Hành hạ con cái thể hiện sự bất lực của cha mẹ
- Thứ sáu - 03/02/2012 17:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dân gian thường nói: Đến cả “hổ dữ cũng không nỡ ăn thịt con mình”. Thế thì tại sao con người, vốn được xem là loại động vật thượng đẳng, có lý trí, lại hành xử thô bạo như vậy với chính con đẻ của mình?
Tác dụng ngược của đòn roi
Hành xử thô bạo với con thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục con cái của cha mẹ. Ảnh minh họa: HTD
Trước hết, nếu chịu khó thống kê thì trong các vụ cha mẹ hành xử bạo ngược với con cái, chúng ta sẽ thấy phần lớn các bậc phụ huynh này có trình độ học vấn không cao. Do học vấn không cao, họ dễ có những nhận thức kém, đưa đến suy nghĩ cho rằng con cái là do mình sinh ra nên mình có toàn quyền “sinh sát” đối với chúng. Và vì nghĩ rằng mình có toàn quyền như thế nên cha mẹ thường muốn làm gì thì làm đối với con cái, từ việc áp đặt suy nghĩ, lối sống cho đến mọi thứ khác trong đời sống của con cái.
Họ luôn xem con cái như “vật sở hữu” riêng mà mình muốn làm gì, đối xử như thế nào cũng được. |
Bên cạnh đó, truyền thống giáo dục con cái của cha mẹ Việt Nam là theo phương châm “thương cho roi cho vọt”, tức luôn viện dẫn đến việc dùng bạo lực như là công cụ, phương pháp đầu tiên và cũng là phương pháp tối thượng trong việc giáo dục con cái. Sở dĩ như vậy là vì khi đánh trẻ đau, họ thấy trẻ biết sợ, biết nghe lời. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm lớn của cha mẹ. Sai lầm nằm ở chỗ khi mới bị đánh đập thì trẻ còn biết đau, biết sợ nhưng càng đánh, càng dùng bạo lực thì dần dần trẻ sẽ trở nên chai sạn trước đòn roi vì lúc đó chúng đã “lì đòn” do đã được “tập luyện” bằng roi vọt thường xuyên. Đến lúc đó, cha mẹ sẽ cảm thấy hoàn toàn bất lực vì lâu nay họ luôn nghĩ đòn roi là phương pháp tối thượng.
Trẻ em sẽ gặp nhiều vấn đề xã hội phức tạp nếu phải vào đời quá sớm. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HTD
Và khi bị bất lực bằng đòn roi thông thường thì cha mẹ lại “tăng đô” bằng những hình thức bạo lực khác như đốt con, bắt con ăn phân người chẳng hạn. Như vậy, chính quan niệm giáo dục bằng roi vọt đã dần dần đưa đến tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng chứ không giảm. Từ đó, việc cha mẹ đi đến chỗ giết con là khó có thể tránh khỏi. Như vậy, có thể thấy việc hành hạ con cái xuất phát từ sự bất lực của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
Áp lực kinh tế
Sự bất lực của cha mẹ có thể không xuất phát trực tiếp từ việc giáo dục con cái mà nảy sinh từ đời sống xã hội thường ngày của các bậc cha mẹ. Thực vậy, khi cha mẹ bất lực trước cuộc sống thường ngày hoặc rơi vào những bế tắc trong cuộc sống, họ sẽ có khuynh hướng chuyển sự thất vọng ấy lên chính những người thân trong gia đình của mình, trong đó có con cái.
Nhiều bậc cha mẹ xem con cái như “tấm bia đỡ đạn” cho những thất bại trong cuộc sống mưu sinh. |
Tình trạng kinh tế-xã hội càng khó khăn thì xác suất rơi vào tình trạng bế tắc, thất bại trước cuộc sống mưu sinh càng cao. Khi đó, con cái sẽ trở thành “bia đỡ đạn” vì chúng bị xem là những đối tượng gây trở ngại do cha mẹ. Vì chúng, cha mẹ phải vất vả mưu sinh để kiếm cơm gạo cho chúng ăn, mua quần áo cho chúng mặc, lo đồng tiền cho chúng đóng học phí... Khi ấy, con cái bị nhìn nhận không khác nào những “thủ phạm” gây ra sự bế tắc của cha mẹ và việc đối xử bạo lực với chúng là điều hiển nhiên.
Cuối cùng, việc đối xử bạo ngược với con cái còn có thể xuất phát từ việc họ không giải quyết được những mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội của họ và con cái là người phải gánh chịu những hậu quả đó. Như chúng ta thấy, có trường hợp cha giết con gái vì nó quá giống mẹ, mà mẹ nó lại là kẻ phản bội cha. Vì con gái giống mẹ nên đánh đập con gái như là cách gián tiếp để đánh đập mẹ vì nó mang hình ảnh của người mẹ vốn đang bị người cha căm thù.
Trẻ em cần được yêu thương. Ảnh minh họa: HTD
Rèn luyện kỹ năng làm cha mẹ
Một số phân tích trên cho thấy có mấy vấn đề cần phải suy nghĩ. Thứ nhất là kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng giáo dục con cái hiện nay là vô cùng thiếu thốn, đặc biệt ở những vùng xa đô thị. Pháp luật về hôn nhân và gia đình chỉ quy định tuổi kết hôn, các điều kiện kết hôn, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình... chứ không quy định muốn kết hôn, sinh con đẻ cái thì phải trải qua các khóa học về kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp giáo dục con cái. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ để có những hướng giải quyết thích hợp trong tương lai.
Thêm vào đó, quyền của trẻ em chưa được nhận thức đầy đủ nơi đa số các bậc phụ huynh khiến cho họ luôn xem con cái như “vật sở hữu” riêng mà mình muốn làm gì, đối xử như thế nào cũng được. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền quyền của trẻ em đến mọi tầng lớp dân cư để họ có cái nhìn tôn trọng hơn đối với con cái của mình.
“Tin tưởng rằng, gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ bản và môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên, nhất là trẻ em, cần có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để có thể đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng.
Công nhận rằng, để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông”.
(Trích lời nói đầu Công ước quốc tế về quyền trẻ em) |
LÊ MINH TIẾN
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)