Gian nan quản lý ATTP
- Thứ tư - 01/08/2012 18:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
TỰ BƠI VÀ… HỤT HƠI!
Theo Cục BVTV, từ năm 2011 đến nay nhiều mặt hàng rau củ quả của VN liên tục bị Châu Âu cảnh báo, dọa sẽ cấm nhập khẩu do số lượng vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật tăng đột biến. Cụ thể, năm 2011 có tới 366/419 lô hàng bị EU thông báo vi phạm (chiếm trên 87% tổng số các vi phạm, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2010). Đặc biệt là tại Pháp thông báo tới 136 lần, Anh 83 lần, Đức 51 lần, Thụy Sĩ 36 lần… Sang đến nửa đầu năm 2012, số lần thông báo vẫn còn rất cao: 42 lần, trong đó 14 mẫu nhiễm dịch, 16 mẫu vi phạm giấy chứng thư, 12 mẫu là sản phẩm cấm và sai kích cỡ.
Chậm thay đổi lối sản xuất và quản lý, rau quả VN sẽ còn “gặp nạn” tại Châu Âu, Mỹ…
Để xảy ra tình trạng này, bà Dương Kim Ngọc – Phó Tổng giám đốc Cty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho rằng, kiểm soát chất lượng nông sản của VN hiện nay chủ yếu làm ở phần ngọn, chưa thực hiện tốt ở phần gốc (tức quá trình sản xuất của nông dân). Chính vì thế mới xảy ra tình trạng, khi DN ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân làm theo GAP để XK, nhưng khi thu mua luôn trong tình trạng hồi hộp, lo lắng vì không biết có đạt đúng yêu cầu chất lượng hay không. “Rồi khi DN muốn xây dựng quy trình XK đạt chuẩn cho nhà máy, gửi đơn thư đến mấy Cục của Bộ NN-PTNT nhưng chẳng thấy đơn vị nào hồi âm. Vậy là lại phải tự bơi, kinh doanh XK rau quả giờ như đánh bạc, theo kiểu hên xui…!” – bà Ngọc nói. Một DN khác cũng phản ánh, khi đến làm việc với nhiều Sở NN-PTNT, phòng NN hay Trung tâm khuyến nông các địa phương để trao đổi, nhờ tư vấn xây dựng vùng sản xuất rau quả an toàn, thì hầu hết họ đều có thái độ không mặn mà quan tâm.
Còn ông Mai Xuân Thìn – Giám đốc Cty TNHH Rồng Đỏ (TPHCM) phản ánh, các DN đang rất bị động trong việc kiểm tra dịch hại trên sản phẩm rau quả XK. “Khi chúng tôi mang mẫu đến kiểm nghiệm đều được hỏi: “Các anh kiểm tra cái gì?”, nếu không nói cụ thể thì họ từ chối làm. Trong khi đó tại nhiều nước khác, chỉ trong thời gian ngắn DN mang mẫu đến sẽ cho kết quả phân tích của cả trăm chất BVTV, dịch hại. Điều này đồng nghĩa, rau quả của DN nước họ được an toàn tuyệt đối khi XK đi khắp thế giới”. Một DN khác cũng cho biết, khi cầm 1 mẫu sản phẩm đi kiểm tra, thường phải chạy 4 – 5 trung tâm phân tích để cho chắc ăn vì mỗi nơi cho một kết quả khác nhau (nơi nói nhiễm, nơi nói không). “Cũng một mẫu đó, nơi thì hẹn cả tháng, nơi nhanh nhất cũng cả tuần. Đến khi DN bỏ khoản tiền lớn ra làm dịch vụ thì chỉ mất có 2 ngày, nhưng nếu làm thế thì quá tốn kém”.
KHÔNG CÓ ĐƯỜNG LÙI
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, vấn đề kiểm dịch thực vật tại các nước nhập khẩu đang ngày càng khó khăn, liên tục có những yêu cầu mới khắt khe hơn. Chính vì thế, giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ của tất cả các khâu: từ nông dân, nhà khoa học, các DN, nhà quản lý… đều phải vào cuộc quyết liệt. Ông Đạt cũng cho rằng, thời gian tới cần tập trung vào 2 giải pháp chính để mở các rào cản do các nước đặt ra: Giải pháp về chiếu xạ và giải pháp xây dựng vùng sản xuất phi dịch hại.
Ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II: “Chúng tôi qua Đài Loan tham quan, thấy Trung tâm phân tích kiểm dịch tại một quận của họ thôi đã có tới 100 – 200 cái máy chạy rẹt rẹt hàng trăm mẫu rau quả một lúc, phục vụ cho XK. Còn tại VN, do còn khó khăn về nguồn tài chính, máy móc phân tích không tự sản xuất được, mua lại quá đắt (hàng chục tỷ đồng/máy) nên cơ sở vật chất để phân tích dư lượng thuốc, kiểm dịch thực vật còn hạn chế”. |
Với giải pháp chiếu xạ ít tốn kém hơn, VN đang XK được nhiều mặt hàng rau quả vào thị trường Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Newzealand… Nhưng giải pháp về xây dựng vùng sản xuất phi dịch hại (mang tính lâu dài, bền vững) lại gặp nhiều khó khăn do chi phí rất lớn, nhận thức sản xuất an toàn của nông dân chưa cao, cơ sở hạ tầng và chính sách quản lý chưa đồng bộ. Nhưng ông Đạt cho rằng, khó cũng phải thực hiện, không có đường lùi do các nước nhập khẩu luôn đòi hỏi sản phẩm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật giảm dịch hại, giảm thuốc BVTV, áp dụng GAP, có mã số vùng trồng; các DN đóng gói, XK cũng phải đáp ứng yêu cầu quốc tế về VSATTP và truy xuất nguồn gốc.
Ông Cao Việt Hà – Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, trong tương lai các nước sẽ tăng dần các yêu cầu kiểm soát VSATTP, tăng cấp độ cảnh báo nông sản nhập khẩu. Các DN VN phải sẵn sàng ứng phó với chuyện rau quả của VN vượt qua được rào cản này rồi thì họ sẽ lại cho “mọc” thêm các rào cản khác. Chính vì thế, các DN phải xác định được nguy cơ bị khách hàng “thổi còi” ở đâu để tháo gỡ. Ông Hà cũng cho rằng, các mối nguy tập trung chủ yếu ở gia đoạn trước chế biến (công đoạn trồng) do thói quen sử dụng thuốc BVTV nhiều; đồng thời VN là nước có nhiều loại dịch hại phổ biến mà các nước Châu Âu hay Mỹ rất lo ngại.
Vì thế, muốn không bị ngưng XK thì ngành rau quả VN buộc phải có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu an toàn theo hướng NNCNC. Các nhà máy XK phải cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 để đáp ứng yêu cầu quốc tế. “Đặc biệt, các cơ quan chủ quản phải kiểm tra, giám sát, không để tình trạng nhiều nhà máy không đạt chuẩn cũng được XK tràn lan, gây hại cho toàn ngành rau quả như thời gian qua” – ông Hà nói.
Nguồn BNN