Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Hy sinh bằng yêu thương và hiểu biết

Minh họa

Minh họa

“Mẹ tôi là điển hình của hy sinh. Chồng mất khi con chưa đầy năm, bà đã ở vậy nuôi con, bươn chải chèo chống dạy con nên người và làm hết nghĩa vụ với gia đình chồng, gia đình mình”.
Hy sinh phải đúng lúc

Nhạc sĩ Quốc BảoHy sinh là chấp nhận thua thiệt, mất mát cho một mục đích mà ta cho rằng cao cả, xứng đáng. Một người phụ nữ hy sinh cho gia đình, thì gia đình phải thực sự xứng đáng trong cách nhìn của người đó. Xứng đáng hay không, việc định giá này phải diễn ra thông qua một quá trình suy nghĩ chín chắn.
 
Sự thực, ai cũng ích kỷ, nên hy sinh là việc làm phản lại thói thường, chấp nhận mất đâu phải là bản năng!

Nhưng thử nghĩ xem, liệu có cách gì giúp ta giải tỏa ức chế, giảm nhẹ căng thẳng tốt hơn việc về với gia đình, với tổ ấm của mình, nhìn thấy nụ cười và nghe thấy lời nói vui tươi của người thân?
Liều thuốc tránh stress hiệu năng nhất là gia đình mình, bạn tin hay không thì tùy! Gia đình nhìn từ góc độ này quả thực là thứ thần dược, là món quà chẳng phải ai cũng có được, bất luận bạn là một nữ doanh nhân thành đạt, một người đẹp được xã hội trọng vọng hay chỉ là một phụ nữ bình thường như bất kỳ ai.

Hãy nghe lời tâm sự sau đây của bạn tôi, một người đàn bà nổi tiếng: "Em ước gì mình có thể vứt hết sự nổi tiếng, tài nghệ, nhan sắc, để có một đứa con. Chỉ cần một đứa con khỏe mạnh cho em nhìn ngắm chăm sóc, em đánh đổi cả thế giới này".

Nhưng hy sinh phải đúng lúc. Sớm quá, khi đối tượng của hy sinh chưa nhận ra sự cần thiết của hy sinh, thì thiệt thân.

Một người phụ nữ trẻ tôi quen, đã bỏ dở dang việc học, đổi nhiều nghề để sao cho có thì giờ chăm nom gia đình, nhưng chồng cô lại hoàn toàn không biết đến sự hy sinh ấy. Anh ta đàn đúm bạn bè, mượn cớ đi công tác xa để trăng gió bừa bãi, ỷ rằng đã có "hậu phương" vững mạnh.

Muộn quá, thì hy sinh thành vô nghĩa. Một người đàn bà khác mà tôi biết, mải chạy theo sự nghiệp, đeo đuổi mãi những ước mơ, khi ngoảnh lại thấy mình chẳng làm được bao nhiêu, thấy mình già, thấy mình cần đến chồng con, thấy mình nên… hy sinh. Lúc đó, gia đình không cần cô nữa, “bao nhiêu năm vắng mặt cô, chúng tôi vẫn sống được cơ mà”.

Chữ Hy Sinh viết hoa

Liều lượng hy sinh cần có để gìn giữ được một gia đình, một cuộc hôn nhân, một tổ ấm, tùy từng trường hợp mà nhiều hay ít. Nhưng hy sinh cũng chẳng phải thứ có thể đo đếm được mà biết thế nào là nhiều là ít.

Và nếu cho rằng người chồng và những đứa con không đáng cho sự hy sinh của bạn, thấp hơn cái mà bạn nghĩ mình phải đánh đổi hay làm mất như danh vọng, sắc đẹp…thì bạn lấy chồng làm gì, sinh con làm gì?

Mẹ tôi là điển hình của hy sinh. Chồng mất khi con chưa đầy năm, bà đã ở vậy nuôi con, bươn chải chèo chống dạy con nên người và làm hết nghĩa vụ với gia đình chồng, gia đình mình. Giờ đây, ở tuổi ngoài 70, bà vẫn tiếp tục hy sinh, dồn hết sức còm cõi nuôi dạy cháu nội. Mà không một lời than vãn.

Tôi cho rằng hy sinh phải học, phải luyện

Tập hy sinh chính là tập đức tính yêu thương. Tập hy sinh cũng là tập nhận lấy niềm vui khi đã ban phát niềm vui cho người khác.

Hy sinh là nền tảng để bảo đảm rằng gia đình bạn đang gắn kết bằng tình thương yêu. Coi trọng, dám đánh đổi để có và giữ chặt lấy. Chăm sóc, ân cần, là vì và chỉ vì tình thương yêu.

Bạn không hy sinh vì bạn không yêu. Bạn chống lại quan niệm xã hội Á Đông bằng cách nổi loạn, đập bỏ các giá trị, sống ích kỷ, là vì bạn không đủ yêu thương. Hoặc là bạn chỉ yêu chính bạn.

Không hy sinh gì cả, chỉ phá bỏ, đập vỡ, rồi làm mất, nuối tiếc, ân hận, tìm kiếm, lại đánh mất, lại nuối tiếc, cái quá trình luẩn quẩn vô vọng và mất thì giờ kia phải chăng là vì ta u mê, ngu muội? Phải chăng vì trái tim ta không biết yêu thương?

Còn hy sinh mù quáng đến mức mất hết, mất bản thân, mất tự trọng, mất sự riêng tư, thì lại là một dạng... ngu ngốc khác.

Vậy thì hy sinh là cho đi bằng trái tim yêu thương và đầu óc hiểu biết.

Theo Nhạc sĩ Quốc Bảo
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây