Giật mình với "văn hóa" chửi thề trong giới trẻ
- Thứ tư - 04/04/2012 21:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Nó dường như trở thành một thứ trào lưu và nghiễm nhiên được "lưu hành" lây lan như một thứ dịch bệnh trước sự thờ ơ của người lớn.
Chửi thề - câu cửa miệng dần... quen thuộc!?
Một lần ngồi uống cà phê bên lề đường trước cổng một trường đại học, tôi vô tình chứng kiến cuộc nói chuyện của hai bạn sinh viên. Họ chào nhau vui vẻ bằng một câu chửi thề khiến tôi choáng váng, đại loại như: "Đ. M., dạo này khỏe chứ?", "Đ. M., dạo này có gì làm ăn không?"... Cái cách nói chuyện "thân mật" ấy dường như đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài thanh lịch của đôi bạn sinh viên.
Họ còn "tâm sự" oang oang và không để ý gì đến mọi người xung quanh đang nhìn mình bằng ánh mắt thật khó chịu.
Ngạc nhiên và tò mò, tôi đã tự mình làm thử một cuộc điều tra nhỏ về cách thức nói chuyện trong giới trẻ hiện nay. Giật mình trước những gì mình đã quan sát, hầu như đi đâu tôi cũng bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ dùng những câu đệm theo... "phong cách mới" này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Dường như nó đã trở thành trào lưu đang rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay mà người lớn chúng ta không để ý. Không chỉ trong lúc nói chuyện lâu lâu mới xuất hiện vài câu chửi, mà chỉ một câu nói thậm chí lại chứa đến hai ba từ chửi thề làm câu đệm.
Có thể, nhiều bạn coi đó là chuyện ...bình thường!? Quả thật, mới nghe lần đầu tôi có cảm thấy cực kỳ khó chịu nhưng nghe mãi rồi cũng... quen. Và, nếu cứ tiếp tục được nghe những câu đệm chửi thề như thế, tôi nghĩ có lẽ rồi nó sẽ trở thành một thứ "văn hóa" chửi thề hiện hữu trong xã hội lúc nào không hay.
Giảng viên khoa Ngữ Văn - Anh, ĐH KHXH & NV TP.HCM Nguyễn Văn Thông phân tích: "Giới trẻ ngày nay sống và giao tiếp rất thoải mái, các em muốn khẳng định mình, cho mình là người lớn nên mọi ứng xử trong đời sống đều đến một cách tự nhiên, không cần phải tuân theo nguyên tắc văn hóa nào cả.
Nếu để ý một chút thì thấy việc dùng những từ đệm thiếu văn hóa đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của không ít cá nhân. Nói chuyện theo cách này vẫn được cho là bình thường, và rất phổ biến.
Hình như các bạn ấy cảm thấy, nói thì phải chêm vào một hai câu chửi thề thì mới thấy hợp, thấy sướng, như thế câu chuyện mới hay và thu hút thì phải" (?!).
Bạn Hoàng Văn Nghĩa, sinh viên ĐH KHXH & NV TP.HCM chia sẻ: "Không chỉ có các bạn học sinh trong trường phổ thông mới nói chuyện theo kiểu này mà ngay cả các bạn sinh viên ở các trường ĐH cũng vậy. Khi nói chuyện đều đệm thêm vào những từ ngữ không mấy văn hóa. Tôi nghĩ, thật đáng hổ thẹn và chúng ta cần thay đổi ngay từ bây giờ".
Nếu chúng ta quan sát kỹ hơn sẽ thấy quả thực ngôn ngữ một bộ phận giới trẻ đang bị thô tục hóa, các bạn không hề ngượng ngùng khi nói chuyện, dường như đó là những câu thường trực trong đời sống giao tiếp hằng ngày.
