Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Giá xăng có thể giảm tối đa 800 đồng một lít

Minh hoạ

Minh hoạ

Liên bộ Tài chính - Công Thương đang theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để ra quyết định hạ ngay giá bán lẻ trong nước. Phương án tăng thuế để tạo nguồn thu cho ngân sách cũng được tính đến.

Nguồn tin của Bộ Tài chính tiết lộ, phải cân nhắc kỹ phương án giá bản lẻ xăng dầu vì sau khi liên tục giảm mạnh, giá thế giới mấy ngày gần đây lại có xu hướng tăng trở lại.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu trên sàn London tăng 2,23%, lên mức 85,39 USD một thùng, cao hơn so với mức đáy thiết lập vào ngày 1/6 khoảng 2,08 USD.

Tại thị trường Singapore, nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, giá xăng dầu thành phẩm biến động khá mạnh trong những phiên đầu tháng 6. Sau khi giảm sâu trong ngày 4/6, giá xăng RON 92 đã hồi phục nhẹ thêm 2 USD một thùng vào ngày 5/6, giao dịch tại 106,81 USD. Các mặt hàng khác cũng tăng với biên độ từ 1,5 đến 2,2 USD, trong đó, giá dầu hỏa là 111,16 USD, dầu DO ở mức 113,36 USD. Mazut 3,5S là 594,62 USD mỗi tấn.

Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng 5, dầu thô đã mất gần 20,5 USD một thùng. Còn giá xăng dầu tại thị trường Singapore đã giảm hơn 18 USD.

Theo tính toán, với giá nhập khẩu như vậy, sau khi cộng các loại thuế, phí, hoa hồng...., mỗi lít xăng, doanh nghiệp lãi khoảng 1.000 đồng. Vì thế, mức điều chỉnh được liên bộ cân nhắc có thể là: tăng thuế 2-5% và giảm giá bán mức cao nhất 800 đồng một lít.

Ảnh: Hoàng Hà.
Liên bộ Tài chính - Công Thương đang cân nhắc phương án giảm giá xăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đều đồng thuận với phương án giảm giá ngay lập tức. Lãnh đạo khu vực phía Bắc của Tổng công ty dầu Việt Nam cho biết, nếu tính theo ngày, mức lãi từ kinh doanh xăng dầu khoảng 1.000 đồng mỗi lít. Nhưng trong hoàn cảnh lượng hàng tiêu thụ chậm, tồn kho của doanh nghiệp đầu mối lớn, có thể lên đến 40 ngày thì lợi nhuận khó đạt được như vậy.

Ông giải thích, lãi chỉ có khi bán được hàng. Trong khi chiết khấu của doanh nghiệp nhà nước thấp, chỉ khoảng 600 đồng, trong khi đơn vị nhỏ nhập nhanh bán nhanh, hàng tồn ít nên sẵn sàng chi chiết khấu 900 - 1.000 đồng. Điều đó dẫn đến hàng tồn kho lớn và tiêu thụ chậm.

Dẫu vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng cần giảm giá xăng dầu ngay lập tức, để đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này còn hạn chế sự canh trạnh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhờ đưa mức giá về một mặt bằng và sát với giá thế giới.

Theo đại diện của Saigon Petro, khoản lãi hiện nay trong kinh doanh xăng dầu phải căn cứ trên cách tính và thời gian tính giá. Bởi nếu mới nhập về thì lãi có thể lên đến 1.700 - 1.800 đồng, nhưng nếu để kho 10 ngày, 20 ngày... thì con số lại hoàn toàn khác.

Ông cho rằng, thời điểm này, giá xăng dầu nên giảm ngay. Việc điều chỉnh nên rút ngắn khoảng cách để theo sát thị trường thế giới. "Giảm nhiều lần, mỗi lần giảm một ít, tương tự lên giá có thể nhiều đợt nhưng không nên tăng mạnh", ông nói.

Trao đổi với VnExpress.net, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng mức giảm giá sẽ được Nhà nước, cơ quan liên bộ cân nhắc kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông, giảm bao nhiêu không quan trọng bằng giảm khi nào.

Ông Long cho rằng việc điều chỉnh giá là cấp thiết hiện nay để cùng với Chính phủ cứu doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh. "Giá xăng cần giảm ngay, để một tuần nữa mọi tính toán sẽ lại thay đổi", ông nói.

Trước thực tế 70% lượng xăng thành phẩm trong nước là nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cần chuyển đổi cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu Việt Nam hòa với nhịp của thị trường thế giới để đảm bảo hợp lý.

Từ đầu năm 2012, giá xăng trong nước tăng 2 lần, một lần thêm 2.100 đồng ngày 7/3 và 900 đồng ngày 20/4. Sau hai lần tăng, giá xăng dầu đồng loạt giảm hai lần. Ngày 9/5, giá xăng A92 giảm 500 đồng, dầu diesel giảm 300 đồng. Chiều 23/5, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm 600 đồng một lít, dầu diesel giảm 400 đồng.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 6/6, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, việc điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá xăng, dầu thế giới giảm thì không có lý do gì để giá trong nước không giảm.

Ông cho rằng điều chỉnh giá xăng, dầu là cả một nghệ thuật và rất phức tạp do chưa bao giờ giá thế giới đảo chiều liên tục như vậy. Đại biểu này đề xuất nên rút ngắn thời gian điều chỉnh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hợp lý.
Theo vnexpress

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây