Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Gia nhập TPP lợi hay hại?

Minh Hoạ

Minh Hoạ

Hãng tin Bloomberg ngày 6.10 đã có bài phân tích chỉ ra những ích lợi, cũng như thiệt hại, phát sinh khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của một số nước thành viên.
Việt Nam được, mất gì khi gia nhập TPP? - ảnh 1

Việt Nam

Bloomberg trích dẫn báo cáo của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị hàng đầu thế giới Eurasia Group (Mỹ) đánh giá Việt Nam là một trong số những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP.

Hiệp định thương mại tự do này nhiều khả năng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11% tính đến năm 2025, trong khi xuất khẩu sẽ tăng vọt đến 28% do các công ty dời nhà máy sang Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ.  

Ngành may mặc Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc Mỹ và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu. Theo Bloomberg, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã có đủ khả năng giành thị phần với Trung Quốc nhờ nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, Bloomberg cũng dự đoán rằng ảnh hưởng từ việc giảm thuế sẽ bị hạn chế vì Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên vật liệu.

Ngành công nghiệp đánh bắt cá của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi do thuế nhập khẩu tôm, mực và cá ngừ tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật (vốn hiện đang ở mức trung bình từ 6,4% đến 7,2%) sẽ được gỡ bỏ.

Các nước gia nhập TPP sẽ phải gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với các loại dược phẩm (trung bình khoảng 2,5%). Điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các đối thủ ngoại. TPP cũng sẽ gia tăng bảo hộ bản quyền sáng chế và Bloomberg cảnh báo điều này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận các loại thuốc mới, cũng như hạn chế khả năng sản xuất các loại thuốc mới của doanh nghiệp dược Việt Nam.   

Nhật Bản

Bloomberg cho rằng các hãng sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi Nhật Bản có lẽ cũng nằm trong số những người hưởng lợi lớn nhất từ TPP do họ được xuất bán sang thị trường Mỹ với giá rẻ hơn so với thời gian chưa gia nhập.

Tuy nhiên, Nhật bị buộc phải cắt giảm bớt một số hàng rào bảo hộ dành cho nông dân trồng lúa của nước này. Theo đó, Tokyo phải tạo ra 1% hạn ngạch nhập khẩu không thuế trong tổng lượng tiêu thụ toàn ngành.

Nông dân chăn nuôi gia súc có lẽ là đối tượng chịu thiệt vì TPP do thuế suất dành cho thịt bò lẫn thịt heo đều sẽ bị cắt giảm.

Úc

Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Úc Malcom Turnbull thống kê TPP sẽ loại bỏ khoảng 6,4 tỉ USD khỏi hàng hóa xuất khẩu của Úc. Nước này cũng sẽ được phép thâm nhập vào thị trường đường Mỹ. Nhật Bản dự kiến sẽ cắt giảm thuế đánh lên mặt hàng này và việc Tokyo cũng cắt giảm thuế nhập khẩu thịt bò sẽ giúp người chăn nuôi Úc tăng sức cạnh tranh.

Trong quá trình đàm phán TPP, Úc và New Zealand đã thành công trong việc gây sức ép buộc Mỹ thỏa hiệp về thời gian bảo hộ các loại sinh dược mới. Mỹ đồng ý chỉ bảo hộ tối thiểu các công ty dược trong thời gian tối thiểu là 5 năm, thay vì 12 năm như trước đây. Điều này giúp hạ giá thành các loại thuốc quý, chẳng hạn như thuốc trị ung thư Avasti của Mỹ, theo Bloomberg.

Malaysia

Các nhà xuất khẩu điện tử, hóa chất, dầu cọ và cao su của Malaysia sẽ hưởng lợi từ TPP. Malaysia là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 toàn cầu và là một trong những nước trồng cây cao su lớn nhất thế giới.

TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây