Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Giống má bát nháo chưa từng thấy

Minh họa

Minh họa

Cách đây mấy năm khi đi thu thập tư liệu về tình hình loạn giống “siêu nguyên chủng” rởm ở Hà Nam, tôi nghỉ qua đêm ở phòng khách Sở Nông nghiệp-PTNT. Suốt buổi tối hôm ấy và đến tận sáng hôm sau, năm lần bảy lượt ông Tr - Giám đốc Cty Giống tư nhân N.V phóng vè vè con xe ô tô cà tàng đến dúi vào tôi chiếc phong bì dày cộm.
Ông bảo: “Bỏ qua cho anh đừng đưa lên báo cái “lỗi cỏn con” cái siêu của mình chỉ lẫn chút hạt khác giống kèm cỏ dại thôi chứ to tát gì đâu”.


Nông dân mong có giống tốt

Xung quanh chuyện sản xuất “siêu nguyên chủng” dưới các HTX, hộ đấu thầu chẳng cứ Hà Nam mà còn ở nhiều tỉnh cũng lắm sự hài hước. Siêu gì sản xuất chẳng khử lẫn, gặt đập chẳng có máy riêng, đóng bao 50 kg chình ình giữa sân kho, sân trị. Siêu gì các công đoạn làm chẳng khác mấy lúa thường, đơn giản còn hơn cả đan rổ. Siêu gì bày bán nhan nhản khắp sạp hàng từ thị trấn, thị tứ đến hang cùng, ngõ hẻm. Về sau khi chiêu trò làm ăn bị báo giới lật tẩy, để tránh cơ quan chức năng bắt bẻ các cty tí hon lách luật bằng cách không còn ghi giống siêu nguyên chủng nữa mà lập lờ đề nguồn gốc từ "siêu nguyên chủng", nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Những bao thóc giống đổ xuống, lép, lửng, hạt cỏ dại vẩn lên cùng làn mây bụi. Hầu hết chỉ tiêu công bố trên bao bì như độ sạch, tỷ lệ nảy mầm, độ ẩm... đều sai hết vẫn điềm nhiên xuất hiện trên thị trường, “cá mè một lứa” cùng với hàng thương hiệu nổi tiếng. Một người thân của tôi từng làm giống than thở rằng trước cứ phải gò lưng đưa giống gốc xuống các điểm sản xuất, lôi cán bộ kỹ thuật cty xuống hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn. Đến thời vụ kiểm tra lên, kiểm tra xuống rồi mới thu giống về mà chỉ hưởng được khi 50đ/kg, lúc 100đ/kg. Nay, khi vào mùa nhiều cánh hàng xáo đi gom thóc thịt, phơi khô, quạt sạch rồi bán ào ào cho các chân rết cty giống lớn nhỏ.

 

Có một huyện thật như bịa rằng, ông Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh nọ mới lên khi được Trưởng phòng Trồng trọt trình danh sách các đơn vị cung ứng giống trợ giá đã suýt ký cả một cty có cái tên nhai nhái. Đến khi có người thông tin, ông Giám đốc giật mình bảo: “Tớ lại cứ tưởng cái cty giống ở phố Lương Định Của trên Hà Nội chứ”.

Khác với lúa lai chất lượng giống ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất, đến độ phân ly, phân tầng của lúa hàng hóa, giống lúa thuần có rởm mấy đi chăng nữa cũng khó mà gây thất thu lớn, có chăng chỉ cần lưu ý mỗi khâu nảy mầm là xong.Chị Vũ Thị Hiên - Phó Thanh tra Sở Nông nghiệp-PTNT Hà Nam cùng chia sẻ với tôi băn khoăn về chất lượng thực sự của các cty giống mini.

Tuy nhiên hơn 2 năm gần đây Hà Nam chưa lấy được mẫu giống vì không có người có thẻ lấy mẫu do Cục Trồng trọt cấp nên chẳng xử phạt được trường hợp hàng rởm, hàng nhái nào. Hà Nam có 9 cty giống trong đó có 3 cty hoạt động khá như Xí nghiệp giống Đồng Văn của Cty CP Giống cây trồng Trung ương, Cty TNHH Giống cây trồng Nam Dương, Cty Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Hà Nam còn lại đều làng nhàng, thậm chí sống dở chết dở. 


Nỗi buồn thóc ế

Lắm vị tiếng là giám đốc nhưng vẫn phải còng lưng chở từng bao thóc bằng xe máy đi giao hệt như đại lý cấp làng. Lắm cty không có nhân viên, chồng giám đốc, vợ phó, kho là nhà riêng, phương tiện chẳng có, vùng sản xuất trắng tay. Khi các đơn vị lớn mua giống đủ tiêu chuẩn (đưa giống cho vùng sản xuất rồi thu mua lại - PV) các cty mini thường mua hàng “sái” 2, “sái” 3, thậm chí còn nâng giá cao hơn để mua tranh hàng xịn do không mất tiền cán bộ, giống, vật tư đầu tư.

Trước cảnh tranh mua, cướp mua đó người sản xuất chỉ còn toét miệng cười sung sướng, bán rần rần thóc thịt với giá thóc giống. Dân gian có câu: “Có mà đổ thóc giống ra mà ăn” thực cũng đúng trong thời buổi giống má nhộn nhạo, nhiễu nhương, hươu vượn này. Những năm thiên tai, lũ lụt các cty giống tí hon đi gom hàng như hàng xáo, cãi chửi nhau tựa mổ bò, giành giữ nhau từng thúng, từng mủng thóc một. 

Những cái tên cty giống đánh đố, na ná nhau làm tôi chợt nghĩ đến chuyện ở các quán nước, bến xe, khách vào hỏi nước Lavie, Aquafina hầu hết đều chỉ mua được Lave, Aquafire.

Hình thức sản phẩm của họ thường rập khuôn theo hàng có uy tín, từ lô gô đến màu sắc, chỉ khác mỗi cái tên thương hiệu và địa chỉ. Giá bán bao giờ cũng thấp hơn, chiết khấu nặng tay hơn cho đơn vị tiêu thụ, cty lớn chiết khấu một cty nhỏ phải hai ba, thậm chí để “câu kéo” họ không ngại mở ví bao khách hàng tiềm năng ăn thả cửa, uống tẹt ga, mát xa tới bến.

Giám đốc những cty nhỏ rất biết cách đi hôm về khuya, qua lại nhà riêng Trưởng phòng Nông nghiệp, Trưởng trạm Khuyến nông, Phó chủ tịch huyện phụ trách khối, sẵn sàng chịu “đầu tư” để tuồn sản phẩm kém chất lượng vào thị trường. Những giống tồn, có vấn đề về độ nảy mầm, có hề gì? Xóa đát, đóng lại là xong. Đối với những mặt hàng này, một chiêu mà ai cũng thuộc lòng là không bao giờ bán số lượng lớn cho một đơn vị, một địa điểm mà xé lẻ bán cho dân. Khi rủi ro bị chia đều cho cả ngàn hộ, nếu có thiệt hại, mất mát cũng chỉ là in ít, nông dân khó bõ mà bắt đền được.

Những cty giống nhỏ ở Hà Nam mọc lên nhan nhản quanh Xí nghiệp giống Đồng Văn của Cty CP Giống cây trồng TW. Làm ăn chộp giật ít uy tín cộng với mấy năm gần đây không có thiên tai gây khan giống nên các cty giống nhỏ ở Hà Nam đang ở cuối của đường hầm tối tăm.


Mẫu sản phẩm của công ty "trung ương" Bắc Giang

Giám đốc Cty Giống cây trồng Nam Phương, bà Vũ Thị Doan tiết lộ cả vụ vừa rồi mình chỉ bán được có 30 tấn trên 60 tấn nhập kho, ế dài ế dặc. Cùng trong cảnh chợ chiều ấy là Cty Giống cây trồng Nông Hưng. Vợ chồng ông Phạm Đình Thăng - chủ Cty Nông Hưng bảo tôi doanh số bình thường một năm bán được 100 tấn nhưng năm nay chỉ dám mua 60 tấn Khang Dân, Ải 32, Q5 mà còn 30 tấn cất trong kho.

Bà vợ ông Thăng khào khào giọng không biết ốm do thời tiết chuyển mùa hay ốm do quá lo nghĩ lúa ế bảo tôi rằng: “Giống lúa nếp nhập vào 13.000đ/kg giờ bán 6.500đ/kg không có người mua. Giống Q5 nhập vào trên 8.000đ/kg giờ phải bỏ ra bán thóc thịt do đã hết hạn với giá chỉ 6.500đ/kg. Khổ quá, không ai tính được, vụ trước nếp bán chạy, giá lên 15.000đ/kg mà vụ này thì lại như thế”. Hàng họ ế sưng ế sỉa khiến ông bà chủ cty tư nhân này cũng vêu vao mặt mũi. Vào cái kho sát nhà tôi thấy lỏng chỏng máy sấy, máy rê, quạt bám đầy bụi. Ba con mèo thấy khách lạ, vừa cong đuôi chạy vừa kêu “goao goao” trong gian nhà ăm ăm lúa ế càng làm cho không khí thêm buồn, thêm tủi.
Theo Báo Nông Nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây