Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Giá cả từ chợ tới siêu thị đang 'nhảy lambada'

Minh họa

Minh họa

Các siêu thị tại TP HCM cho biết, từ nay đến giữa tháng 4 sẽ có hàng loạt mặt hàng tăng giá do giá đầu vào tăng.
Theo đại diện các nhà bán lẻ, không phải tất cả những thông báo tăng giá đều hợp lý. Do đó, siêu thị luôn cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét tất cả các yếu tố để đánh giá và chấp nhận việc tăng giá của nhà cung cấp hay không. Có nhiều trường hợp, siêu thị từ chối đặt hàng do tăng giá không hợp lý.

Ông Phạm Hữu Nghị, phòng marketing - siêu thị Lotte Mart, cho biết, từ ngày 7/3 (thời điểm tăng giá xăng dầu) đến  nay, Lotte Mart đã nhận 80 thông báo tăng giá của các nhà cung cấp. Mức tăng trung bình 10 - 15%, thuộc các nhóm hàng: thực phẩm khô (bia rượu nước giải khát, hàng gia vị), hàng đông lạnh, trang trí nội thất, văn hóa phẩm, hóa mỹ phẩm. Lý do nhà cung cấp đưa ra là do giá xăng, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng. “Riêng ngành hàng thực phẩm tươi sống, có báo giá tăng cao hơn 50% so với giá cũ. Điều này do hàng tươi sống là mặt hàng nhạy cảm và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng, dầu, do phải vận chuyển trong thời gian ngắn để đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng tốt”, đại diện Lotte Mart lý giải.

 
Hàng hóa liên tiếp chịu áp lực tăng giá sau khi giá xăng tăng.

Tương tự, các siêu thị Co.opmart, Citimart, Big C cũng cho biết, liên tiếp nhận được thông báo tăng giá. Đợt này, các nhà cung cấp ở đều các ngành hàng đã đề nghị điều chỉnh tăng 5 - 10%, chứ không riêng ngành hàng nào, với lý do tương tự. Như tại Big C, một số mặt hàng được đề nghị tăng như rượu Hồng Đào tăng khoảng 2%, nước uống không gas Interfood tăng 4%, nước ngọt SG Phương Nam tăng 7%, cà phê Trung Nguyên tăng khoảng 4%, sữa Vixumilk tăng khoảng 3%... Còn thông tin từ các đại lý, giấy Sài Gòn sẽ tăng 7 – 8% từ 1/4.

Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng gia vị, mỹ phẩm đã tăng 1.000 – 2.000 đồng/sản phẩm. Tiểu thương cho biết thường chỉ biết giá tăng khi lấy hàng đợt mới nên khi giá tăng phải bán tăng.

Thống kê tại siêu thị LotteMart, đợt tăng giá lần này khiến sức mua của khách hàng giảm rõ rệt. Người tiêu dùng có xu hướng tập trung vào các mặt hàng giảm giá và khuyến mãi, còn những mặt hàng khác có điều chỉnh tăng giá (ngoài hàng thiết yếu) thì sức mua giảm 5 -10% so với trước khi tăng giá. “Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng gần đây thay đổi rõ rệt. Khách hàng quan tâm thường xuyên hơn các chương trình khuyến mãi, cũng như đăng ký hội viên để được ưu đãi mua hàng giảm giá và tích lũy điểm. Đồng thời, tập trung vào các mặt hàng Việt giá tương đối, hạn chế các mặt hàng cao cấp, hàng nhập khẩu”, đại diện LotteMart nhận xét.

Tại các chợ truyền thống ở TP HCM, “ế” là câu cửa miệng của các tiểu thương. Bán không được, nhiều loại củ, quả chuyển sang đứng hoặc giảm như: cà rốt, khoai tây Đà Lạt 15.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg, bí đỏ 14.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Riêng hành tươi tăng lên 25.000 đồng/kg, chanh tươi tăng mạnh 40.000 đồng/kg. Các tiểu thương lí giải do thời tiết nóng và gần cuối mùa nên hút hàng, giá tăng.

 

Cam sành, bưởi tăng giá mạnh

Tại vùng chuyên canh bưởi Năm Roi của huyện Bình Minh (Vĩnh Long) giá bưởi đang ở mức cao ngất ngưỡng. Bưởi Năm Roi loại 1 trái/kg trở lên được thu mua tại vườn 15.000 - 16.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Còn bưởi xuất khẩu loại 1 cũng có giá 13.000 - 14.000 đồng/kg. Bưởi mua xô có giá 8.000 đồng/kg. Tại huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), cam sành được thu mua tại vườn 18.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước và tăng 14.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Giá cam sành liên tục tăng cao do đang vào mùa khô, nhu cầu sử dụng cam làm nước giải khát của người dân rất cao, cam lại vào cuối vụ nên cung không đủ cầu.

Theo DVO
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây