Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Hô biến 38.000 tỷ thành… 'bột'

Minh họa

Minh họa

Quá bất mãn trước sự suy sụp của nền kinh tế, Frank Buckley, một nghệ sĩ thất nghiệp người Ireland nghiền nát 1,4 tỷ euro (tương đương 38.586 tỷ đồng) để làm thành những viên gạch và xây dựng một căn hộ nhỏ bằng chính vật liệu xây dựng độc đáo này.

Giải thích cho ý tưởng xây nhà khác người này, Frank Buckley bức xúc kể lại câu chuyện của nền kinh tế Ireland trong đó tạo nên cảnh ngộ trớ trêu của mình.

Ngay sau khi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2000, Ireland lập tức đón nhận một làn sóng các khoản tín dụng giá rẻ, tạo nên quả bong bóng bất động sản khổng lồ và hệ quả là dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Ireland.

Người dân Ireland đã chi hàng tỷ euro cho thị trường nhà đất nhưng khi bong bóng nhà đất xẹp xuống vào năm 2007, Ireland chìm sâu trong cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 và những khối tài sản khổng lồ “bốc hơi” nhanh chóng.

 

Không may, Frank Buckley cũng nằm trong số những người dân Ireland bị cuốn vào vòng xoáy bất động sản đó. Sau khi nhận được khoản vay thế chấp 100% từ phía ngân hàng, ông mua ngay một ngôi nhà với chi phí ước tính là 365.000 euro mặc dù không có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, căn nhà này sau đó nhanh chóng giảm 1/3 giá trị cùng với sự tụt dốc của nền kinh tế Ireland. Hậu quả là người nghệ sĩ thất nghiệp mang trong mình khoản nợ khổng lồ.

 

Túng quẫn làm liều, Frank Buckley tiếp tục vay thêm 1,4 tỷ euro từ Ngân hàng quốc gia Ireland về để… nghiền nát chúng ra, sau đó tạo thành những viên gạch và dành tới 12 giờ một ngày để xây dựng căn hộ có đầy đủ phòng làm việc, nhà bếp và phòng khách. Các bức tường và sàn nhà đều được làm từ những đồng euro nghiền nhỏ.

Căn hộ đặc biệt này được đặt trong hành lang của một khu văn phòng tại Dublin. Khu văn phòng này bị bỏ hoang kể từ khi được hoàn thành cách đây bốn năm, đó là giai đoạn bong bóng bất động sản bắt đầu xì hơi.

 

“Căn nhà bạc tỷ này là biểu tượng cho sự điên rồ tiền tệ mà đồng euro đã mang tới cho đất nước Ireland. Mọi người thi nhau đổ hàng tỷ euro vào những tòa nhà mà giờ đây chúng chẳng còn giá trị. Tôi cũng muốn tạo ra một cái gì đó từ cái vật không có giá trị này”, Frank bức xúc nói.

Nghệ sĩ này bày tỏ mong muốn rằng, giới lãnh đạo sẽ nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở lục địa già và giữ nguyên giá trị của đồng tiền chung.

 

Thống kê trên báo The Belfast Telegraph cho thấy ở Ireland hiện có 300.000-350.000 căn nhà xây lên mà không có người ở, trải rộng ở 621 dự án “bất động sản ma” trên cả nước, hậu quả của nhiều năm kỳ vọng vào thị trường đất đai. Điều đó đồng nghĩa với việc hiện giờ cứ 5 căn nhà thì một căn không có người ở.

Chính quyền có kế hoạch sử dụng những “căn nhà ma” này vào các dự án nhà ở xã hội, cung cấp chỗ ở cho khoảng 56.000 người neo đơn, có thu nhập thấp đã nộp đơn chờ được cấp nhà.

Tuy nhiên, ngay cả nếu kế hoạch đó được thông qua, vẫn còn hàng trăm nghìn căn nhà xây mới bị bỏ hoang tại Ireland, một sự lãng phí khó tin nổi. Báo Independent của Ireland cho biết chỉ riêng tại ba hạt Leitrim, Longford và Roscommon, 75 dự án bất động sản bỏ hoang có giá trị cả nhà và đất lên đến 2,2 tỉ euro (2,9 tỷ USD).

Trong hội thảo thường niên của Viện Quy hoạch Ireland tại Tullamore, Co Offaly hồi tháng 4 năm ngoái, James Nix, thuộc Mạng lưới môi trường quốc gia cho hay: “Chỉ một số nhỏ những căn nhà này được xây dựng gần trường học, cửa hàng và nơi làm việc. Phần lớn còn lại nằm ở những vùng xa xôi chưa được cung cấp dịch vụ”.

Để cung cấp dịch vụ đầy đủ cho những khu dân cư như thế, theo tính toán của Nix, chính quyền cần chi ra “chắc chắn hơn một tỷ euro (1,3 tỷ USD)”, ông James Nix nói thêm.

Ciaran Cuffe, Bộ trưởng phụ trách quy hoạch đô thị thuộc đảng Xanh, người được Chính phủ giao nhiệm vụ thống kê và giải quyết hậu quả than thở: “Một thách thức khủng khiếp. Chúng tôi phải giải quyết hậu quả của nhiều năm quy hoạch sai lầm, kinh tế phát triển quá nóng, chú ý quá nhiều vào bất động sản, tệ nhất lại là chạy theo số lượng hơn chất lượng... Các nhà đầu tư nghĩ nhà đất không chỉ dành cho dân Ireland, mà cho cả người nước ngoài, nhưng những con gà đẻ trứng vàng đó chỉ có trong tưởng tượng”.

Tình hình bi đát đến mức chính quyền phải xem xét một giải pháp hết sức cực đoan: đập bỏ các căn nhà đã xây. Báo chí Ireland rộ lên cuộc tranh cãi gay gắt về chủ đề này trong một thời gian dài.

 

 (theo Huffington Post)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây