất khẩu cà phê vẫn đạt chỉ tiêu.
Ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắc Lắc - Simexco Đắc Lắc, cho biết: “Do giá cà phê thấp nên nông dân ít bán và hiện công ty mới thu mua được hơn 30.000 tấn, đạt 30% kế hoạch. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây công ty đã thay đổi hình thức xuất cà phê từ “giao sau” sang “giao ngay” nên không còn lo lắng về nguồn cung. Bây giờ nông dân bán bao nhiêu, chúng tôi mua bấy nhiêu và xuất rải rác cả năm”.
Còn ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công TNHH Anh Minh, cũng cho biết: “Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đắc Lắc đã chuyển sang hình thức “mua ngay, bán ngay”. Vì thế, họ không còn lo lắng mấy trước việc nông dân găm cà phê chờ giá”.
Không phải là biện pháp tối ưu
Vậy việc nông dân “găm” cà phê có lợi hay không? Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương Đắc Lắc, cho rằng: “Việc nông dân găm cà phê chờ giá là một tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy họ đã tích lũy được một số vốn nhất định để đối phó với những dịp cà phê rớt giá. Trong khi đó, thị trường cà phê Việt Nam sẽ được lợi về giá khi giảm được tình trạng bán ra ồ ạt như trước đây. Còn Chính phủ, giảm được được nguồn vốn đầu tư cho việc thu mua tạm trữ cà phê”.
Cả ông Lê Đức Thống và ông Phan Hùng Anh đều cho rằng: Việc găm cà phê chờ giá sẽ giúp nông dân hưởng lợi về giá và doanh nghiệp giảm được áp lực về tài chính, chế biến, bán hàng… Từ đó, tránh được việc bị nước ngoài ép giá. Còn theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắc Lắc, việc nông dân găm cà phê chờ giá là tốt nhưng trên thực tế số lượng này không nhiều. Những nông dân có diện tích 1ha trở lên mới trữ được cà phê, trong khi ở Tây Nguyên con số này chỉ có khoảng hơn 30%. Vì thế, nó cũng chưa có tác động nhiều đến việc tăng giá cà phê.
Theo cảnh báo của một số chuyên gia và thương nhân, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc găm hàng cũng không hoàn toàn là biện pháp tối ưu, thậm chí phải “trả giá” nếu giá quay đầu giảm bởi khi ấy sẽ diễn ra hoạt động bán tháo ồ ạt và giá sẽ rớt mạnh hơn.
Theo SGGP