"Bản thân tôi cũng đã tình cờ chứng kiến cảnh các em học sinh chửi thề, khi đi đón con ở một trường trung học nằm trên đường Nguyễn Tuân. Vì đến sớm, chưa đến giờ tan trường, nên tôi và một vài phụ huynh khác chọn một quán nước ven đường ngồi đợi.
Trong quán có một nhóm học sinh cả nam và nữ đang ngồi uống nước, nói chuyện với nhau. Tôi không thể tin vào những gì mà mình nghe được trong cuộc hội thoại của các em. Những bạn học sinh này nói chuyện bằng việc sử dụng những từ ngữ tục tĩu thường xuyên và những câu chửi thề được tuôn ra ầm ầm, rồi cùng nhau cười khúc khích", một bậc phụ huynh có tên Thạch bức xúc.
Anh Phạm Minh Cảnh chia sẻ với chúng tôi đầy tâm trạng: "Thỉnh thoảng, tôi thường ra tiệm Internet gần nhà để đọc báo. Đúng là tôi cảm thấy rất chói tai với những tiếng chửi thề liên tục từ miệng của những bạn trẻ ở độ tuổi teen này.
Thật khó chấp nhận, con cháu mình là các game thủ say sưa chơi và say sưa chửi. Thắng chửi theo cách thắng, thua chửi theo cách thua. Vừa chơi game bạo lực, chúng vừa buông những lời bậy bạ một cách vô tư mà chẳng cần để ý đến người xung quanh".
Cần nghiêm cẩn tập lại thói quen
Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì nguyên do xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân. Họ phó mặc toàn bộ con cái cho nhà trường.
Cha mẹ có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây. Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng.
Hơn nữa, do cách sinh hoạt của mỗi gia đình, có nhiều gia đình biết con mình như vậy nhưng lại không chỉ bảo đến nơi đến chốn. Thậm chí trong nhiều gia đình, chính bố mẹ cũng vận dụng ngôn từ đậm tính "văn hóa" chửi thề nên trẻ mất nhiễm tính chửi thề từ nhỏ.
Khi đó thì những gì thầy cô dạy trong trường như "ăn nói lễ độ, không nói tục, chửi thề" sẽ trở nên xa lạ và như thể...nước đổ lá khoai.
Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh.
Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, nên có sự mở rộng mô hình phòng tư vấn học đường trong trường học để giúp người lớn có thêm kiến thức để ứng xử đúng đắn cũng như kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay.
"Chửi nhiều thành quen", lâu dần nhiều bạn hình thành thói quen cứ mở miệng ra là nói tục, chửi thề. Một khi đã là thói quen, thậm chí đã trở thành "văn hóa" chửi thề trong ứng xử, giao tiếp thì rất khó để thay đổi.
Sẽ đi về đâu nếu ngay từ bây giơ các bạn trẻ không điều chỉnh và xây dựng lại cho mình một thói quen giao tiếp văn minh và lịch sự. Trước hết, người lớn cần sự gương mẫu, nghiêm cẩn trong lời ăn tiếng nói của mình, để làm gương cho lớp trẻ nhìn vào đó tự điều chỉnh mình.
Điều "bình thường" khó chấp nhận
"Điều đáng nói hơn là tầng lớp sinh viên được xem là những người có học thức, văn hóa vậy mà cách nói chuyện theo lối "ấn tượng" này vẫn rất phổ biến. Dù ở giảng đường hay khi bên ngoài, khi nói chuyện với bạn bè thì tần suất xuất hiện những câu chửi thề vẫn diễn ra liên tục, thậm chí mỗi câu nói lại được đệm thêm vào một hay vài từ.
Phải chăng chúng ta đã quá dễ dãi với ngôn từ mình phát ra, và từ thói quen của những người xung quanh mà chúng ta cho nó là điều bình thường và chấp nhận nó như bao cái bình thường khác". (Giảng viên khoa Ngữ Văn - Anh, ĐH KHXH & NV TP.HCM Nguyễn Văn Thông)
Theo Người đưa tin