Làng buôn đồng nát xây biệt thự tiền tỷ
- Thứ sáu - 02/03/2012 22:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Buôn đồng nát về xây biệt thự
Không khó để hỏi đường về Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An, bởi nó quá nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người, một nơi mà những người cư trú được mệnh danh là dân “Do Thái" (vốn rất thông minh) của xứ Nghệ. Mới đặt chân đến đầu xã, những biệt thự cao tầng đã thấp thoáng hiện ra trước mắt.
Đi sâu vào theo con đường trung tâm xã, hai bên đường từng dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau, nhà kề nhà, nóc kề nóc, quả thực không nói ngoa nếu nói đây là một khu phố trong làng. Hai bên vỉa hè, hàng chục chiếc ô tô đang đậu thành một dọc dài càng tôn thêm vẻ giàu có cho ngôi làng tỷ phú này.
Diễn Tháp là một xã giáp vùng Yên Thành của huyện Diễn Châu bao gồm 9 xóm. Trước đây, vùng đất này là nơi đồng không mông quạnh, quanh năm nước ngập. Người dân Diễn Tháp hầu hết làm nông, mỗi nhà được vài ba sào ruộng khoán nên xưa kia dân sống ở đây nghèo xơ nghèo xác.
Đường vào xã Diễn Tháp
Cũng may, ngoài làm ruộng thì Diễn Tháp trước đây còn có nghề đúc đồng truyền thống nên tranh thủ lúc nông nhàn còn kiếm được đồng ra đồng vào. Những năm 90 trở về trước của thế kỷ trước, Diễn Tháp được xem là một trong những xã Nghèo nhất huyện Diễn Châu, có thu nhập bình quân trên đầu người rất thấp, đời sống bà con nơi đây vô cùng khó khăn.
Cũng xuất phát từ nhu cầu của nghề đúc đồng mà bà con nơi đây cứ sau mỗi vụ mùa xong là lại sắm cho mình một chiếc xe cà tàng đi gom đồng nát về phục vụ cho nghề. Không chỉ đi trong tỉnh mà bà con ở đây còn đi ra tận các tỉnh ngoài bắc như Nam Đinh, Hải Dương, Hà Nam... để gom đồng nát. Lúc đầu họ chỉ mua đồng nhưng sau thấy đồng nát các loại như nhôm, sắt, nhựa… cũng nhiều nên gom về nhập cho các đại lý lớn thu mua.
Ở đây, hình ảnh những căn biệt thự không còn là quá xa lạ với người dân
Cứ như thế, thời điểm đó cả làng đi buôn đồng nát, nhà nhà đi buôn, người người đi buôn. Không chỉ có đồng nát mà người ta còn thu mua đủ thứ trên đời, như đưa xoong nồi đi đổi đồng nát, buôn lông vịt, dép nhựa hỏng, bao bì, chai lọ… Cứ hễ cái nào mua được, bán được là họ buôn hết.
Người dân Diễn Tháp vẫn còn nhớ cái cảnh những cô cậu học trò buổi sáng đến trường, buổi chiều trên chiếc xe đạp tỏa ra các huyện lân cận buôn đồng nát. Thời điểm đó, nhiều khi cả làng dường như đêm không ngủ vì sau một ngày thu mua phế liệu về lại phải phân loại để nhập cho đại lý lớn. Diễn Tháp lúc ấy còn có một tên gọi khác nữa là: Làng phế liệu.
Nhờ những chuyến xe ngược xuôi buôn đồng nát, nên Diễn Tháp đã được xem là vùng quê giàu nhất Việt Nam
Các xã khác hoặc người dân vùng khác thấy dân nơi đây làm quần quật như vậy mà không khá lên nên chẳng thèm để ý hay học theo. Họ đâu ngờ rằng, trong nội bộ xã này đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về thu nhập, nhiều người giàu ngầm.
Chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, ăn sương nằm gió khắp nơi, người dân Diễn Tháp đang chuẩn bị cho mình một bộ mặt mới.
Khi phế liệu trong nước dần cạn kiệt, họ lại lân ra sang tận Lào để thu mua. Thời điểm đó, giá phế liệu tại Lào vô cùng thấp, thế là dân Diễn Tháp lại ồ ạt kéo nhau sang Lào mua. Lúc đầu là đi xe máy, rồi lên gửi xe khách, tiếp đó là mua ô tô riêng.
Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về lại được tập kết ở các đại lý của Diễn Hồng. Sau công đoạn qua phân loại, tái chế lại được đưa sang Lào bán với giá cao. Dần dần, Diễn Tháp phất lên một cách nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất của tỉnh Nghệ An.
Hàng trăm tỷ phú xuất thân từ nghề đồng nát
Bắt đầu từ năm 2000 người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự khiến dân quanh vùng này ngạc nhiên vô cùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Diễn Tháp mang một bộ mặt hoàn toàn mới, những ngôi nhà biệt thự cao tầng nằm san sát nhau nối thành một con phố dài dọc theo trung tâm xã.
Những căn biệt thự được hoàn thiện có đóng góp từ nghề đồng nát
Toàn xã Diễn Tháp hiện có hàng trăm hộ giàu, 480 ô tô các loại, trong đó cái rẻ nhất cũng có giá khoảng 500 triệu, còn lại đều hàng “khủng”, thậm chí một số đại gia còn xài xế hộp hạng sang có giá cả chục tỷ đồng. Số biệt thự trong xã thì không đếm xuể vì hầu như nhà nào cũng xây cho mình một căn nhà khang trang khi đã có nguồn vốn nhất định.
Chúng tôi đến ngôi biệt thự của gia đình anh Võ Văn Khang (SN 1958), một cơ ngơi bề thế trị giá hơn 2 tỉ đồng cùng với những tiện nghi gia dụng đắt tiền. Anh Khang tâm sự: “ Tui sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em. Lấy vợ xong, 2 vợ chồng ở riêng.
Nghe mấy anh em rủ đi Lào là đi liền. Lúc đầu chỉ chiếc xe đạp cà tàng với ít đồ nhựa và nồi niêu. Dần dần có vốn thì đi Nam Định lấy hàng rồi thuê ô tô chở hàng sang Lào nhập cho các đại lý”.
Những căn biệt thự vừa hoàn thiện
Hiện nay anh Khang có 2 ô tô chở hàng và hơn 20 nhân công phân loại phế liệu, bốc dỡ hàng hoá với mức lương 3,5 – 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Không những người lớn tuổi thành tỉ phú mà thế hệ 8X, 9X cũng giàu sang không kém.
Năm 1998, Nguyễn Hồng Sơn (1980), đang học lớp 9 trường làng đã bỏ ngang để theo chúng bạn sang Lào hành nghề buôn đồng nát. Hơn 10 năm bám trụ với nghề, khởi đầu cũng chỉ là là chiếc xe máy cà tàng buộc mấy cái xoong hư, chảo thủng chạy xuyên biên giới, đến nay Sơn đã có một cơ ngơi bề thế mà đến cả dân thành phố nhiều người cũng phải mơ ước.
Cách nhà Sơn chỉ mấy bước, ngay ngã tư trung tâm xã là ngôi nhà 3 tầng của anh em Hoàng Văn Thắng và Hoàng Văn Bình. Đây là những ông chủ sớm mở đường cho phong trào sang Lào lập nghiệp và thành danh trên nước bạn.
Ở đây, chuyện mỗi gia đình sở hữu từ 1-3 xe ô tô là chuyện quá bình thường
Hoàng Văn Bình (27 tuổi), theo anh trai buôn bán bên Lào từ những ngày nghỉ hè của năm học lớp 6. Năm 2001 học hết phổ thông, Bình vay mượn thêm vốn đi buôn chuyến đầu tiên. Xuất phát điểm của Bình cũng như anh Khang và Sơn, nhưng đến nay Bình đã mua ô tô trọng tải 4 tấn để chở hàng sang Lào.
Không như Bình, Nguyễn Hồng Thắng sau khi học xong trung cấp cơ điện mỏ nhưng đi làm lương chẳng thấm vào đâu nên bỏ sang Lào buôn bán. Thắng kể chúng tôi nghe những ngày đầu nhọc nhằn lập nghiệp. Do vốn ít, Thắng buôn bán những mặt hàng nhỏ như kim chỉ, đá lửa, kẹp tóc...
Được một thời gian, Thắng vay mượn, cầm cố nhà cửa để mua những mặt hàng có giá trị. Nhờ tích cóp nay Thắng đã trở thành một tỷ phú trẻ của vùng này với vốn trong người lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay Diễn Tháp có khoảng hơn 800 trăm tỉ phú. Theo đánh giá của các nhà xã hội học và chuyên gia về kinh tế thì Diễn Tháp là một trong những làng giàu nhất của làng quê Việt Nam.
Sự phồn thịnh của làng quê Diễn Tháp thể hiện trên những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm
Bà Chu Thị Khuyên, chủ tịch xã cho hay, tuy giàu có nhưng ở Diễn Tháp không có tệ nạn xã hội. Từ chuyện trộm cắp vặt, đánh bài ăn tiền đến ma túy, buôn lậu… tất thảy đều chưa từng xảy ra trong suốt chục năm nay. Sống trong môi trường đủ đầy về vật chất nhưng con em Diễn Tháp vẫn phát huy đức tính tiết kiệm, cần cù, siêng năng và nuôi ý chí thăng tiến của mình.
Hằng năm, xã nhà tiễn trên dưới ba chục em rời quê vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tỷ lệ này ngày càng cao dần so với những năm trước. Điều đáng mừng hơn, người Diễn Tháp khi xa quê trở về, dù ít nhiều cũng đều tự nguyện góp phần xây dựng quê hương.
(theo Infonet)