Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng: Nên hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp

Minh họa

Minh họa

Ông Phạm Đình Đoàn - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn phân phối Phú Thái cho biết: Đối với một quốc gia, các doanh nghiệp lớn rất cần được quan tâm, bởi chính các doanh nghiệp lớn sẽ giống như đầu tàu để phát triển các ngành nghề khác nhau.
Thế nhưng gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ chỉ mới tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo tôi việc này chưa được công bằng, tốt nhất Chính phủ nên hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp.
Ông Phạm Đình Đoàn -  Tổng giám đốc Tập đoàn phân phối
Phú Thái

- Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ cho các DN mới đây?

Đối với một quốc gia, các doanh nghiệp lớn rất cần được quan tâm, bởi chính các doanh nghiệp lớn sẽ giống như đầu tàu để phát triển các ngành nghề khác nhau. Thế nhưng gói hỗ trợ này chỉ mới tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo tôi việc này chưa được công bằng, tốt nhất Chính phủ nên hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp. Cụ thể hóa bằng việc xem xét lại việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% giảm xuống 20%, hoặc xem xét việc miễn thuế VAT bao nhiêu % và trong một thời gian nào đấy. Ví dụ, có thể mạnh dạn đưa ra giải pháp miễn 50% thuế VAT, vì sẽ có trường hợp các doanh nghiệp sẽ tận dụng việc giảm thuế VAT trong vòng 6 tháng, nhưng đến tháng thứ 5 có thể họ sẽ đóng cửa công ty. Đến lúc đấy thất thu của Nhà nước sẽ rất lớn, mà lại tạo ra sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tóm lại, chúng ta không nên phân biệt gói cứu trợ này cho doanh nghiệp nào, thuộc lĩnh vực gì. Vì tất cả đều là cấu thành của nền kinh tế, miễn sao tạo ra nhiều công ăn việc làm, tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, để hội nhập tốt hơn với nền kinh tế thế giới.

 - Hiện Phú Thái có gặp khó khăn trong vấn đề lãi suất không, thưa ông?

Khó khăn của Phú Thái cũng là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp đều phải đi vay vốn ngân hàng, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, muốn phát triển với quy mô lớn thì lượng vay cũng phải lớn. Do đó, không có doanh nghiệp nào mà lại không bị ảnh hưởng khi phải chịu mức lãi suất cao. 

- Trong bối cảnh các doanh nghiệp và tập đoàn phân phối bán lẻ lớn của nước ngoài xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, Phú Thái đã có hướng nào để chủ động liên kết với những doanh nghiệp trong nước?

Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều ý thức rất cao việc liên kết hợp lực với nhau. Tuy nhiên sự hợp lực này trên 80% là không thành công. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) chuẩn bị ra mắt là liên doanh giữa 4 doanh nghiệp: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO), Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) và Công ty TNHH Phú Thái. Nhưng cho đến nay sự liên kết vẫn chưa thành công.

- Thưa ông, nếu được hỗ trợ, ông mong muốn được hỗ trợ về mặt bằng, vốn hay những chính sách khác?

Hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp lúc này là mặt bằng, cần cải cách làm sao để VDA có thể tiếp cận được với mặt bằng càng nhanh càng tốt. Bình thường, khi chúng tôi đi xuống 1 tỉnh để tiếp cận khu vực mặt bằng thì ít nhất phải mất 3 – 4 năm mới giải phóng xong mặt bằng, sau đó lại phải mất thêm rất nhiều các loại chi phí khác, cộng thêm với thủ tục hành chính phức tạp…. Những doanh nghiệp cổ phần làm gì cũng đòi hỏi phải có sự minh bạch, nhưng như thế sẽ không thể nhanh bằng các doanh nghiệp nhỏ, thường các doanh nghiệp nhỏ họ rất “linh hoạt” trong vấn đề tiếp cận đất đai.

Ngoài ra, nếu các tập đoàn phân phối bán lẻ mà quá tập trung vào đất đai thì vô tình lại trở thành doanh nghiệp bất động sản. Vì muốn có mặt bằng thì phải đi thuê đất hay mặt bằng, nhưng hiện nay các tỉnh cũng đang thiếu ngân sách, nên họ đều đưa ra chính sách đấu thầu và trả tiền 1 lần. Điều này khiến cho vốn của doanh nghiệp đầu tư vào đất đai còn lớn hơn cả vốn lưu động. Đây chính là điểm bất cập.

Việc tháo gỡ khó khăn cho từng ngành nghề khác nhau, theo tôi Chính phủ nên có những cuộc gặp cụ thể với các doanh nghiệp để xem trên thực tế họ cần đề xuất gì, chính từ cuộc trao đổi đó mới tìm ra căn nguyên của vấn đề. Còn tổ chức các hội nghị, hội thảo thì cũng chỉ để khơi lên các vấn đề, còn khó khăn thật sự của cộng đồng doanh nghiệp và họ đề xuất cái gì có tác động tốt, các gì không tốt cho doanh nghiệp… thì vẫn cần phải có những cuộc gặp một cách hết sức nghiêm túc, từ phía doanh nghiệp cũng như Chính phủ.
Theo Tin Mới

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây