Lao động Thanh Hóa, Nghệ An bị ngầm tẩy chay
- Thứ hai - 25/06/2012 15:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Thất nghiệp vì… hộ khẩu miền Trung
Hòa vào dòng người đi xin việc tại KCX Linh Trung 2, với giọng miền Trung đặc sệt, mang hồ sơ tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp những cái nhìn ngờ vực của các bảo vệ. Dù biển tuyển dụng treo nhan nhản nhưng khi hỏi thì hầu hết bảo vệ đều cho biết đã tuyển đủ người. Nguyễn Văn Thành, quê ở Quảng Trường (Thanh Hóa), người đi cùng chúng tôi, nói nhỏ: “Họ vẫn cần người nhưng không nhận người Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đâu”. Thành vừa thi trượt đại học, vào TP HCM kiếm việc làm vừa để ôn thi lại, nhưng nhiều ngày qua dù đã đi ứng tuyển trên chục công ty vẫn chưa được nơi nào nhận. “Nhiều bảo vệ công ty nói thẳng, người Thanh Hóa thì có nhận hồ sơ rồi cũng bị thải ra, đừng cố làm gì, mất công tốn tiền làm giấy tờ”, Thành rầu rĩ nói. Không chỉ Thành, nhóm bạn đồng hương của cậu gần chục người cũng đang khốn khổ vì chưa tìm được việc làm.
Người lao động Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa chật vật xin việc tại KCX Linh Trung 2, TP HCM. Ảnh: T.Trang |
Tại Công ty điện tử H.W (KCN Sóng Thần, Bình Dương) cũng có nhiều người mang hồ sơ đến xin việc nhưng đều thất vọng ra về. Anh Phan Đức Sơn, quê Nam Đàn (Nghệ An), bức xúc: “Công ty thông báo mức lương, đãi ngộ hấp dẫn, mình đến xin việc, nhưng nhìn hồ sơ thì họ nói thẳng người Nghệ An thì đi nơi khác mà xin việc!”. Chúng tôi còn gặp nhiều người quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa không xin được việc ngồi bần thần ở KCN. Anh Nguyễn Ngọc Diện, một CN làm việc lâu năm tại KCN Sóng Thần, cho biết chuyện các công ty khoanh vùng lao động các tỉnh miền Trung không mới. “Trước đây, nhiều công ty còn dán thông báo không nhận lao động các tỉnh đó, bị phản ứng nên mới gỡ xuống. Nhiều công nhân có năng lực, nhưng nếu nghỉ việc chỗ này đi xin chỗ khác cũng rất khó, vì lỡ mang hộ khẩu các tỉnh này”, anh Diện nói.
Vơ đũa cả nắm
Tiếp xúc với một số đơn vị tuyển dụng cũng như công nhân tại các KCN chúng tôi được biết sở dĩ doanh nghiệp “né” lao động Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là do một số công nhân quê ở các tỉnh này thường quậy phá, trộm cắp, lôi kéo nhau nghỉ việc. “Dù không phải người nào ở các tỉnh đó cũng xấu, tuy nhiên doanh nghiệp đã ngán ngẩm nên vơ đũa cả nắm, không nhận tất cả”, anh N. nhân viên bảo vệ một doanh nghiệp tại KCX Linh Trung, chia sẻ. Một số công ty lớn như Freetrend có số lượng lao động hơn 20.000 người, trước đây tuyển lao động ồ ạt nay cũng bắt đầu dè chừng với lao động Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Chị H. công nhân Công ty Freetrend, cho biết công ty hiện đã ngưng tuyển lao động ở các tỉnh này dù vẫn đang cần người.
Dẫu vậy, CN có hộ khẩu Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa trong công ty vẫn chiếm đa số. “Nhiều công nhân đồng hương kéo bè lập hội móc nối với bảo vệ để ăn cắp hàng, thỉnh thoảng còn quậy phá và đe dọa lãnh đạo. Trước tết, hàng trăm công nhân người Nghệ An đánh trọng thương bảo vệ rồi đập phá nhà ăn của công ty. Chuyện quậy phá xảy ra như cơm bữa nhưng lãnh đạo công ty không làm gì được vì sợ bị trả thù”, chị H. nói.
Chị N., công nhân một công ty sợi tại KCN Biên Hòa (Đồng Nai) cho hay công ty này vừa có một đợt ngừng việc tập thể. Công nhân không chỉ ngừng việc mà còn mang rượu trải trước cổng công ty ngồi uống, mặt đỏ lừ sẵn sàng gây hấn. Nhiều lần công ty phải cử người xuống năn nỉ nhẹ nhàng chứ nếu không sẽ lớn chuyện. “Những lần ngừng việc tập thể có sự tham gia của công nhân Nghệ An, Hà Tĩnh, chủ lao động nước ngoài không bao giờ dám ra mặt mà phải đi nơi khác vì bị dọa xử”, chị N. nói.
“Không chỉ DN mà người lao động các nơi chỉ cần nghe nói đến công nhân Nghệ An cũng phải né”, anh K., công nhân tại KCX Linh Trung, cho biết. Thông thường, CN quê Nghệ An rất đông và hay làm việc cùng nhau. Mỗi khi đụng chuyện là có hàng chục người đồng hương cùng sấn vào hăm dọa. Trước Tết, một CN ngoài tỉnh đánh một người khác ở Nghệ An, lập tức bị đánh hội đồng gần chết. Chưa hết, dù nạn nhân đã trọng thương, một số phần tử hung hãn vẫn còn truy sát đến BV gây náo loạn cả một vùng. “Nạn kéo bè kéo cánh ngày một lan rộng. Doanh nghiệp khắp nơi đều ngán nên ngày càng tẩy chay. Điều này chỉ gây thiệt cho những người chí thú làm ăn quê ở các địa phương này”, anh K. nói.
Bài 2: Tệ nạn bao vây
Theo báo DVO