Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Giá xăng dầu 'cản' mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Minh họa

Minh họa

Trước tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang bị phá vỡ.

Khó dừng lại ở 1 con số

Mặc dù Chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát năm 2012 phải dừng ở 1 con số, tuy nhiên, trước tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng cao, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại mục tiêu này có thể bị phá vỡ. Thậm chí, có người khẳng định lạm phát năm 2012 có thể tăng tới 12 – 13%.

Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Đăng Doanh, nguyênVviện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, mục tiêu kiềm chế lạm phát dừng ở 1 con số là ý định, thiện chí tốt lành của Chính phủ, nhưng trong kinh tế là chưa đủ và với tình hình hiện tại thì mức lạm phát của năm 2012 có thể vượt qua 12%.

“Mới chỉ qua 2 tháng đầu năm mà mức lạm phát đã tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, nếu chỉ số có giảm, chủ yếu là do sức mua giảm đi. Trong khi đó, hiện giá xăng dầu tăng tới 10%, giá ga tăng, giá điện sắp tới có thể cũng tăng nên chắc chắn sẽ đẩy giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lên mặt bằng mới. Do vậy, theo tôi, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2 con số mà Chính phủ đề ra rất xa vời.

Tôi dự đoán, mức lạm phát của nước ta năm 2012 chắc chắn sẽ phải trên 12%. Chưa kể thời gian tới sẽ có thêm những biến động bất thường khác như giá xăng dầu thế giới có thể lại tăng cao”, ông Doanh phân tích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định giá xăng dầu tăng tất yếu kéo hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khác tăng giá theo nên mục tiêu kiềm chế lạm phát khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ông Phong có phần lạc quan hơn khi cho rằng chỉ số lạm phát sẽ dừng ở mức 10 – 12%.

Cùng chung nhận định, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang chịu nhiều sức ép.

“Chỉ tiêu dừng mức lạm phát ở 1 con số trong năm 2012 đang gặp rất nhiều rủi ro từ sức ép của giá ga, giá xăng dầu…Trong khi đó, giá điện, tiền lương cũng chuẩn bị tăng nên mục tiêu này không hề đơn giản. Tất cả các dự báo năm nay đều cho rằng ở mức lạm phát phải ở khoảng 12 % - 13 %”, ông Thành nói.
 

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, giá xăng tăng, không sớm thì muộn các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng theo. Ảnh minh họa

Vẫn có thể hy vọng?

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng vẫn có thể hy vọng vào cách điều hành chính sách của nhà nước để đạt được mục tiêu đề ra. Ông Thành phân tích: “Bao giờ khi đề ra mục tiêu về chỉ số lạm phát, người làm chính sách cũng đều có tính toán trước về những cú sốc có thể xảy ra. Ví dụ như, người ta có thể tính toán rằng nếu với diễn biến bình thường thì lạm phát có thể dừng ở con số 7 % - 8%, dự trù thêm những cú sốc về giá thì có thể tăng thêm lên 9,9% chẳng hạn, thì đó vẫn là dừng ở 1 con số”.

Theo ông Thành, hiện giá điện mới chỉ đề nghị được tăng nên nhà nước vẫn còn có thể kiểm soát được. “Dù tăng là bất khả kháng nhưng tăng như thế nào, vào thời điểm nào thì thích hợp để đóng góp vào mục tiêu kiềm chế lạm phát thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Cách thức can thiệp của nhà nước là rất quan trọng”, ông Thành nói.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, một nguyên nhân quan trọng, tác động trực tiếp đến lạm phát quốc gia là do việc đầu tư công kém hiệu quả, nếu giải quyết được vấn đề này, lạm phát có thể kiềm chế được. “Nếu so sánh với Singapore, chúng ta có thể thấy Việt Nam không phải nhập khẩu nhiều lương thực, muối, than, nước…trong khi Singapore phải nhập khẩu hoàn toàn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này mà lạm phát chỉ dừng ở mức 3%. Như vậy, đóng góp của việc tăng giá xăng dầu vào lạm phát là không đáng kể mà chủ yếu do đầu tư công, tiền bơm vào nhiều nhưng hiệu quả kém. Bên cạnh đó, chúng ta cần sự công khai minh bạch của tất cả các doanh nghiệp độc quyền”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua đã có tính đến mục tiêu kiềm chế lạm phát chung của cả nước.

Nhà nước đã hết sức chia sẻ với người dân khi đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%, do đã sử dụng hết quỹ bình ổn nên phải điều chỉnh giá tăng cho phù hợp. Trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương cũng đã cân nhắc kỹ với mục tiêu là kiềm chế lạm phát trong năm 2012 sẽ ở mức như đã đề ra”, bà Mai nói.

Theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc giá xăng, dầu điều chỉnh tăng từ 600 đồng - 2.100 đồng/lít (kg) vào chiều 7/3, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng thêm 0,85%. Trong đó, tác động đến vòng 1 (trực tiếp) là 0,24%; vòng 2 (gián tiếp đến các ngành sử dụng xăng dầu) là 0,61%.
 

Để chặn việc nhiều ngành hàng sẽ “té nước theo mưa” sau khi giá xăng dầu tăng, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2 con số.

Theo DVO
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây